Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người thầy tình báo của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ sách "Người thầy" không chỉ nói về công lao của ông Ba Quốc, mà nói về những trăn trở, khó khăn phải vượt qua về đạo đức, tình cảm của ông.

Nguoi thay tinh bao anh 1

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại buổi lễ ra mắt cuốn sách Người thầy. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

“Tôi có một cơ may hiếm hoi trên đời là gặp được một người thầy kiệt xuất, vừa nghiêm khắc vừa ân cần, dạy dỗ tôi nên người khi mới bước chân vào ngành tình báo, đến khi ông mất 20 năm sau đó. Ông Ba Quốc - Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức, một trong những “con át” của ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã chia sẻ với bạn đọc về người thầy Ba Quốc của mình trong truyện Người Thầy.

Nhớ về người thầy của mình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh viết: "Khi ông Ba Quốc nghỉ hưu, tôi từng nhiều lần thuyết phục ông nói và viết về cuộc đời hoạt động cách mạng cùng những năm tháng cống hiến cho ngành tình báo. Báo chí cũng đăng tải nhiều về ông Ba Quốc, một vài nhà văn cũng viết sách về ông và gia đình. Đọc hết những trang viết đó, tôi thấy hầu như chẳng có dòng nào ông Ba Quốc nói về mình. Ông nói: 'Tôi không muốn nói về mình. Những câu chuyện sau giải phóng thì càng không bao giờ nói ra'. Dù không giải thích lý do, nhưng tôi hiểu ông luôn có một nguyên tắc, đó là tình báo thì phải 'đóng kín'. Ngay từ lúc ấy, tôi đã tự nhủ sẽ có ngày viết về ông, ít nhất là về đoạn đời 20 năm tôi được sống gần ông".

Gần 20 năm sau khi ông Ba Quốc mất, cuốn sách Người Thầy đã hoàn tất. Cuốn sách có 7 chương, hơn 450 trang với nhiều câu chuyện về ông Ba Quốc từ khi ông hoạt động tình báo ở Campuchia cho tới lúc ông nghỉ hưu ở quân hàm Thiếu tướng tình báo, dưới góc nhìn của người trò Nguyễn Chí Vịnh.

Tác giả kể ngày 25/10/2000, nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Tình báo quốc phòng, đồng thời cũng là lễ chia tay các đồng chí lão thành tình báo nghỉ hưu, ông Ba Quốc nói: “Tôi nhận quyết định nghỉ hưu nhưng có rời ngành tình báo đâu mà nói chia tay. Mình không đảm nhiệm chức vụ nhưng sẽ không rời đội ngũ. Với tôi, suốt đời phục vụ tình báo, sống tình báo nuôi, chết tình báo chôn. Vậy đó!”.

Như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ, cuốn sách này không chỉ nói về công lao của ông Ba Quốc, mà nói về những trăn trở, những khó khăn phải vượt qua về đạo đức, tình cảm của ông, đặc biệt là tình vợ chồng, cha con, thầy trò... Những bài học về nghề, về người, về đời của ông giúp cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ trong ngành tình báo tiếp thu trong quá trình trưởng thành.

Nguoi thay tinh bao anh 2

Sách Người thầy. Ảnh: Hà Trần.

Là người gắn bó với hai thầy trò, Đại tướng Phạm Văn Trà viết: “Tôi thường xuyên làm việc với anh Ba Quốc, khi anh là Cục trưởng Cục 12. Con người này đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc, đó là chỉ sống chết với nghề tình báo, một người chuyên nghiệp. Nhưng hơn cả, đây là một người có lý tưởng và nghiêm túc đến mức khắc nghiệt đối với công việc.

Không ít lần chứng kiến anh Ba Quốc nói ngược với cấp trên, trong đó có cả tôi. Cũng thời gian ấy, tôi được chứng kiến mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa thầy và trò của anh Ba Quốc với Nguyễn Chí Vịnh. Có thể nói, đây là mối quan hệ mẫu mực của một cán bộ cao cấp của quân đội với một sĩ quan cấp dưới”.

Ấp ủ nhiều năm cho cuốn sách đầu tay, song phần vì có những tình tiết, những câu chuyện mà ngôn từ không thể chuyển tải được chính xác, sâu sắc, phần do yếu tố khách quan tác động, bởi vậy trong phần “Vĩ Thanh”, tác giả Nguyễn Chí Vịnh bộc bạch: “Tôi đã đọc lại những trang ghi chép này không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần đọc, tôi thấy vừa thiếu vừa thừa. Điều quan trọng nhất muốn nói thì lại chưa đúng ý mình. Nhưng rồi tôi ngẫm lại, viết về một con người như ông Ba Quốc vô cùng khó, chiêm nghiệm được những bài học từ ông càng khó hơn.

Tôi quyết định không nói gì thêm mà chỉ đơn giản kể lại những câu chuyện mình được biết, được nhìn, được nghe và được hiểu trong quãng thời gian 20 năm được gần gũi với ông Ba. Cuộc đời ông Ba Quốc - người thầy trân quý của tôi là như vậy. Trí tuệ, bản lĩnh. Hy sinh vì lý tưởng và sống chết vì tình yêu. Một người thầy, một cuộc đời đức độ, nhân văn và rất đỗi bình dị”.

“Tôi cố gắng viết tất cả những gì mình biết và hiểu về ông Ba Quốc, trừ những điều không được nói ra. Vì vậy, chắc chắn sẽ có điểm mờ và tạo ra nhiều câu hỏi, bởi đó là nguyên tắc nghề nghiệp, cũng là nguyên tắc của chính ông Ba”, tác giả viết về người thầy của mình.

Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức (1922-2004), sinh ở Thanh Trì, Hà Nội; bí danh Ba Quốc, Nguyễn Văn Tá; nguyên Cục trưởng Cục 12, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng, phụ trách lực lượng tình báo phía Nam. Với những chiến công xuất sắc, ông được mệnh danh là một trong những “con át chủ bài” của lực lượng tình báo Việt Nam. Với 24 năm hoạt động trong hàng ngũ địch, ông đã thu được nhiều tài liệu, tin tức có giá trị cho cách mạng.

Ông Mười Hương: Tôi chỉ dựng kịch, Phạm Xuân Ẩn giỏi nên thành công

"Người thầy tình báo" Trần Quốc Hương luôn tự hào về Phạm Xuân Ẩn. Ông khiêm tốn nói mình chỉ là "anh đạo diễn", còn tài cán là do điệp viên làm.

Người chỉ huy của những điệp viên huyền thoại

"Anh em dù ít, tổ chức không rộng nhưng hoạt động rất có kết quả", ông Mười Hương nói về mạng lưới tình báo nắm tình hình của Mỹ.

https://www.sggp.org.vn/tro-tinh-bao-viet-ve-thay-tinh-bao-post678258.html

Mai An / Sài Gòn giải phóng

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm