Trần Quốc Hương - Người chỉ huy tình báo là sách viết về cuộc đời hoạt động và cống hiến của vị lão thành cách mạng Trần Quốc Hương. Ông là người chỉ huy mạng lưới tình báo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cấp trên trực tiếp của các nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn.
Được sự đồng ý của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải, NXB Văn hóa Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị tái bản sách nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2020), Zing trích đăng một phần nội dung tác phẩm.
Sau khi không lung lạc được ông Mười Hương, Ngô Đình Cẩn đưa ông về giam ở trại lao Thừa Phủ (Huế) và tiếp tục dùng đòn tâm lý, tư tưởng hành hạ thể xác qua chuyện giam trong phòng tối, chuyện ăn, ngủ...
Để tồn tại trong tù
Để tồn tại trong nhà tù, ông Mười Hương “phải tìm việc làm” cho cái óc của mình để không bị đi đến chỗ phản bội. Ông kể, một trong những hình ảnh lưu giữ động viên tôi nhiều nhất là cặp mắt trong veo của con trai tôi (anh Trung, nay đã là đại tá quân đội): “Mình phải làm sao để khi về, hai cha con có thể nhìn thẳng vào mặt nhau. Nếu tôi phản bội, tôi làm gì sai, thì rồi sống cũng như chết thôi".
Sách Trần Quốc Hương - Người chỉ huy tình báo. |
Cái khổ trong tù là: Trước lúc bị bắt nghĩ đến lúc bị tra tấn, muốn chết. Đau và chết là hai ám ảnh với người bị bắt. Mình cứ chờ: thôi nó đánh cho xong, chứ chờ là khổ nhất. Trong lúc chờ đợi, tôi nghĩ phải làm thế nào để giữ được. Con người còn sống còn nghĩ. Nghĩ vì ích lợi, không đưa đến tiêu cực.
Tôi nghĩ ra cách: ôn lại Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm. Nghĩ cho đến lúc đi ngủ, không sợ sệt. Phải tìm việc làm cho cái óc của mình, bởi con người ta đi dến chỗ phản bội cũng từ suy nghĩ. Tôi kết luận được tính chất của chính sách Diệm: não, tinh thần là quý nhất của con người, Diệm làm cho hư hại.
Cái chính là nó hành hạ mình. Không có người bên cạnh trong phòng tối. Ăn uống thì người tù trại chính được cả suất, mình chỉ nửa suất, tiêu hao sinh lực. Trước thì giam ở phòng tối rửa ảnh cũ của Nha Công an. Sau đưa lên trại lao Thừa Phủ Huế cũng xà lim riêng. Quần áo suốt gần sáu năm tù chỉ có một bộ.
Mà Huế thì lạnh lắm.
Đó là một thời kỳ máu lửa. Chỉ trong hai năm bọn Diệm triệt hạ gần hết cấp ủy Thừa Thiên - Huế. Ở Quảng Nam, Quảng Trị bị bắt cũng nhiều. Có những người địch sử dụng được làm quần chúng hoang mang. Anh em mình cũng có người sai lầm, có người khờ khạo tưởng có thể trá hàng, lừa được kẻ địch, có thể lợi dụng được “chính sách”.
Cậu Hội “cao”, võ rất giỏi, trước đây trong kháng chiến nổi tiếng đánh mật vụ Tưởng ở Đà Nẵng. Hội “cao” tưởng lợi dụng được tụi đưa cơm, viết thư cho cơ sở báo cho các đồng chí chạy trốn, nhờ chuyển. Không ngờ bị họ đưa tất cả cho công an địch. Hội “cao” bỏ trốn không thoát, nó đánh chết.
Cuộc đấu tranh tư tưởng mình chỉ có cái óc, địch có bộ máy. Mình khó lòng lừa nó được. Mình tôi mà có tới 10 người gác ngày, đêm. Lúc nào nó cũng quan sát mình. Phải rất cảnh giác, không khiêu khích yêng hùng nhưng biết tranh thủ tùy đối tượng.
Với tụi gác, tôi chỉ hỏi rõ các quy định để biết mà thực hiện, cái gì giúp được thì họ giúp. Thí dụ về khuya xin được mở cửa cho thoáng. Cho tự cọ bô khỏi hôi, toàn việc bình thường với lòng nhân ái con người bình thường chứ không nhờ gì về chuyện liên lạc. Với anh em mang cơm cũng vậy, không biết địch nó có “xây dựng” các cậu này không.
Ngay ở những điểm nhận xét về con người như thế này, ở ngoài tù có nhiều người không hiểu, nghĩ cũng không biết về hoàn cảnh đẩy người cán bộ đến chỗ thỏa hiệp.
Ngay anh Đạt, Phó Bí thư Thừa Thiên, bị tụi Cẩn lung lạc và đưa ở cùng với tôi khi ra Huế. Anh gặp tôi khóc: “Chúng em sai rồi. Anh cố giữ đầu tàu cho anh em trông vào. Nhưng không sống được đâu anh ạ”. Có lẽ đó cũng là lời trăng trối của Đạt.
Nó có đánh đập ông không, vì có người tù Cộng sản nào lại thoát được đánh đập? Để trả lời câu này, có thể dùng kết luận về bọn mật vụ miền Trung: Xuyên suốt từ đầu đến cuối, nó dựa vào tâm lý, tư tưởng.
Nếu có đánh là nó thử một cú xem sao. Đánh một lần không ăn thua là thôi, vì Cẩn không chủ trương đánh những người quan trọng như ông Mười Hương người phụ trách tình báo miền Nam.
Ông được biết mấy thằng đánh ông đã bị Cẩn gọi lên chửi: “Chính sách của tao là dụ dỗ. Chúng mày định phá chính sách của tao à? Tụi bây tưởng tao không biết làm như công an Sài Gòn à? Nhưng tao không làm. Những người mà một câu nói của họ ủng hộ mình bằng vạn thằng bộ trưởng tay sai. Chúng mày đánh là phá chính sách của tao!”.
Con người cũng cần còn chút lương tâm
Ở nhà lao Thừa Phủ xảy ra mấy chuyện:
Thái độ của tụi canh gác: Sáu tháng đầu, chúng khiêu khích, không cho yên ổn, vừa nằm xuống định ngủ thì đập cửa kêu dậy làm việc nhưng không thấy gì. Nó muốn mình mất ngủ. Ông Mười Hương thiền suốt đêm cho đến khi ngủ gục. Chúng lại đập cửa.
Tuy nhiên cũng có những lính gác động lòng. Một người tên Nhung lúc thay ca lén ném cho ông chiếc chăn đơn: “Anh ạ, trâu sao bò vậy, thấy anh tôi không cầm lòng nổi, tôi làm theo lệnh trên, anh thông cảm. Anh đắp chăn mà ngủ, hết ca tôi gọi anh dậy trả chăn”. Nhờ vậy nên ông mới gà gật được một chút qua đêm lạnh cóng.
Chuyện ăn uống cũng vậy. Có thời gian suốt nửa tháng ăn cơm muối không. Muối hột cứ ăn từng đợt như thế, sức lực kiệt dần. Sống được cũng là do người gác còn chút lương tâm làm ngơ khi biết anh em làm bếp có tiếp tế. Họ giấu cá, thịt dưới bát cơm.
Khi ra đổ bô, phía sau vườn có những cây hoa, dưới gốc mọc rau dại li ti, ông bứt vội mà ăn, không được phép cũng cứ lấy. Có lần ông được lén cho chiếc lòng đó trứng gà. Ông nhớ lại: “Chưa bao giờ tôi ăn cái lòng đỏ trứng ngon đến vậy. Có chút rơi vãi, lấy tay chấm như người nghiện chấm thuốc phiện rơi xuống chiếu”.
Ông Trần Quốc Hương cùng bạn bè. Nguồn ảnh: Từ Xuân Minh. |
Những đồng đội ở xà lim khác cũng cứu giúp một cách bí mật. Đi cầu tiêu, ông nhìn xéo ra chỗ sân nơi tù phụ nữ ra vờ như phơi đồ. Một chị ra phơi miếng vải trắng, tay vuốt vuốt nước, nhìn ông ra hiệu, khi ông ra đổ bô, lấy đem vào. Ông làm gì được với miếng vải đó?
“Có lẽ các chị thấy trời lạnh quá mà tôi chỉ mặc xà lỏn nên ra hiệu cho tôi lấy vải may đồ. May thế này: Tôi lén viết thư chuyển cho anh chị em xà lim bên xin kim chỉ và lưỡi dao cạo. Tôi tự cắt để may thêm chiếc xà lỏn nữa. Ở tù, ai cũng biết lục lọi, moi tìm từ các lỗ, ngách để hy vọng thấy gì đó được giấu từ người tù trước để lại".
Thời kỳ đó, giám thị nơi tôi bị giam nghe anh em kêu là “thầy Mai”, đảng viên Quốc dân Đảng, đã làm rất lâu cho Pháp. Văn phòng của “thầy Mai” ở cùng dãy với xà lim của tôi. Thường thì ông ta buổi trưa về nhà ăn cơm. Tôi nghĩ cách sẽ bí mật may quần áo buổi trưa. Trong phòng tối, ngoài trời nắng gắt nên có thể tận dụng tia sáng qua khe cửa.
Ông làm như vậy cho đến một buổi trưa, đang hí húi may chợt thấy bóng người đứng lù lù nơi cửa. Ngửng nhìn thì đúng là tên giám thị. “Thầy Mai” cất tiếng quát:
- Mày làm gì?
Ông Mười Hương không trả lời. Ba lần hỏi như vậy vẫn thấy người tù im lặng, hắn gặng:
- Sao hỏi không trả lời?
Lúc đó, ông mới nói thong thả:
- Tôi là thầy giáo. Tôi không bao giờ mày tao chi tớ với ai. Với con tôi, tôi cũng dạy nó như vậy.
Chợt hiểu, hắn thay đổi:
- Anh làm gì?
- Tôi may.
- Lấy đâu ra may?
- Người ta cho.
- Ai cho?
- Ông đã biết tôi bị giam mấy năm nay không khai báo. Chắc khi đưa tôi đến đây giam, người ta phải báo cho ông biết điều đó rồi.
Sau một lúc đối đáp cụt lủn vậy, “thầy Mai” đổi giọng:
- Tôi biết anh chứ. Nhưng sao cần không nói cho chúng tôi biết?
Lại nói giọng ôn tồn mà dứt khoát, ông Mười:
- Tôi không muốn phải xin các ông, vì xin là phải trả mà tôi lại không trả được cái các ông muốn. Ông đã biết những chuyện quan trọng như khi tôi bệnh cũng không xin thuốc.
Tên giám thị thấy được sự thật trong lời nói này. Hắn biết ông đang bị phù thũng nặng, toàn thân như tê bại, chỉ còn cặp mắt và lưỡi để cất tiếng nói. Hắn hạ giọng:
- Anh không sợ gì sao? Chỉ khổ thân anh thôi.
Ông Mười thuyết phục:
- Ông không biết ai cho tôi đồ may. Việc này cũng chỉ mình ông biết, tôi mong ông nhắm mắt bỏ qua. Đời còn dài. Sau này biết đâu con cái tôi lại gặp con ông. Để cho chúng nó còn nhìn mặt nhau. Ông vẫn thường nói mình sẽ không ham lên chức tước gì nữa, vậy ông nên bỏ qua việc này.
Hắn bỏ qua thật. Ông Mười Hương nhận xét: “Con người cũng phải còn có chút lương tâm. Mình không chọc vào cá nhân, không coi thường, vênh váo thì cũng thu phục được ít nhiều”.