Cuốn sách Về từ hành tình ký ức của tác giả Võ Diệu Thanh ghi lại ký ức những nạn nhân, và cả những người đứng lên chống Pol Pot cuối thập kỷ 1970.
Được sự đồng ý của Tao Đàn (đơn vị nắm bản quyền cuốn sách), Zing.vn trích đăng câu chuyện của cô Năm Chăm, nguyên xã đội trưởng Phước Hưng, Huyện An Phú, Tỉnh An Giang.
Biên giới chưa khi nào bình yên
Tôi đánh Pol Pot từ năm 1977.
Sợ gì cô. Ông trời sinh ra những người binh nghiệp, ban cho họ một món quà lớn là không sợ chết. Súng đạn tránh mình chớ mình không tránh nổi nó đâu. Cái chết nó cũng ngang với một giấc ngủ dài.
Pol Pot tôi rành nó quá, sợ gì nữa.
Ngày 10/11/1977 tôi được điều qua Nhân Hội. Phải. Nó đã chiếm Nhân Hội trước đó. Nó cũng chiếm nhiều nơi khác nữa. Nhưng mình vừa giải phóng xong, mọi người đang mừng vui buông súng về với gia đình nên lực lượng rất mỏng. Lực lượng chủ lực cũng chưa sẵn sàng cho cuộc chiến thảm khốc đang tới. Bên mình biết là tụi nó gây hấn kiểu như lặt vặt nên cũng không quan tâm.
Nhưng chiến đấu ở biên giới nhiều năm nên tôi biết tình hình không đơn giản như vậy. Biên giới chưa khi nào bình yên. Bản thân người lính trong tôi chưa bao giờ thả lỏng ở trạng thái xả hơi dù Phước Hưng không phải là điểm nóng. Chính vì tinh thần sẵn sàng tác chiến mà chúng tôi luôn là những người được Huyện đội nghĩ tới khi cần.
Sách Về từ hành tinh ký ức. Ảnh: TĐ. |
Tháng 11 tôi được lệnh chi viện Nhân Hội. Tôi dẫn qua đó một trung đội. Ồ, không nhiều như cô biết đâu. Chỉ mười mấy người thôi, làm gì du kích mà có đông quân như chủ lực hả cô.
Tụi tôi vừa tới đường nước lớn chỗ C3, mới bò ra chưa kịp củng cố đội hình đã nghe tiếng “trô trô”. Tội nghiệp du kích của tôi nào giờ chưa từng nghe tiếng Khmer nên nó hỏi nhau, Chà Và ở đâu mà nói chuyện nhoi hết vậy Năm? Tôi nói không phải Chà đâu, nó đó, “trô trô” là “tiến lên tiến lên” đó. Nó tới rồi. Chuẩn bị đánh.
Mười lăm phút sau giáp chiến. May mà thường ngày tôi hay nhậu với bộ đội chủ lực nên xin được nhiều lựu đạn. Chúng tôi đánh với nó chủ yếu bằng lựu đạn. Suốt gần năm tiếng đồng hồ nó không tiến sâu vô được nên nó rút. Tuy nhiên trung đội của tôi vẫn phải ôm hầm chờ.
Biết nó trở lại khi nào. Sáng ra thu chiến lợi phẩm thấy tụi nó còn bỏ lại ba xác. Tôi giở mặt từng thằng Pol Pot nhìn. Toàn là mười bảy, mười tám không cô ơi. Thì nó lùa thanh niên đi lính hết. Có thằng lính nó mang cây súng AK quét đất mà. Nhỏ nhỏ không hà.
[...]
Tháng Tư năm 1978.
Lúc đó Tiểu đoàn 7 đóng trên dòng. 5 giờ nó ra đốt nhà giết người chỗ đình. Tôi chạy ra hè thấy nó cầm rọi chạy cời cời. Tôi cho lính đuổi theo xuống tới chùa. Một nhóm khác nó tràn ra tới phía dưới nhà tôi, tràn ra đường bắn người đang chạy xe trên đường.
Lúc đó trên xe có ba người, hai người nam một người nữ. Bắn chết tại chỗ. Tôi cảm giác nó như những cây súng biết đi chớ không phải con người. Vì lẽ nào lại không sợ chết. Tràn ra giết người rồi lui về biên giới như mấy con chồn ở trong rừng tràn vô xóm bắt gà rồi lủi vô rừng.
Hay tin dữ, tôi lại điều quân trở về. Nhưng lúc đó pháo ở Phú Hội dội qua như mưa. Du kích tôi không thể đi đường cái phải rà theo mé sông, tới mương đình chung vô cống leo lên bờ.
Ở gò ngoài hè, bộ đội rút còn bỏ lại một khẩu 12 ly 7, một cối 6. Họ đi gấp đặng đánh ở đâu đó tôi cũng không biết. Tại lực lượng chủ lực của tụi Pol Pot nó đổi mặt trận liên tục. Nên lực lượng chủ lực của mình cũng đổi theo.
Lúc đó tụi nó sắp tràn vô Phước Hưng rồi. Tình hình cấp bách quá, tôi kêu anh em hạ nòng súng. Tụi nó trên mương Tám Sớm, đang chạy dỏng lưng như chốn không người.
Tôi cho lính mình hạ nòng súng và pháo thẳng vào mục tiêu trước mắt. Tụi nó chạy táo tác.
Khẩu pháo này có lẽ lần đầu tiên nó được sử dụng để bắn trực tiếp vào con người. Cô nói luật quốc tế cái gì? Tôi mặc kệ. Cô coi nó tràn vô xóm tôi giết người như giết gà. Cô coi mấy ngàn người ở Ba Chúc. Cô coi mấy triệu người ở bên Campuchia. Nó có tuân thủ luật quốc tế không?
Tôi bắn nó đó. Tôi bảy mươi bảy tuổi nói mình hạ nòng pháo bắn nó đó. Cô cầm luật quốc tế đưa cho tôi phải không? Vậy cô hãy xử tôi theo luật đi. Tôi chỉ có cái mạng này để chơi với nó. Bắn tôi thì tôi cũng chơi với nó.
Nếu lúc đó có lệnh cấm tôi cũng đánh. Cô biết hễ một xã bị rơi vô tay nó, tất cả dân trong xã bị lùa đi và giết sạch. Nó giết người như người ta ví cù mấy con chuột lúc cắt lúa vậy. Rồi quân mình muốn lấy lại thì hầu như tốn không biết bao nhiêu xương máu.
Cô coi ở cầu sắt Đồng Ki. Cô hiểu không. Hai xe GMC ba lô là bao nhiêu cái ba lô, là bao nhiêu mạng người? Luật cấm là đúng. Còn cái bọn Pol Pot đó cứ để tôi thí mạng với chúng. Tôi chỉ sợ bắt trói tôi lại để tôi nhìn tụi nó ngang tàng giết dân mình, chớ nếu còn tay chân thì tôi không thể ngồi yên.
Ừ, tôi hiểu ý cô. Thì vậy đó, bắt buộc tôi phải bắn thôi cô.
Mà nó nghe pháo nó chạy dỏng lưng. Có vài thằng ngã xuống thôi.
Tụi nó rút lâu rồi mà chúng tôi vẫn cứ nằm dưới công sự chịu đựng tới khuya vì sợ tụi nó trở lại. Ai biết được nó tràn vô xóm lúc nào, bắn người đốt nhà lúc nào khi mình ngủ hết. Làm gì mà tụi nó sợ cô ơi. Hở một chút là giết sạch thôi, rồi ai giết lại cũng mặc kệ.
Nằm chờ lâu lâu như vậy.
12 giờ tôi với mấy anh em du kích ra chỗ tụi nó chết thu chiến lợi phẩm. Nhưng không phải dễ. Thấy nó nằm chết đó chớ nhào vô lơ mơ là ăn lựu đạn. Ừa, nó gài lựu đạn trong người. Chết với những cái xác chớ không phải giỡn chơi.
Thì cũng như ở Nhân Hội, những cái xác lính mười bảy, mười tám không hà. Chưa bao giờ tôi lại đối đầu với kẻ địch non nớt như vậy. Nhưng cũng chưa bao giờ tôi đối mặt với đối thủ khó lường trước như vậy.
Kệ tuổi tám mươi, còn giặc là tôi còn đánh
Đó là lý do bộ đội phía Bắc vào đây hy sinh nhiều. Địa phương quân ở huyện khác về cũng hy sinh nhiều. Có đôi khi họ bị xóa sổ cả một sư đoàn. Vì họ đánh với những người lính chưa quá hai mươi. Những người lính không có chất lính.
Không theo bất cứ một phương thức tác chiến hay một luật lệ nào cả. Cứ như những họng súng di động. Những họng súng cứ đánh hơi người mà tràn tới giết, rồi giết, rồi chạy. Không cần biết nơi đó người ta đang bố trí cạm bẫy kiểu gì. Cứ thấy đường trống là tràn vào, thấy hơi người là bườn tới.
Cô coi, bộ đội đào công sự dọc theo biên giới, dựng pháo yểm trợ. Yên tâm là không có thằng điên nào dám tràn vào đánh kiểu trườn mặt giữa đồng trống mà tiến vào công sự. Nên họ cứ thế ẩn nấp chờ đợi. Họ quên là mình đang chiến đấu với đội quân điếc không sợ súng.
Nên họ yên tâm ẩn nấp tới khi nhìn lên miệng công sự thì bọn Pol Pot đã đứng cách chưa đầy gang tay. Nó ria đạn như đồ chơi. Chỉ một tên, cả tiểu đội dưới công sự nát bấy. Xong rồi thì nó cũng bị dập. Bên nào cũng chết như rạ.
Chưa có gì đáng sợ bằng đánh với những kẻ không biết gì. Cảm tử một cách vô thức. Mà hình như không phải họ cảm tử. Mà là họ không cảm được gì trong những phát súng bắn đi hay những phát súng nhận được.
Tôi nã pháo trực tiếp vào những tên lính ngây thơ và nguy hiểm như vậy. Từng gương mặt non tơ ngã xuống. Chẳng có gì đáng sợ. Với tôi đứng giữa cuộc chiến, không có sợ hãi mà chỉ có đánh như thế nào ít thương vong nhất. Còn chết hay sống là chuyện của viên đạn.
Tôi có sợ không à? Tôi thì chỉ thích uống rượu chớ không sợ gì cả. Chiến tranh, cái đáng sợ nhất là cái chết thì tôi cũng xem nó là bình thường. Ngày nào mà không nhìn thấy cái chết.
Cái chết nó kế bên, nó quen như một cây súng hay cái ba lô. Có chiến tranh là có nó. Mọi người vẫn chết đó mà tôi thấy có gì đáng sợ đâu. Bùm một cái xong cuộc chơi.
Bộ đội phòng ngự tại chùa Xà Xía, Hà Tiên, Kiên Giang năm 1978. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân. |
Tôi không dễ khóc như cô nghĩ đâu. Hồi chồng tôi hi sinh, tôi mới hai mấy chớ nhiêu, mới sanh con nhỏ út mười tháng chớ nhiêu. Bốn đứa con rồi nhưng tôi mới hai mươi mấy hà. Tôi đang ở trên căn cứ B2. Bị lộ nên phải rút vô hoạt động bí mật, thành công dân bất hợp pháp.
Bốn đứa con hết thảy, ba đứa ở nhà, một đứa còn bú theo tôi lên căn cứ. Khi chồng chết, tôi gởi luôn đứa mới mười một tháng tuổi cho má rồi đi công tác. Nhớ con lắm. Lâu lâu xuống Châu Đốc nhắn má đem tụi nhỏ xuống cho thăm một chút rồi về. Chớ về xóm bị bắt là chết à.
Có, tôi bị bắt một lần. Hai năm năm tháng. Tù chính trị thì cô biết đó, bị tra tấn khỏi nói rồi. Tụi nó có hai hình thức tra tấn là đi tàu lặn và đi tàu bay. Tàu lặn là trói mình, quăng vô thùng rồi đổ nước cho ngộp. Còn tôi thì nó cho đi tàu bay.
Nó trói thắt ngang bụng mình, hai tay hai chân chạm đất như con vật bốn chân rồi châm điện. Khi đó mình co rút tay chân lại treo tòn ten như đang bay trên không. Khi nó châm điện thì trong đầu mình nẩy lửa. Khi cục lửa bằng ngón chân thì người tê cứng đau đớn lắm nhưng khi cục lửa bằng cái chén thì chết queo rồi.
[...]
Mà nhờ chịu đựng giỏi như thế nên những gia đình ngày xưa từng nuôi chứa tôi thương tôi không biết đâu mà kể. Mỗi lần tôi ghé nhà, người ngoài nhìn vô cứ nghĩ tôi với họ là bà con ruột thịt.
Thì cứ như vậy. Lúc nào đánh cứ đánh, lúc nào yên cứ nhậu với anh em. Tụi nó thì cũng coi tôi là anh em chớ không phải chị em nữa rồi. Mà tôi thấy cũng tốt thôi. Tôi uống say hay tôi tỉnh gì cũng suy nghĩ như nhau.
Cuộc đời người đàn bà binh nghiệp như tôi, nếu không nhậu với anh em, tôi còn biết làm gì để có niềm vui sau những ngày đem mạng sống của bản thân và đồng đội cân não với giặc.
Tôi khẳng định vậy rồi. Sống hay chết, say hay tỉnh, giàu hay nghèo tôi đều là vì mảnh đất này. Mục tiêu lớn nhất của tôi là vậy, chỉ có vậy thì còn gì sợ hay trông chờ nữa cô?
Đánh giặc bây giờ à? Không, không! Dẹp cái vụ sắp tám mươi qua một bên. Nếu tụi ác ôn nào tràn vô nước mình, giết hại dân mình thì tôi lại đánh. Phải đánh chớ. Cái đầu tôi còn mạnh lắm.