Lê Phong Lan là nữ đạo diễn phim tài liệu chuyên về đề tài chiến tranh. Bà là đạo diễn của những thước phim về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn (ra mắt 2006) hay Biệt động Sài Gòn (2013). Những câu chuyện về điệp viên mang bí danh X6 đã dẫn bà đến một mạng lưới tình báo miền Nam với những con người huyền thoại như Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), Trần Quốc Hương (Mười Hương). Chính ông Trần Quốc Hương là người đã định hướng, sắp xếp để Phạm Xuân Ẩn đi Mỹ học báo chí, về Sài Gòn làm cho tạp chí Time và trở thành một huyền thoại tình báo. Đây là bài viết đạo diễn Lê Phong Lan viết riêng cho Zing.
Giữa những nhân vật tình báo thầm lặng và những điệp viên huyền thoại đã từng đi qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, người ta luôn nhận ra ông. Ông - người không trực tiếp hoạt động trong dinh Độc Lập nhưng đã đặt nền móng để giúp sở chỉ huy nắm chặt dinh thự này trong lòng bàn tay, người đã khiến anh em họ Ngô phải kính nể, ngay cả khi đang ở trong tù.
Ông cũng chính là người chỉ huy đã và dẫn dắt hoạt động cho những nhà tình báo khác tung hoành ngang dọc trong dinh Độc Lập như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo. Ông tên thật là Trần Ngọc Ban, được biết đến với bí danh Trần Quốc Hương (Mười Hương), và được yêu mến gọi là “người thầy của những nhà tình báo huyền thoại”.
Người "kiến trúc sư trưởng" của tình báo Miền
Trần Quốc Hương là một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên đi chi viện cho chiến trường miền Nam kể từ sau Hiệp định Geneve. Cuộc đời ông dẫu đã được đưa lên sách, lên báo nhiều lần nhưng vẫn còn đó những câu chuyện, những góc khuất chưa được thổ lộ về chân dung một nhân vật lừng lẫy một thời.
Ông đã từng trải qua tù đày ở cả hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, đã từng làm việc bên cạnh các lãnh tụ nổi tiếng như: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Thọ… đã chinh phục được trái tim cùng khối óc của các trí thức lớn và của bạn bè quốc tế.
Ông Mười Hương (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) là chỉ huy của những huyền thoại tình báo như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy. Ảnh tư liệu: Tiền Phong. |
Ngày 26/10/1954, Ngô Đình Diệm lên làm thủ tướng ở miền Nam Việt Nam, ông Mười Hương, lúc bấy giờ là Phó giám đốc Nha liên lạc (tức tình báo), được cử vào Nam 6 tháng để tăng cường cho chiến trường miền Nam. Không ngờ chuyến đi này lại kéo dài đến 10 năm, để lại những dấu ấn sâu đậm trong con đường cách mạng của ông.
Trong câu chuyện của những anh hùng J22 - Phòng tình báo Miền ngày họp mặt truyền thống hàng năm, luôn có những sẻ chia về quá khứ, về đồng đội và về vai trò của những người kiến tạo nên mạng lưới tình báo Miền. Trong số đó có Phó giám đốc Nha liên lạc Trần Quốc Hương.
Trong vai trò là “kiến trúc sư trưởng”, với tầm nhìn, cách đánh giá tinh tế về thế mạnh, phẩm chất và khả năng làm tình báo của từng điệp viên, ông Mười Hương đã có những chỉ đạo chiến lược sắc sảo trong thời kỳ đầu, làm bệ phóng để họ phát huy cao nhất khả năng của mình về sau này.
Với điệp viên X6 - Phạm Xuân Ẩn, ông vạch hướng X6 theo học nghề báo, học văn hóa Mỹ và lối suy nghĩ như người Mỹ. Với A22 - ông cố vấn Vũ Ngọc Nhạ, ông chỉ đạo ngắn gọn là “phải bám lấy cha Từ”. Còn với A25 - Lê Hữu Thúy, ông hướng dẫn A25 thâm nhập và đào sâu mâu thuẫn giữa các giáo phái với gia đình họ Ngô.
Họ đã trở thành những điệp viên huyền thoại của ngành tình báo quốc phòng Việt Nam. Còn Trần Quốc Hương - Mười Hương đã trở thành “người thầy của những nhà tình báo huyền thoại”.
Ông Mười Hương tâm niệm rằng, vai trò của mình chỉ giống như một người đạo diễn, còn thành hay bại, giỏi hay dở tất cả đều nhờ vào tài năng cá nhân của những điệp viên.
Nói như nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải trong những trang viết về ông rằng, “nếu người chỉ huy trực tiếp vạch đường sai, kịch bản tính nhầm một bước là có thể tan nát hết”.
Nhưng, người chỉ huy ấy đã không tính sai. Bằng chứng là ngày nay, điệp viên X6 - Phạm Xuân Ẩn được cả thế giới biết đến như một trong những nhà tình báo huyền thoại mang tầm cỡ quốc tế. Người điệp viên kỳ cựu này đã luôn dành những ký ức trân trọng nhất khi nói về người chỉ huy của mình.
"Người thầy tình báo huyền thoại" Mười Hương. Ảnh: Thiền Tôn Phật Quang. |
Nhờ sự quyết tâm của những người chỉ huy, tháng 10/1957, Phạm Xuân Ẩn lên đường sang Mỹ du học với chiếc vé máy bay và vài bộ quần áo mà tổ chức đã phải rất khó khăn mới lo được. Để rồi hai năm sau đó, ông về nước trong tình trạng nước sôi lửa bỏng và bắt đầu một cuộc đời ly kỳ như chúng ta đã biết.
Một điệp viên huyền thoại khác là Phạm Ngọc Thảo, được ông Mười Hương chỉ đạo hoạt động bằng cách dựa vào chiêu bài “tinh thần yêu nước và chính nghĩa quốc gia” của gia đình họ Ngô. Kết quả, ông đã trở thành một “chuyên gia đảo chánh”, làm náo loạn chính trường miền Nam Việt Nam trong thập niên 1960.
Còn với A22 - Vũ Ngọc Nhạ, ông Mười Hương hướng dẫn người điệp viên này xâm nhập sâu vào tổ chức tôn giáo, và trở thành ông cố vấn của cả hai nền cộng hòa cho đến ngày xảy ra vụ án thế kỷ làm rung chuyển chính giới Sài Gòn.
Với điệp viên Lê Hữu Thúy, người không chỉ hoàn thành tốt vai trò của mình theo chỉ đạo của chỉ huy, khoét sâu mẫu thuẫn giữa các giáo phái với chính quyền Sài Gòn, khiến họ phải loay hoay tìm cách đối phó, mà còn là lá bài quan trọng để mở đường cho ông cố vấn Vũ Ngọc Nhạ vào dinh Độc Lập.
Khép lại một hành trình đẹp
Tháng 11/1969, cả Sài Gòn rúng động khi vụ án “Huỳnh Văn Trọng và 42 ông điệp báo” được đưa ra xét xử. Cơn địa chấn không chỉ khuynh đảo chính giới miền Nam mà còn lan sang tận nước Mỹ. CIA - cơ quan tình báo quyền lực bậc nhất thế giới đã phải thừa nhận sự thất bại ê chề khi đã để lưới tình báo A22 khuynh đảo dinh Độc Lập trong suốt nhiều năm liền.
Các điệp viên của lưới đã len lỏi, nắm giữ những chức vụ then chốt trong chính quyền miền Nam như ông cố vấn Vũ Ngọc Nhạ, công cán ủy viên Bộ thông tin chiêu hồi Lê Hữu Thúy, Phụ tá đặc biệt Phủ tổng thống Huỳnh Văn Trọng… Báo giới Sài Gòn đã gọi đây là “Vụ án chính trị của thế kỷ”, hay “Vụ án gián điệp lớn nhất thời đại” bởi quy mô và tầm ảnh hưởng của nó lúc bấy giờ.
Trần Quốc Hương (Mười Hương), người thầy của nhiều nhân vật tình báo nổi tiếng. Ảnh: Vietnamnet. |
Thời gian Vũ Ngọc Nhạ và người chỉ huy Mười Hương bị bắt vào tù là năm 1958, khi tình báo miền Nam bước vào một đợt vỡ lưới lớn. Hầu hết cán bộ và cơ sở tình báo đều bị lộ và bị đàn áp dã man. Đoàn công tác đặc biệt của Ngô Đình Cẩn đã chuyển những người tù đặc biệt này về các trại giam tại Huế, để tiến hành âm mưu “chuyển hướng”, “chiêu hồi” đánh phá cách mạng.
Những ai bị liệt vào hàng “cộng sản cứng đầu” thì sẽ bị thuyên chuyển sang địa ngục trần gian Chín Hầm và bị bí mật thủ tiêu. Với ông Mười Hương, đây là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn vì những đòn chiến tranh tâm lý, những cuộc đấu trí căng thẳng với địch và với chính bản thân mình để giữ vững khí tiết cách mạng.
Sau này, ông Mười Hương vẫn còn nhớ như in cuộc đấu trí căng thẳng với cố vấn Ngô Đình Nhu. Ngô Đình Nhu kết luận, ông là một “cộng sản ngoan cố nhưng nói nhiều điều phải suy nghĩ” và liệt vào danh sách những đối tượng cần thủ tiêu. Nhưng cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm đã tạo cơ may để tổ chức giải thoát ông ra khỏi lao tù.
Ông Mười Hương đã đi suốt cả một hành trình dài, xuyên qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc từ thuở còn niên thiếu cho đến lúc trở thành bậc lão thành cách mạng. Ông đã từng kinh qua vai trò là người chỉ huy tình báo, chỉ huy lực lượng an ninh và về sau là Phó trưởng ban tổ chức Trung ương, rồi Bí thư Trung ương Đảng khóa VI, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình với một tầm nhìn thấu đáo, hiểu người, hiểu đời, tôn trọng khía cạnh nhân bản và luôn thẳng thắn nói lên sự thật, điều khiến ông có thêm một cái tên nữa là “Hương sự thật”. Ông vẫn luôn tự hào nói rằng “suốt cuộc đời tôi sống không có gì phải ân hận”. Và không phải ai cũng có thể sống một cuộc đời thật đẹp, để tự hào nói rằng mình sống không có gì phải ân hận như ông - người thầy của những nhà tình báo vĩ đại - Mười Hương.