Ngày 29/7, Trung Quốc khai mạc hội thao quân sự ở khu tự trị Tân Cương. Các hoạt động này nằm trong khuôn khổ Hội thao Quân sự Quốc tế (AIG) do Nga khởi xướng.
Hội thao năm nay được tổ chức tại 7 nước. Phần lớn các sự kiện chính diễn ra tại khu huấn luyện quân sự Alabino của Nga. Một số cuộc thi khác được tổ chức tại Trung Quốc và Kazakhstan. 4 nước còn lại là Belarus, Iran, Azerbaijan và Armenia, mỗi nước đăng cai tổ chức 1 cuộc thi, theo CNN.
Dự thi bằng vũ khí Trung Quốc
Tân Hoa xã cho biết Trung Quốc đăng cai tổ chức 3 phần thi của AIG 2018 từ ngày 30/7 đến 11/8. Hải quân Trung Quốc ngày 29/7 cũng cho khai mạc một cuộc thi đổ bộ bờ biển tại thành phố Tuyền Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến. Tổng cộng 358 quân nhân đến từ nhiều nước đã đến Trung Quốc tham gia AIG 2018.
Tập đoàn nhà nước China Poly Group và nhiều công ty trực thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) lạc quan cho rằng doanh số bán vũ khí sẽ tăng cao nhờ hội thao lần này, theo Asia Times. Các đơn vị dự thi ở Tân Cương sẽ sử dụng thiết bị quân sự của Trung Quốc hoặc Nga, và sẽ được ban tổ chức huấn luyện cách sử dụng.
Trực thăng và xe tăng Trung Quốc trong lễ khai mạc AIG 2018 diễn ra tại Tân Cương, Trung Quốc ngày 29/7. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Trong phần thi phương tiện tác chiến bộ binh Suvorov, chỉ riêng Nga quyết định sử dụng mẫu xe bọc thép BMP-2 do nước này tự sản xuất. Các nước khác đều sử dụng mẫu xe chiến đấu bộ binh Type 86A của Trung Quốc. Trong cuộc thi ở Phúc Kiến, tất cả các đội đều sử dụng thiết bị do Trung Quốc sản xuất, theo Global Times.
Bên cạnh đó, các quan chức quân sự các nước tham gia AIG 2018 đã được PLA mời đến một hội thảo quốc phòng tại Bắc Kinh sau khi hội thao kết thúc. Tại sự kiện này, các nhà thầu quân sự sẽ giới thiệu các vũ khí mới nhất Trung Quốc.
"Đây là cơ hội để Trung Quốc quảng bá sức mạnh quân sự của mình với thế giới, giúp thúc đẩy các cơ hội kinh doanh", Nick Marro, nhà phân tích tình báo của tạp chí Economist, nhận định.
Khách hàng thân thiết
"AIG không chỉ đơn thuần là hội thao, đây còn là sự kiện để trình diễn và quảng bá sản phẩm công nghiệp quốc phòng", ông Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự Trung Quốc, trả lời trên Global Times.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Trung Quốc là một trong những nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới, chỉ đứng sau 4 nước: Mỹ, Nga, Pháp và Đức.
Từ năm 2008 đến 2017, hoạt động xuất khẩu vũ khí đã mang về cho Trung Quốc hơn 14 tỷ USD.
Lính thủy quân lục chiến Trung Quốc trình diễn chiến thuật đổ bộ bờ biển trong lễ khai mạc hội thao quân sự quốc tế ở Phúc Kiến ngày 29/7. Ảnh: China News Service. |
Nhiều nước có đại diện tham gia hội thao là khách hàng thân thiết của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc như Pakistan, Bangladesh, Myanmar và Iran. Hội thao tạo cơ hội để quân đội các nước dùng thử thiết bị và vũ khí Trung Quốc trong môi trường thi đấu gần nhất với thực chiến.
Pakistan là điểm đến của một phần ba lượng vũ khí Trung Quốc xuất khẩu năm 2017. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chính quyền Islamabad đã đặt mua nhiều công nghệ tối tân từ Trung Quốc, trong đó có các hệ thống theo dõi tên lửa hạt nhân. Ngoài ra, hai nước cũng hợp tác phát triển mẫu máy bay chiến đấu JF-17.
Một khách hàng khác của Trung Quốc là Venezuela cũng cử đại diện tham dự cuộc thi đổ bộ bờ biển ở Phúc Kiến. Nước này đã đặt mua một đơn hàng tên lửa chống hạm C-802 vào năm 2017 với số lượng không được tiết lộ.
Trung Quốc cũng kỳ vọng AIG 2018 sẽ giúp nước này tìm thấy thêm khách hàng tiềm năng trong số các nước láng giềng tham gia hội thao.
Lợi thế ngoại giao
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng lợi ích lớn nhất mà Trung Quốc thu về từ hội thao nằm ở khía cạnh chiến lược ngoại giao.
Xe bọc thép Trung Quốc tham dự Cuộc đua Suvorov dành cho các phương tiện tấn công bộ binh, thuộc khuôn khổ AIG 2018 ở Tân Cương. Ảnh: Visual China Group. |
"Trung Quốc đang sử dụng xuất khẩu vũ khí như một công cụ trong chính sách đối ngoại để tạo ra những quan hệ phụ thuộc chiến lược", Michael Raska, nhà nghiên cứu quân sự tại trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore, nhận định.
"Mục đích của Trung Quốc không phải là lợi nhuận. Họ muốn các nước khác đi vào quỹ đạo của chính sách đối ngoại của mình", ông trả lời CNN.
Theo Raska, các hợp đồng bán vũ khí đến Myanmar và Bangladesh sẽ giúp Trung Quốc tăng sức ảnh hưởng trong khu vực. Các nước láng giềng sẽ ngày một phụ thuộc về thiết bị quân sự, cần đến Trung Quốc để đảm bảo khí tài vận hành ổn định.
Ngoài ra, Bắc Kinh bán vũ khí cho những nước đối thủ của Mỹ như Venezuela hay Iran cũng là một cách để khiêu khích Washington.