Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô bé 11 tuổi ngủ bên hàng trăm xác người bị quân Pol Pot sát hại

Quân Pol Pot tràn vào Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang) tàn sát cả làng, chị Sương là cô gái nhỏ tuổi bị thương nặng, hàng ngày lết vào làng kiếm cái ăn và vượt qua được tử thần.

Ngày 18/4/1978, quân Khmer Đỏ tràn vào xã Ba Chúc (tỉnh An Giang). Trong 11 ngày đêm, chúng thẳng tay tàn sát dã man hơn 3.000 người, dìm Ba Chúc trong biển máu với vô vàn hình thức giết người man rợ như thời trung cổ.

Tác giả Võ Diệu Thanh tìm gặp những nhân chứng vụ thảm sát, ghi lại trong cuốn Về từ hành tinh ký ức. Được sự đồng ý của Tao Đàn - đơn vị nắm bản quyền sách, Zing.vn trích đăng câu chuyện của chị Sương - nạn nhân nhỏ nhất còn sống sau cuộc diệt chủng ở Ba Chúc.

Cô bé duy nhất còn sống giữa Ba Chúc đẫm máu

Tôi biết chị năm tôi mười bốn tuổi. Nằm trong ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Hậu, nghe tiếng chó sủa xa xa, tôi đọc những dòng viết về chị. Một cô bé duy nhất còn sống giữa làng Ba Chúc đẫm máu. Một vết đạn bắn từ ngực xuyên thẳng ra lưng chỗ đầu phổi. Miệng vết thương ở lưng phá rộng gần bằng cái chén. Bên cạnh đó một vết bị đập ở đầu.

Ngày ngày mang ba vết thương chí mạng như vậy đi bẻ xoài non, me nước rụng dính đầy đất để ăn. Đêm đêm mang ba vết thương đến ngủ bên xác người cha chỗ bàu Điên Điển. Ngủ chung cùng hàng trăm xác chết của những người trong làng. Xác mẹ, xác anh em đã rã rời đâu đó chị cũng không biết nữa.

Tham sat Ba Chuc qua loi ke chi Suong anh 1
Sách Về từ hành tinh ký ức.

Bữa tôi đọc về chị là cái đêm mà sáng hôm sau nhà tôi lấy cốt chín ngôi mộ của ông bà hồi xưa. Họ không phải nạn nhân của Pol Pot nhưng những cái quách chờ ngày cải táng, những ngôi mộ đã cũ làm nỗi ám ảnh trong tôi tăng lên tột độ. Tôi đọc những chứng tích tội ác của Pol Pot trong đêm đó. Trước đó không lâu, tôi đọc một quyển truyện tranh về tội ác của Pol Pot.

Bắt đầu quyển truyện tranh là tiếng chó sủa. Kế đó là máu người, những cuộc lùa người bằng súng. Những cuộc đập đầu người như đập đầu cá trong mùa tát đìa. Một thế giới tàn khốc. Nó kinh khiếp tới mức tôi nghĩ chỉ có trong hư cấu.

[...]

Hình ảnh cô bé mười một tuổi thương tật lang thang trong một ngôi làng chết được đẩy lùi khỏi tâm trí tôi, rồi dần dà gần như tôi quên hẳn. Để sống, tôi phải tập xóa ám ảnh. Vì với tôi, chưa có gì nặng nề bằng những cơn ám ảnh.

Chính vì dễ bị ám ảnh nên tôi ít khi để mắt tới tư liệu chiến tranh. Tôi luôn luôn nguyện với lòng hãy đẩy lùi chiến tranh trở về phận sự quá khứ của nó. Tất cả những sách viết về chiến tranh, những kênh truyền hình tả chiến tranh đều bị tôi gạt khỏi tầm mắt.

Nhưng kì lạ, trong những ngày lẩn trốn ám ảnh tôi nhận ra mỗi cuộc đời người dù đi hay ở, dù lãng quên hay đau đáu nhớ, đều để lại những bài học. Tôi lại nghĩ tới chiến tranh, hỏi nhiều câu liên quan tới nỗi sợ của tôi, liệu rằng đằng sau những ám ảnh đó là bài học gì. Bài học gì trong bốn ngàn mạng người ở ngôi làng Ba Chúc hiền lành. Bài học gì trong hơn ba triệu mạng người dân chân chất ở đất nước láng giềng. Bài học gì ở cô bé mười một tuổi với ba vết thương và những ngày lang thang trong ngôi làng tận thế.

Những nhân vật trong cuộc tàn sát của mấy mươi năm trước lại trở về và chạy theo tôi. Họ ở đâu, họ sống như thế nào, may mắn hay bất hạnh trong phận người đã từng bất hạnh khủng khiếp. Bệnh tật và nỗi ám ảnh có biến họ trở thành một người mất trí?

Tôi muốn tìm hiểu về họ. Người đầu tiên tôi nghĩ tới là chị Sương, cô bé mười một tuổi ngủ bên xác cha suốt mười một ngày tang tóc.

Vài thông tin về chị. Kiểu như chị được nuôi dưỡng như một di tích của chiến tranh. Có người nói chị đã chết sau hai lần tai biến mạch máu não.

Nhưng thật ra chị ấy không chết đi đâu cả. Chị được bảo tàng của tỉnh nuôi rồi cho ăn học, cho một chỗ làm. Cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác, chị có chồng rồi sinh con. Cả nhà chị sống trong một ngôi nhà tình thương cấp bốn tại làng Ba Chúc ngày xưa. Việc chị bị tai biến sau tai nạn giao thông là có thật, một phần xương sọ não được nuôi dưỡng ở bệnh viện. Tiền bồi thường của người gây tai nạn vừa đủ để trả nợ cũ nên không có tiền ghép xương trở lại.

Giờ thì chị không thể nói được gì nhiều. Những người láng giềng tới thay chị kể về cuộc đời chị. Chị ngồi nghe rất hồ hởi. Cái nào trúng chị gật đầu mừng rỡ “đúng rồi”, cái nào sai chị nói “không phải”, “chỗ này, không phải, tức quá trời”.

Tôi trở lại con đường làng nơi chị từng đi. Nhà cửa san sát, xe cộ dập dìu. “Hồi đó cả vùng này trống trải, tụi Pol Pot đứng tuốt ngoài gò Lẻ có thể nhìn thấy người đi chỗ cây dầu, nã đạn như rải trấu”. Người hàng xóm của chị nói vậy.

Theo lời kể của chị Sương lúc chị còn nói chuyện được thì chị và ba chị bị lùa từ chùa. Những ngày trước đó chị hay được ba dắt vào hang núi trốn pháo. Chị thấy vui vì người lớn đi lại tất tả ì xèo. Một đêm, chị không nhớ đêm nào, khi đang ngủ ngon lành thì ba bồng chị dậy rồi nói “giặc vô xóm mình rồi”. Mắt nhắm mắt mở chị nhìn thấy những ánh lửa xa xa. Chừng chạy một chút nữa chị thấy dọc theo biên giới, dọc theo xóm làng lửa cháy ngút ngàn. Lửa từ những ngôi nhà bị đốt.

Cha đưa chị vô chùa Tam Bửu. Chỗ sân chùa vốn dĩ rất rộng, ngày thường bọn trẻ em như chị chạy mỏi chân chưa giáp mà khi đó người đứng người ngồi chật ních. Mọi người đang quỳ lạy cầu xin trời phật phù hộ bình an.

Chị ngồi nhìn mọi người một lúc lại thiếp ngủ trong tay cha mình. Đang ngủ chị giật mình bởi tiếng đạn nổ rất gần. Chị nghe những tiếng la gọi người thân lần cuối khi trúng đạn, những tiếng ối và hàng chục người ngã xuống sau những tiếng súng.

Mỗi đợt có tiếng súng, có người ngã xuống, ba chị ôm siết chị vào lòng. Chị biết ba đang rất lo sợ.

Cuộc tàn sát tại chùa dừng lại ở đó. Họ nói với những người còn lại đi theo họ ra đồng, sẽ có người giải quyết. Từng tốp người bị tách ra lùa đi. Mỗi tốp năm, bảy chục người. Chị đi theo tốp của ba chị. Khi bị lùa đi, chị nghe tiếng mẹ chị gọi tuyệt vọng xa dần xa dần.

Tới khi cha chị bị giết, tới khi chị bị bắn, chị chẳng nhớ gì nhiều. Chị không biết mình đã nằm bất tỉnh bao lâu. Hình như là hết ngày, hình như hết đêm. Rồi khi tỉnh dậy chị thấy chân ba chị gác lên người chị, lạnh ngắt và hôi rình. Thấy khát khô cả họng, chị cố lấy sức đỡ chân ba ra khỏi người rồi đi tìm nước uống.

Miếng ruộng nơi cha chị và mọi người nằm chết có nước nhưng máu đen đặc, chị lần dò đi tìm một cái lạch nước ở gần đó vục tay lấy nước uống. Khi đói chị đi vào xóm bẻ xoài, bẻ me nước ăn, tối về ngủ bên xác cha đang ngày càng biến dạng và hôi thối...

Ngôi làng chỉ còn những xác người, mùi xác người phân hủy

Con đường nơi chị Sương kiếm xoài ăn và về bên xác cha ngủ suốt mười ngày đã lùi vào quá khứ. Nó chỉ tồn tại trong trí nhớ của chị Sương và những người đã ra đi. Nó không được vẽ lại.

Không ai vẽ được tang tóc của một ngôi làng sau mười ngày tận thế. Tất cả đã bị lùa ra đồng. Tất cả đã bị bắn tại chỗ. Tất cả những người sống sót hiếm hoi đã trốn vào núi Tượng. Ngôi làng chỉ còn những xác người, tiếng ruồi, mùi tử khí, mùi xác người phân hủy và nhiều nhất là những con dòi to bằng ngón tay. Cô bé Sương đi về một mình trong ngôi làng đó. Hôi không? Hôi, hôi lắm, ruồi vầy nè, vầy nè, ghê lắm. Chị sợ ma không? Không sợ. Chị sợ chết không? Không. Chị sợ gì? Không sợ gì cả. Mà ghê lắm. Này này...

Tham sat Ba Chuc qua loi ke chi Suong anh 2
Xương nạn nhân trong vụ thảm sát được bảo quản tại Nhà mồ Ba Chúc.

Chị vạch lưng chìa vết thương sâu húm. Viên đạn bắn vào ngực mở rộng miệng ở phần đầu cuống phổi to như miệng chén, vết ở đầu, là do bị đập bằng cái lõi tràm. Khóc không? Khóc dữ lắm.

Lúc đó chị khóc như thế nào? Chắc là không thể khóc ngay khi vừa bị đập đầu. Vì thường thì tụi nó bắn xong bao giờ cũng ngồi lại canh chừng từng đống xác. Hễ thấy ai nhúc nhích dù chỉ là giãy chết cũng sẽ bắn, sẽ đập cho chết hẳn.

Chị không thể nào ngồi khóc lúc đó được. Chắc là chị khóc lúc tụi nó đã rút đi, khóc sau một thời gian dài bất tỉnh. Khóc khi chợt giựt mình tỉnh dậy giữa đêm đen mịt mùng, nhìn lại thì bốn bề lặng im, ba nằm đó máu me bê bết, miệng im phăng phắc. Xung quanh đầy những dáng người nằm la liệt như đang ngủ. Chất lên nhau mà ngủ.

Chắc là chị khóc lúc cảm thấy đói mà không có ai bới cơm cho ăn. Khóc riết rồi hết khóc, rồi tự bò vô xóm bẻ xoài non chua, bẻ me nước chát ăn đỡ dạ.

Mang những vết thương đó đi đi về về giữa ngôi làng chết và những cái xác để tìm xoài non me nước rụng lót dạ qua ngày thì đúng là thần chết từ chối chị chớ không phải chị chạy trốn thần chết.

“Ngày người ta tìm thấy bả, bả còn đang nằm bên xác ba bả. Mười ngày bị thương, bị đói khát rồi, sắp chết rồi. Dòi trên đầu bả cục cục vầy nè...”. Ừ, trời ôi. Rồi lúc đó có thấy ai không? Không thấy. Có thấy mấy thằng Pol Pot không? Không thấy.

Đúng là thần chết từ chối chị. Mang những vết thương như vậy mà hồn nhiên lang thang trong xóm trống không tựa hoang mạc lại không bị tụi nó phát hiện. Người lớn trốn trên núi cẩn thận từng chút mà còn bị lôi ra giết huống gì một đứa trẻ khờ khạo. Cũng có thể tụi nó nghĩ chắc là trong làng chết hết rồi, chắc là không ai dám ở lại xóm nên dồn lực đổ quân tràn lên lục lạo từng ngách núi.

Đúng là chỉ có đứa trẻ mười một tuổi như chị mới dám ở lại xóm, ở lại nơi mà nhà cửa cây cối chỉ còn là những đống tro tàn, người chỉ còn cái xác.

Tội ác kinh hoàng của quân Pol Pot qua ký ức người An Giang

Có hàng nghìn câu chuyện ghê rợn về Pol Pot đã kể, và Võ Diệu Thanh phơi bày tội ác quân diệt chủng khi dìm người dân Ba Chúc trong biển máu thông qua ký ức người sống sót.

Hồi ức của người lính Tây Nam trong cuộc chiến kinh hoàng với Pol Pot

Văn chương viết về chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam chưa nhiều, nhưng cũng đủ khắc họa sự khốc liệt, để từ đó, bạn đọc thêm nâng niu giá trị của hòa bình.

Trích sách "Về từ hành tinh ký ức"

Bạn có thể quan tâm