Ngày mùng 7 tháng Giêng, con cháu trong họ tại 4 xã đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, tập trung về đình, nhà thờ họ để tham dự lễ rước cụ đại, thượng thọ (cụ Thượng) về lễ Tiên Công Hà Nam. |
Đây là lễ rước người độc đáo có một không hai ở Việt Nam nhằm tưởng nhớ các bậc Tiên Công. |
Theo các cụ cao niên trong làng, vào đời vua Lê Thái Tông (1434) đến thời vua Lê Hiến Tông (1498 - 1504) nhiều nhóm dân cư ở kinh thành Thăng Long và vùng đồng bằng sông Hồng, sông Thái Bình đến vùng đất này quai đê lấn biển, khẩn hoang đất đai lập làng, tạo nên khu đảo Hà Nam trù phú như ngày nay. |
Để tưởng nhớ công ơn khai hoang mở đất, vào sáng sớm, các cụ Thượng được con cháu đưa ra đình làm lễ rồi được ngồi võng đầu rồng. Họ được thanh niên trai tráng trong họ khiêng hoặc xe kiệu đưa tới miếu Tiên Công lễ tổ. |
Năm nay làng Yên Công, phường Phong Hải, đứng đầu bảng có nhiều cụ Thượng đạt tuổi vàng từ 80 trở lên. |
Cụ Vũ Thị Nới (100 tuổi, khu 6, phường Yên Hải) là cụ Thượng lớn tuổi nhất trong lễ hội Tiên Công năm Canh Tý 2020. |
Cụ Nguyễn Thị Ngăn, 90 tuổi, mẹ Việt Nam anh hùng có 2 con là liệt sĩ. |
Con cháu trong họ tặng hoa và dành những lời chúc tốt đẹp nhất tới các cụ Thượng trước khi đoàn rước khởi hành. |
Đi đầu đoàn rước là ba người đóng giả các chú Tễu múa gậy, múa quạt làm nhiệm vụ dẹp đường. |
Tiếp sau là đội trống là đội kỳ lân nhảy múa trong tiếng chiêng, trống tạo không khí náo nhiệt. Những mô hình dân gian chú Tễu, con lân, thằng hề tô điểm thêm cho lễ hội rước người sống có truyền thống gần 400 năm của dân đảo Hà Nam. |
Chị Nguyễn Thị Vân trong đội thanh la cho biết từ trước Tết, con cháu đã tụ tập về đình cùng phân công công việc, luyện tập đánh thanh la, múa lân để rước các cụ Thượng trong họ của mình tham gia lễ hội. |
Lễ vật được chuẩn bị gồm lợn quay, trầu cau, bánh kẹo và các vật phẩm được đội đến miếu, người con trưởng thắp hương cho cụ Thượng lễ Tiên Công. |
Cặp cụ Thượng trong họ gồm cả vợ và chồng sẽ được rước lên miếu bằng võng rồng, trên đầu võng có đôi chữ song hỷ và được con cháu têm trầu, pha chè dâng. |
Em Bùi Thị Luyến, xã Phong Hải, cho biết năm nay vinh dự được đại diện con cháu trong họ tham gia rước lễ vật. Đây là nét văn hóa đặc sắc của người dân đảo Hà Nam và là dịp để em gửi lời chúc sức khỏe, lời tri ân tới ông bà, tổ tiên. |
Đến gần trưa các đoàn rước cụ Thượng đổ về ngã ba vào miếu Tiên Công càng đông. Hai bên đường người dân tập trung xung quanh chúc mừng các dòng họ có cụ Thượng. |
Khoảng 12h trưa, đoàn tế của bốn xã bắt đầu nghi lễ tế Tiên Công. Ban tế tứ xã tế xong các cụ Thượng mới được vào miếu lễ tổ. Mỗi cụ khi vào lễ đều được cụ tiên thứ chỉ của xã đọc một bài văn ngắn ca ngợi phúc đức tổ tiên, kể công lao của người thượng thọ và chúc cụ Thượng đó sống lâu, chúc dòng họ có cụ Thượng làm ăn phát đạt để có nhiều người được hưởng tuổi trời cho. |
Khi lễ Tiên công xong, gia đình được mang một phần lễ vật về, phần còn lại góp với xã khao dân làng. Sau tất cả nghi lễ, trình tự đoàn rước đưa cụ Thượng về nhà như khi đi. Rước vào đền Tiên Công bằng đường bên phải, rước về bằng đường bên trái. |
Năm 2017, lễ hội Tiên Công, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |