Ông Chuck Hagel (phải) và em trai Tom Hagel đều tham gia cuộc chiến ở Việt Nam. Ảnh: AP |
Chiến dịch tổng tấn công Tết Mậu thân (ngày 30/1/1968) là một trong những trận đánh lớn và quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ của lực lượng cách mạng Việt Nam. 47 năm trôi qua kể từ khi ông Hagel tình nguyện nhập ngũ và đến chiến trường tại Việt Nam (1967 - 1968), ông vẫn nhớ rất rõ đêm mà chiếc xe chở ông và các binh sĩ cán phải mìn khi tuần tra trong năm 1968.
"Chuyện đêm hôm ấy cứ như vừa mới xảy ra hôm qua", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tâm sự trên trang Military Times. Khi đó, binh sĩ 21 tuổi Hagel bị thương nặng ở ngực vì các mảnh đạn còn một phần gương mặt bị bỏng vì vụ nổ. Ông và những đồng đội "bị thương rất nặng" và phải chờ trực thăng quân y tới đưa về căn cứ điều trị.
"Em trai tôi cũng có mặt ở đó. Họ để chúng tôi nằm tại một bệnh viện dã chiến. Những ký ức này hằn sâu trong tâm trí tôi. Hoàn cảnh, môi trường đã định hình chúng tôi. Ký ức cuộc chiến ở Việt Nam năm 1968, sự bạo lực, kinh hoàng, những nạn nhân chiến tranh mà tôi chứng kiến đã hình thành nên tôi", ông Hagel nói.
Ông Chuck Hagel tham gia cuộc chiến ở Việt Nam năm 1968. Ảnh: AP |
Con đường trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ của ông Hagel rất đặc biệt. Ông là cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam đầu tiên giữ trọng trách này, cũng là hạ sĩ quan đầu tiên điều hành cả bộ máy quân sự của Mỹ. Hơn nữa, so với những người tiền nhiệm, ông Hagel không có kinh nghiệm dày dạn chuyên về an ninh quốc gia, mà chuyên phụ trách các vấn đề cựu chiến binh và những cộng đồng quân sự. Khi rời ghế Bộ trưởng Quốc phòng, ông Hagel sẽ được nhớ tới như một người luôn thận trọng trong mọi quyết định sử dụng sức mạnh quân sự.
"Mỗi người chúng ta đều luôn tự đặt ra những câu hỏi khó khăn. Chẳng hạn, nếu quyết định hành động thì phải biết điểm kết thúc không dễ dàng vì luôn có hậu quả phát sinh. Chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp? Bạn muốn dừng lại ở đâu? Nếu bạn quyết định không hành động gì thì cũng phải tự hỏi những câu tương tự", ông Hagel chia sẻ.
Theo ông Hagel, một Bộ trưởng Quốc phòng phải luôn cảnh giác để không vô tình rơi vào xu hướng muốn sử dụng vũ lực. "Những người quản lý bộ này phải trả lời rõ ràng trước quốc hội, trước tổng tư lệnh, rằng nhiệm vụ là gì, mục tiêu là gì, làm thế nào để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả nhất".
Ngày 28/1, tại căn cứ quân sự Myer Henderson gần thủ đô Washington, Tổng thống Obama đã cử hành lễ tiễn ông Chuck Hagel rời nhiệm sở. Ông Hagel thông báo từ chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào cuối tháng 11/2014. Tổng thống Obama đã chấp thuận đề nghị này, đồng thời đề cử ứng viên kế nhiệm Hagel là ông Ashton Carter, cựu thứ trưởng ở Lầu Năm Góc. Ảnh: Xinhua |
Ông Hagel thừa nhận những quan điểm trên hình thành chủ yếu từ ký ức chiến tranh ở Việt Nam. "Tôi học được những điều này sau 12 tháng tham chiến trong năm 1968. Bạn không thể áp đặt ý chí, giá trị, tiêu chuẩn hay thể chế của mình lên những xã hội khác ở các quốc gia khác. Chúng sẽ không bao giờ thành công. Con người muốn tự do, muốn quyền của họ. Họ muốn được tôn trọng. Chúng ta phải tôn trong những nền văn hóa, tôn giáo và cách sống khác biệt".
Những người thân cận bên ông Hagel cho biết vị cựu binh này rất ngại chia sẻ công khai về khoảng thời gian chiến đấu ở Việt Nam, vì ông không muốn để bị hiểu nhầm rằng ông đang tận dụng kinh nghiệm của mình để được thăng tiến chính trị.
Một trong những điều mà ông Hagel nhớ nhất về cuộc chiến ở Việt Nam là con số thương vong của binh sĩ. "Chúng tôi đưa về quê hương 16.000 nam thanh niên và một số phụ nữ đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Tôi tận mắt nhìn thấy các đồng đội phải chịu đựng nỗi đau chiến tranh. Tôi cũng nhìn thấy điều này ở người dân Việt Nam. Tôi nhìn thấy những hậu quả tàn khốc luôn có trong mọi cuộc chiến. Do vậy, tôi luôn cố gắng, trong mọi quyền hạn và khả năng của mình, để tác động đến một thế giới mà trong tương lai sẽ không phải sử dụng đến vũ lực quân sự".