Ngày 1/1/2025, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổ chức sự kiện thường niên Ngày ký ức lịch sử - 1 tháng 1, trưng bày chuyên đề Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam và giới thiệu hồi ức Hành trình vì hòa bình của cố Thượng tướng - GS.TS Nguyễn Chí Vịnh.
Tác phẩm được Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh ấp ủ khi còn sống, vì ông coi "hòa bình là khát vọng cháy bỏng trong dòng chảy hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam".
Bà Đặng Thị Minh Ngọc, vợ Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: "Quá trình thu thập tư liệu để viết cuốn sách này, anh Vịnh nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của những người trong cuộc, sự đóng góp ý kiến của các cộng sự, cũng như sự ủng hộ của gia đình, bạn bè. Bản thảo cơ bản đã hoàn thành vào tháng 6/2023. Rất tiếc, anh đã ra đi mà chưa kịp nhìn thấy đứa con tinh thần của mình đến tay bạn đọc. Theo nguyện vọng của anh Vịnh, gia đình tổ chức chỉnh lý lại bản thảo để xuất bản cuốn sách này".
Trước khi nghỉ công tác, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã ấp ủ ý định kể lại câu chuyện về quá trình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam, từ hành trình đầy gian nan để vượt qua những rào cản tư duy, cho tới khó khăn khi xây dựng và triển khai lực lượng. Ảnh: T.Lê |
Cuốn sách Hành trình vì hòa bình đã làm sáng tỏ những câu hỏi được nhiều người quan tâm: Để hạ quyết tâm và định hình mục tiêu dài hạn, khả thi cho sứ mệnh quốc tế mới của Quân đội Nhân dân Việt Nam, chúng ta đã phải vượt qua các bước dò đường thận trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nào?
Bắt đầu từ “một ngày rất nóng” - khi hai sĩ quan Việt Nam đầu tiên lên đường làm nhiệm vụ tham gia gìn giữ hòa bình tại châu Phi, rồi tiếp nối là những thành công của các bệnh viện dã chiến và đội công binh… tại Nam Sudan, bản lĩnh của người chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam đã được tôi luyện. Họ không chỉ hoàn thành những nhiệm vụ gian truân và đầy thử thách mà còn góp phần làm tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ bằng tinh thần trách nhiệm, lòng can đảm, tình nhân ái, sức sáng tạo và ý chí kiên cường của mình.
Hành trình vì hòa bình không chỉ dừng lại ở những câu chuyện từ châu Phi còn là tâm huyết được dồn nén từ lâu của tác giả về khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam, về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, bảo vệ bằng sức mạnh quân sự và các biện pháp hòa bình.
Độc giả sẽ thấy được Hành trình vì hoà bình không chỉ là hồi ức của một vị tướng sắc sảo về chiến lược và quyết đoán trong hành động. Cuốn sách còn thấm đẫm chất nhân văn, tình người, tình đồng đội và nhiều bài học sâu sắc về những giá trị tích cực trong cuộc sống và sự nghiệp.
Trong lời giới thiệu cuốn sách, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ hy vọng, Hành trình vì hoà bình sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ trong quân ngũ. Những câu chuyện về lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh quên mình vì mục tiêu cao cả của các chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc và khát vọng cống hiến của thế hệ tương lai.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
Không gian trưng bày "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”. Ảnh: T.Lê |
Trưng bày chuyên đề Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam, không chỉ làm sống lại một thời kỳ hào hùng mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ hôm nay trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Với lời khẳng định đanh thép "Vì hòa bình mà đánh" tại Hội nghị Trung ương 15 (năm 1959), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, ý chí quyết liệt trong công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Những đóng góp quan trọng của Đại tướng không chỉ giúp Đảng hoàn thiện đường lối kháng chiến chống Mỹ mà còn định hướng chiến lược tổng thể để đi đến thắng lợi trong cuộc "đụng đầu lịch sử" với đế quốc Mỹ.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tức Sáu Di) phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác của Quân ủy Miền và Trung ương Cục miền Nam, năm 1965. |
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (phải) cùng Đại tướng Trần Văn Trà (trái), Tư lệnh quân Giải phóng nghe cán bộ tác chiến báo cáo tình hình tại nhà nghỉ của Đại tướng (gần Bộ Chỉ huy miền Nam), năm 1966. |
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam tham dự Hội nghị Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Hàng ghế thứ nhất (từ trái qua phải), gồm: đồng chí Phan Văn Đáng (tức Hai Văn); luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam; Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Hàng ghế thứ 2: bà Nguyễn Thị Định (tức Ba Định), Phó Tư lệnh Quân giải phóng. |
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng các cán bộ xem xét bản đồ tác chiến tại Trảng Lớn, khu vực Kà Tum, cuối năm 1964. Từ trái qua: đồng chí Tùng - giao liên Trung ương Cục; đồng chí Tám Trần - thư ký của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; đồng chí Chiến - bảo vệ. |
Đồng chí Trần Văn Trà (tức Tư Chi), Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam trao đổi với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy Quân giải phóng miền Nam trên bản đồ tác chiến tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, năm 1966. |
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng đồng chí Trần Văn Trà (tức Tư Chi) tại chiến trường miền Nam, tháng 1/1966. |
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên đường đi họp ở Trung ương Cục miền Nam, năm 1966. |
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm việc tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam, năm 1966. |
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm việc tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam, năm 1966. |
Đại tướng tại chiến trường Kà Tum, năm 1966, do đồng chí Tám Trần (Văn Phác - thư ký của Đại tướng) chụp. |
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đang đọc sách tại căn cứ Chiến khu C, khoảng năm 1966. |
Ảnh: Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.