Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ký ức địa ngục của cô bé thời Pol Pot được Angelina Jolie làm phim

Những ký ức kinh hoàng và đau thương về thời kỳ Pol Pot được tái hiện chân thực qua hồi ức của nữ văn sĩ Loung Ung đã được Angelina Jolie chuyển thể lên phim.

Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam tuy đã lùi xa 40 năm, nhưng những ký ức về thời kinh hoàng đó vẫn để lại rất nhiều nỗi đau và mất mát cho người dân Campuchia và Việt Nam. Trong số đó có không ít những câu chuyện đau lòng về những đứa trẻ mắc kẹt trong thời chiến, bị đối xử như những nô lệ và phải trở thành những người lính khi tuổi đời chưa lên mười.

Năm 2016, giới phim ảnh quốc tế xôn xao trước thông tin nữ diễn viên - nhà sản xuất Angelina Jolie sẽ hợp tác cùng Netflix ra mắt một bộ phim về nạn diệt chủng Khmer Đỏ. Càng xôn xao hơn khi thông tin rằng bộ phim sẽ được chuyển thể từ tác phẩm tự truyện nổi tiếng Đầu tiên họ giết cha tôi (First they killed my father) của nữ tác giả Loung Ung.

Đúng một năm sau, bộ phim được công chiếu tại liên hoan phim quốc tế Toronto, khán giả khắp thế giới đã thực sự kinh ngạc trước một bức tranh quá chân thực, về những tội ác kinh hoàng mà chế độ Khmer Đỏ đã gây nên, càng đau đớn hơn trước câu chuyện có thực của một cô bé mới lên năm, đã phải trải qua những tháng năm đen tối nhất của dân tộc mình.

Khmer Do Loung Ung anh 1
Angelina Jolie và tác giả Loung Ung trong buổi công chiếu phim tại Campuchia. Ảnh: Omar Havana.

Tấm thảm kịch của một cô bé lên năm

Xuất bản lần đầu vào năm 2000, tự truyện Đầu tiên họ giết cha tôi của Loung Ung - một chứng nhân sống sót qua thời kỳ Khmer Đỏ đẫm máu, đã gây tiếng vang lớn tại Campuchia và Bắc Mỹ.

Không chỉ vì câu chuyện bi kịch của một cô bé mới lên 5, mà câu chuyện còn nói lên nỗi lòng của những đứa trẻ mắc kẹt trong lằn ranh giữa cuộc chiến, và sự tàn độc mà Khmer Đỏ đã gây nên cho biết bao gia đình Campuchia lúc bấy giờ.

Tự truyện này không chỉ gây nên cơn sốt trong dư luận Campuchia lúc bấy giờ, khi liên tục đứng đầu danh sách bán chạy nhất tại quê nhà, mà tác phẩm còn vươn tầm ảnh hưởng của nó ra thế giới.

Minh tinh Hollywood Angelina Jolie cũng là một trong những độc giả của tự truyện này. Chính sự ám ảnh từ câu chuyện, nên ngay sau khi bàn thảo với với tác giả, cả hai cùng hợp tác để chuyển thể bộ phim lên màn ảnh rộng. Với Loung Ung, bộ phim như một cách để bày tỏ nỗi niềm của cô về những gì đã trải qua.

Nếu có điều gì Loung Ung có thể giúp cô gợi nhớ về bố mẹ, thì đó là khoảng thời gian bình yên mà cô cùng với sáu anh chị em khác sống tại Phnom Penh. Tuy ngắn ngủi nhưng đó là những hồi ức đẹp nhất mà cô có được. Và rồi cơn ác mộng kéo đến ngay khi quân đội Khmer Đỏ tràn vào thủ đô Phnom Penh, bố mẹ cô - những quan chức cấp cao trong chính phủ Lon Nol bị bắt đi, bản thân Loung Ung và các anh chị em mình bị ly tán, bị đẩy vào các trại tập trung khác nhau do Khmer Đỏ dựng nên.

Hình ảnh một cô bé mới lên năm, đã phải chịu cảnh gia đình biệt ly và bị bắt đi khổ sai được Loung Ung kể lại rất chân thực, ngay cả những hành động man rợ nhất mà cô phải chứng kiến như đánh đập, hành hạ những người chống đối đã để lại những sang chấn tâm lý quá nặng nề.

Loung Ung phải trải qua một sự hành hạ về tinh thần trong suốt những năm tháng bị bắt phải lao động khổ sai như một nô lệ, bị bắt phải cầm súng đi giết người, phải đày đi khắp các vùng ở Campuchia từ khu trại này sang khu trại khác. Nhưng những sự việc đó không gây nên nỗi đau bằng việc chứng kiến cha mẹ và anh em mình bị tra tấn dã man.

“Cái chết của cha mẹ vẫn ám ảnh tôi rất nhiều” - Loung Ung kể lại trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2017 khi ra mắt bộ phim. Hình ảnh cha cô bị đánh đập và làm nhục bởi nhóm Khmer Đỏ trước ống kính quay vẫn gợi lại cô nhiều nỗi đau. “Một hôm, hai người người lính dẫn cha tôi đi khỏi trại, ông nói với tôi rằng ông sẽ trở về sớm thôi, bảo tôi phải luôn đi theo các anh chị em mình. Đó là lần cuối cùng tôi được thấy mặt ông, trước khi cha tôi bị giết hại dã man”.

Khmer Do Loung Ung anh 2
Một cảnh trong phim Đầu tiên họ giết cha tôi. Ảnh: Netflix.

Lối kể chuyện của Loung Ung chân thật đến mức người đọc thấy kinh sợ trước những hành động man rợ của Khmer Đỏ, và việc sử dụng và huấn luyện những lính trẻ em để “chết thay” tàn khốc, vô nhân đạo.

Hồi ức Đầu tiên họ giết cha tôi còn khắc họa nên bức tranh đau thương vì bom đạn mà người dân Campuchia phải hứng chịu, khi mô tả rất chi tiết hành động rải mìn để ngăn bước quân tình nguyện Việt Nam, nhưng cùng lúc đó lại vô tình giết chết chính những người dân Campuchia.

Niềm tin vào sự tái thiết của đất nước

Vào năm 1980, một năm sau khi được quân đội tình nguyện Việt Nam giải cứu khỏi trại tập trung của Khmer Đỏ, Loung Ung đoàn tụ cùng một số anh chị em của mình trong trại tị nạn của hội Chữ thập đỏ quốc tế. Họ nhanh chóng đi cùng hội chữ thập đỏ sang tị nạn tại Thái Lan, trước khi được đưa sang Mỹ định cư theo diện đặc biệt.

Chính từ câu chuyện của những người sống sót thoát khỏi địa ngục Khmer Đỏ ấy, mà thế giới đã phải giật mình nhìn lại sự thật những gì đang diễn ra tại Campuchia thời điểm ấy. Những tổ chức trên thế giới đồng loạt kêu gọi hành động khẩn cấp giải cứu những đứa trẻ mắc kẹt trong vùng chiến, và ngăn chặn tình trạng sử dụng trẻ em làm binh sĩ trong những vùng chiến sự trên khắp thế giới.

Khmer Do Loung Ung anh 3
Loung Ung 9 tuổi sau khi thoát khỏi trại Khmer Đỏ. 

Ngày nay, Loung Ung là một nhà hoạt động vì quyền con người nổi tiếng tại Campuchia, cô cũng là thành viên tích cực trong tổ chức hoạt động “Chống Bom mìn thế giới”, kêu gọi nhân loại có nhận thức trong việc ra phá bom mìn sau chiến tranh. Nhưng với cô, những ký ức về bom đạn đã giết chết của người thân mình vẫn còn hằn sâu trong ký ức. Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng di chứng của nó vẫn còn tồn tại mãi.

“Ngay cả tới lúc này, tôi vẫn còn ám ảnh trong giấc ngủ, hình ảnh mẹ và em tôi rời đi. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng đó là lần cuối cùng tôi được thấy bà”, Loung Ung ngậm ngùi kể lại.

Với cô, giờ cái chết không còn là nỗi ám ảnh, hay điều gì đáng sợ nữa. Chứng kiến quá nhiều đau thương xung quanh mình đã khiến cô trở nên mạnh mẽ hơn.

Những nỗ lực của cô ngày nay tại quê hương mình phần nào giúp cho người dân không còn chịu những mất mát từ bom mìn còn sót lại. Với Loung Ung, dù chiến tranh có tàn nhẫn, có đau thương đến đâu, thì vẫn sẽ còn tồn tại một niềm tin về ngày mai tươi sáng hơn.

Cô bé 11 tuổi ngủ bên hàng trăm xác người bị quân Pol Pot sát hại

Quân Pol Pot tràn vào Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang) tàn sát cả làng, chị Sương là cô gái nhỏ tuổi bị thương nặng, hàng ngày lết vào làng kiếm cái ăn và vượt qua được tử thần.

Hồi ức của người lính Tây Nam trong cuộc chiến kinh hoàng với Pol Pot

Văn chương viết về chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam chưa nhiều, nhưng cũng đủ khắc họa sự khốc liệt, để từ đó, bạn đọc thêm nâng niu giá trị của hòa bình.

Anh Khôi

Bạn có thể quan tâm