Chúng ta hẳn từng một lần nghe nhắc đến tên tiểu thuyết Ông tướng tình báo và hai bà vợ của nhà văn Nguyễn Trần Thiết. Tiểu thuyết này sau đó được chuyển thể thành phim truyền hình Vị tướng tình báo và hai bà vợ gây xôn xao một thời.
Nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng biên tập báo Văn Nghệ, cũng có một cuốn sách dựa trên nguyên mẫu của “nhân vật vị tướng” đặc biệt đó, với tên gọi: Tình báo không phải là nghề của tôi.
Loạt bài viết hơn ba mươi kỳ Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng của Hoàng Hải Vân - Tấn Tú trên báo Thanh Niên đầu năm 2004 tạo được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc trong và ngoài nước.
Nhưng những điều thể hiện qua truyện, phim, loạt bài báo mới chỉ tái hiện được phần nhỏ những chiến công, cuộc đời sóng gió của vị thiếu tướng tình báo mưu lược, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức (bí danh Ba Quốc).
Phải đến khi cuốn sách Người thầy (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân) của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh ra đời, người đọc mới có cái nhìn toàn diện, đầy đủ về những chiến công của một con người đặc biệt trong lịch sử nước Việt.
Sách Người thầy của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành. Ảnh: Mộc Uyển. |
Về những chiến công
Nói về những chiến công của ông Ba Quốc phải bắt đầu kể từ chống Pháp, chống Mỹ, Biên giới Tây Nam, kéo sang thời kỳ đổi mới, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu và quan hệ các nước hậu sụp đổ.
Ở bất cứ cương vị, hoàn cảnh nào ông cũng thể hiện được sự mưu trí, dũng cảm, khôn khéo trước kẻ thù. Với tâm niệm “tình báo không phải là nghề của tôi” nhưng chính điều ông kể, chia sẻ cho người học trò nhỏ của mình, tướng Nguyễn Chí Vịnh, thì lại là những bài học tình báo cốt lõi nhất.
Như chuyện thời chống Pháp dưới bí danh Nguyễn Văn Tá, vỏ bọc là người thân trong gia đình Đàm Y (quan chức người Việt có uy tín trong bộ máy tay sai) ông lọt vào được bộ máy công an của thực dân Pháp tại miền Bắc.
Sau 1954 ông tiếp tục vào miền Nam, kiên nhẫn hoạt động trong lòng chế độ Việt Nam Cộng hòa, tìm cách lọt vào vị trí đắc địa nhất là cơ quan tình báo, nắm được và chuyển về cho cách mạng nhiều tin tức quan trọng. Có thể kể đến như thông tin về sự kiện Tết Mậu Thân 1968; Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào và chiến dịch phòng ngự Quảng Trị năm 1971; B-52 ném bom Hà Nội năm 1972.
Năm 1975 giải phóng, đất nước thống nhất, ông vẫn đứng ở tuyến đầu. Chỉ khác trước đây ông là một tình báo viên/ điệp viên - tức là một nhân viên mật chui vào lòng địch, làm việc để phục vụ cho ta. Thì giờ đây ông chuyển sang vị trí người chỉ huy các tình báo viên, điệp viên và chỉ huy những cán bộ có nhiệm vụ điều khiển lưới điệp viên tại mặt trận Campuchia.
Ông chính thức lấy lại tên “cúng cơm” Đặng Trần Đức nhưng vẫn dùng bí danh Ba Quốc. Giờ đây ông vẫn hoạt động trong lòng địch nhưng là hoạt động công khai, có tổ chức, cấp trên cấp dưới, nhiệm vụ khó khăn đến đâu cũng cùng nhau làm, khó khăn thiếu thốn nhưng không còn đơn độc. Thời kì này kéo dài từ năm 1977 đến khi Quân tình nguyện Việt Nam rút quân vào năm 1989.
Ngay khi về nước, ông đã tham gia vào việc dự đoán tình hình hậu Liên Xô, giúp Đảng và Nhà nước có những chuẩn bị sẵn sàng, không bất ngờ khi Liên Xô sụp đổ. Ông góp phần vào việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Giúp giải bài toán về vũ khí, khi không còn nguồn viện trợ từ Liên Xô.
Ông góp phần đặt nền móng cho tình báo công nghiệp hoạt động ở nước ngoài, với trách nhiệm thu thập thông tin khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về cho đất nước và quân đội. Ở thời kì này ông đã là người lãnh đạo của ngành tình báo, chỉ huy, chỉ đạo bộ máy tình báo hoạt động nhịp nhàng, ăn khớp, chính xác, khẩn trương nhưng cũng thầm lặng, bí mật.
Sau năm 1991 ông đã có những đóng góp tích cực vào việc giữ gìn nền hòa bình, tự chủ non trẻ của nước bạn Campuchia.
Thầy Ba Quốc - Đặng Trần Đức (phải) và học trò - thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh năm 1994. Ảnh chụp lại từ sách. |
Đến một người thầy
Cuốn sách Người thầy còn cho ta thấy mối quan hệ của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông Ba Quốc - Đặng Trần Đức không chỉ đơn giản dừng lại ở mức độ thầy trò. Ông Ba Quốc đã rèn luyện cho người lính trẻ Nguyễn Chí Vịnh biết, hiểu mọi thứ về nghề tình báo.
Khi tác giả Nguyễn Chí Vịnh mới ở Việt Nam sang Campuchia ông cho làm ở Phòng N, sau xuống đội X, là đội nhận những nhiệm vụ quan trọng nhất của phòng. Sau nhiều thử thách thì làm trợ lý trực tiếp cho ông Ba. Rồi những bữa cơm chiều rỉ rả chuyện đời thường ông Ba kể chuyện cho học trò nghe về mọi điều đã trải qua trong đời mình. Chuyện đời thường nhưng sau mỗi câu chuyện là kinh nghiệm, cách làm việc, sự đối nhân xử thế.
Cũng chính ông Ba nhìn ra một thầy là chưa đủ trong thời kỳ ngành tình báo có nhiều biến động đầu những năm 1990. Muốn người học trò của mình tiến xa hơn, là người lãnh đạo và chỉ huy của ngành trong tương lai, nên ông đã giới thiệu thêm những người thầy giỏi để dạy. Ông Hai Trung (Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn) dạy về tình báo ngoại, thu thập tin tức thông qua môi trường truyền thông báo chí. Ông Sáu Trí (Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm) dạy về công tác tham mưu, kế hoạch.
Trong lần quay trở lại Campuchia năm 1997, trước tình thế ngặt nghèo về việc xây dựng lại mạng lưới và tổ chức hoạt động, ông Ba Quốc đã giao cho người học trò của mình một xâu vàng để phòng thân.
Với kinh nghiệm mấy chục năm hoạt động trong lòng địch ông hiểu số vàng kia là con bài cuối cùng mà người cán bộ tình báo cần đến trong lúc thập tử nhất sinh để mua mạng sống…
Ở phía gia đình
Ông Ba Quốc nhận được sự yêu thương, tin tưởng từ hai phía gia đình miền Nam và miền Bắc.
Ở miền Bắc là sự tin tưởng của bà Thanh cùng hai con Giang và Thành. Dù có bao tin đồn bủa vây ông vào Nam theo địch thì bà vẫn tin tưởng ông là người của cách mạng, không bao giờ phản bội. Bà cũng không bao giờ oán trách quãng đời gian khó cả về đời sống lẫn lý lịch khi vắng ông, trụ cột gia đình. Từng là một chiến sĩ Việt Minh, cùng tham gia phá vụ án Ôn Như Hầu sau Cách mạng Tháng Tám với ông, bà hiểu, tin tưởng đến cùng.
Ông Ba cùng gia đình ngoài Bắc (trái) và gia đình trong Nam (phải). Ảnh chụp từ sách. |
Ở miền Nam là sự đồng hành, cảm thông của bà Xuân với bốn người con Phong, Vũ, Hạnh, Quang. Bà Xuân đoán biết việc ông làm nhưng bà vẫn im lặng, không để lộ bí mật của ông, chấp nhận cảnh “lưỡi gươm treo lơ lửng trên đầu” mỗi ngày.
Hiểu được đặc thù công việc của ông, bà ít ra ngoài giao lưu xóm giềng, chỉ quanh quẩn nội trợ nuôi dạy các con. Vì số lương ít ỏi của ông phải chia ra phục vụ công việc không đủ nuôi cả nhà, bà phải đan len kiếm thêm thu nhập.
Năm 1974 khi người giao liên của ông Ba bị lộ và bị bắn chết, ông rời ra căn cứ. Địch bao vây bắt bà Xuân và Vũ đi tra khảo. Vũ, người chụp ảnh tài liệu, gói ghém các cuốn phim cho ông Ba và cũng là người chịu đòn tra tấn thay bố. Khi được thả thì cả hai mẹ con đều không oán trách gì ông. Bà Xuân vẫn thường than thở với các con: “Không biết bố các con giờ ra Bắc, trên đường đi có đảm bảo được tính mạng hay không?”.
Sau khi đất nước giải phóng, cả hai gia đình bà Thanh và bà Xuân giữ mối thâm tình với nhau. Bà Xuân khi gặp bà Thanh còn hỏi món ông Ba thích ăn để vào Nam làm cho ông ăn. Con bà Xuân đều gọi bà Thanh là “mẹ cả”. Với con bà Thanh thì các em trong Nam đều là người một nhà, có chung một người ba, một vị tướng hết lòng vì nước vì dân…