Bắc Đới Hà là cuộc gặp mặt không chính thức để những nhân vật hàng đầu trên chính trường Trung Quốc chia sẻ quan điểm.
Tại khu nghỉ dưỡng ven biển tỉnh Hà Bắc, cách thủ đô Bắc Kinh hơn 280 km, cuộc họp thường có mặt nhóm "trưởng lão" gồm các cựu lãnh đạo của đất nước này, theo Nikkei Asian Review.
Cuộc họp kín thường niên của giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ diễn ra giữa lúc tình hình đại dịch Covid-19 còn phức tạp. Ảnh: AFP. |
Nguy cơ hủy họp vì đại dịch
Việc Bắc Đới Hà có được tổ chức hay không cũng đang bị đặt dấu hỏi. Đại dịch Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn tại Trung Quốc. Một số ý kiến cho rằng họp vào thời điểm này là quá rủi ro vì các "trưởng lão" đã tuổi cao sức yếu.
Có ít nhất 2 phương án tổ chức Bắc Đới Hà nếu các biện pháp chống virus corona ảnh hưởng đến sự kiện truyền thống năm nay. Thứ nhất, ông Tập có thể hủy toàn bộ sự kiện trong "kỳ nghỉ hè" của chính phủ với lý do phòng ngừa đại dịch, sau đó tổ chức những cuộc gặp thật sự cần thiết ở Bắc Kinh. Phương án này từng được ông Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của ông Tập, sử dụng vào năm 2003 vì dịch SARS bùng phát.
Phương án thứ hai cho ông Tập là tổ chức Bắc Đới Hà với một quy mô nhỏ hơn, qua đó đẩy các "trưởng lão" ra rìa.
Theo Nikkei Asian Review, nhóm "trưởng lão" đến dự Bắc Đới Hà có thể gồm khoảng 10-20 nhân vật chính trị Trung Quốc vẫn còn sức ảnh hưởng. Họ là các cựu lãnh đạo có mặt trên khán đài Thiên An Môn, đứng cùng ông Tập Cận Bình, trong các cuộc duyệt binh thường niên.
Trong số đó, có thể kể đến cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, nay đã 93 tuổi, cựu thủ tướng Chu Dung Cơ, 91 tuổi, cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, 77 tuổi, và người chính trị gia đồng niên Ôn Gia Bảo, cựu thủ tướng Trung Quốc từ năm 2003-2013. Bốn nhân vật này đã giữ vai trò trung tâm trong các cuộc họp Bắc Đới Hà vài năm qua.
Điểm chung của bốn vị "trưởng lão" là từng lèo lái con tàu kinh tế Trung Quốc bước qua giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Họ đều thực hiện chính sách đối ngoại chủ trương ôn hòa, "thao quang dưỡng hối", chờ thời cơ chín muồi mới trỗi dậy theo đề xuất của Đặng Tiểu Bình.
Trong khi đó, ông Tập đang theo đuổi một con đường khác. Sau khi được bầu làm tổng bí thư năm 2012, ông Tập dần xa rời chính sách của các bậc tiền bối và bắt đầu đề cập viễn cảnh Trung Quốc trở thành "nước lớn".
Dưới thời ông Tập Cận Bình, Bắc Kinh xây dựng một chiến lược đẩy nhanh tiến độ đuổi kịp Mỹ cả về kinh tế lẫn kỹ thuật sớm. Giới quan sát cho rằng chiến lược đầy tham vọng đã đưa Trung Quốc đến ngưỡng đối đầu nghiêm trọng với Mỹ.
Chính phủ Tổng thống Donald Trump thời gian qua công khai nhìn nhận việc Trung Quốc trỗi dậy là mối đe dọa với vị thế của Mỹ. Viễn cảnh các "trưởng lão" muốn có đôi lời với ông Tập cũng là điều khó tránh khỏi, đặc biệt với tình hình hiện nay.
Ông Tập Cận Bình (giữa) tại lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012, khi đó giữ chức phó chủ tịch nước. Cạnh ông là Thủ tướng Ôn Gia Bảo (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Ảnh: AP. |
Họp mặt giữa vô số thách thức
Trung Quốc đang cùng lúc đối diện nhiều thách thức: từ dịch Covid-19, vấn đề Hong Kong, các vấn đề trên biển và đặc biệt là tình thế đối đầu với Mỹ. Quan hệ hai nước đã rơi xuống mức xấu nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa vào năm 1979, leo thang căng thẳng trên mọi mặt từ kinh tế, chính trị đến an ninh.
Phát biểu trong một diễn đàn ngày 9/7 về quan hệ Mỹ - Trung, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị bất ngờ gửi thông điệp hòa giải đến Washington. Ông cho rằng "một vài người bạn ở Mỹ có lẽ đã hoài nghi, thậm chí là lo ngại, về một Trung Quốc đang lớn mạnh".
Tuy nhiên, theo khẳng định của vị bộ trưởng, Bắc Kinh "chưa bao giờ có ý định thách thức hay thay thế Mỹ, hay đối đầu toàn diện với Mỹ". Phát biểu này có thể có là tín hiệu trước thềm sự kiện Bắc Đới Hà.
Một vấn đề khác có thể trở thành tâm điểm của Bắc Đới Hà là sự ra đời của luật an ninh quốc gia Trung Quốc dành cho Hong Kong. Bộ luật tiềm năng được hậu thế nhìn nhận một trong những quyết định để lại hệ lụy to lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại, cùng với Cách mạng Văn hóa, chính sách cải cách và mở cửa.
Luật đang gây tranh cãi với điều 38, quy định: "Luật được áp dụng cho những tội danh được nêu trong luật là chống lại Đặc khu Hành chính Hong Kong từ bên ngoài đặc khu bởi người không phải thường trú nhân tại đặc khu".
Nội dung này đồng nghĩa Bắc Kinh có quyền tài phán đối với người nước ngoài không sinh sống tại Hong Kong nhưng có hành động trái luật. Về lý thuyết, bất kỳ ai trên thế giới cũng có nguy cơ bị cáo buộc những tội danh mà Trung Quốc đơn phương xem là vi phạm pháp luật nước này.
Nội dung này vấp phải quan ngại nghiêm trọng từ chính phủ lẫn công ty nước ngoài. Những mối lo xoay quanh quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt và tự do hoạt động kinh tế trên thế giới. Những phản ứng đó không nằm ngoài dự kiến, nhưng Bắc Kinh vẫn kiên quyết thông qua luật an ninh cho Hong Kong.
Giới chính trị gia lão thành tại Trung Quốc đã trải qua nhiều khó khăn để cải thiện quan hệ Mỹ - Trung và thúc đẩy hợp tác quốc tế của Trung Quốc. Việc họ lo lắng khi nhìn thấy thành quả bị xói mòn dưới nhiệm kỳ của hậu bối cũng là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, như nhiều quan chức cấp cao tại Trung Quốc, những "trưởng lão" cũng có con cháu và họ hàng làm việc, học tập và đầu tư ở Mỹ. Nhiều trường hợp vẫn còn tài sản đáng kể tại nước ngoài.
Căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung lại trở thành một vấn đề thực dụng cá nhân nhưng rất nghiêm túc đối với những nhân vật có sức ảnh hưởng trên chính trường Trung Quốc, khi hàng trăm triệu USD đang bị đe dọa.
Nếu chính phủ của Tổng thống Donald Trump áp dụng biện pháp trừng phạt mở rộng đối với chức sắc Trung Quốc, các "trưởng lão" cũng có thể chịu "thiệt hại to lớn, với mức độ chấn động lớn hơn dự kiến", theo một nguồn tin Trung Quốc dành nhiều năm làm việc tại nước ngoài tiết lộ cho Nikkei Asian Review.
Quan hệ Mỹ - Trung leo thang căng thẳng kể từ khi ông Tập Cận Bình rời xa chủ trương "thao quang, dưỡng hối" của các lãnh đạo tiền nhiệm. Reuters. |
Kỳ nghỉ hè sóng gió
Thông thường, phải nhiều tháng hoặc thậm chí là nhiều năm sau một kỳ họp Bắc Đới Hà, báo chí cùng giới nhà phân tích mới ghép xong bức tranh tổng thể của cuộc gặp bí mật. Và chủ yếu là nhờ vào các nguồn tin mật hay tài liệu ghi chép.
Điển hình là cuộc gặp Bắc Đới Hà năm 2014. Theo mô tả của Nikkei Asian Review, khi đến khu nghỉ dưỡng ven biển tỉnh Hà Bắc vào tháng 8, gần 2 năm sau khi nhậm chức, ông Tập từng lo lắng đến mức mặt lạnh như đá và rất kiệm lời. Sự hồi hộp khiến ông có vẻ mất tập trung và phản ứng chậm hơn bình thường, cả khi những vị khách ở Bắc Đới Hà nhắc ông bước đi cẩn thận.
Ông Tập trong thời gian đó tạo tiếng vang với chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi". Nhiều nhân vật "nặng ký" trên chính trường như Chu Vĩnh Khang, cựu bộ trưởng công an và ủy viên thường trực Bộ Chính trị, hay Từ Tài Hậu, cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, đều sa lưới.
Bầu không khí chính trị thêm căng cẳng ngay trước thềm sự kiện với tuyên bố nổi tiếng của ông Tập: "Chúng ta đang bước vào giai đoạn mới của chống tham nhũng, không sợ bất kỳ ai".
Nhà lãnh đạo Trung Quốc không đề cập cụ thể tên tuổi nào, nhưng giới quan sát cho rằng ông ám chỉ cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và những người trong vòng ảnh hưởng của ông (mà giới quan sát còn gọi là "phe Thượng Hải"). Nhóm của ông Giang khi đó thể hiện rõ sự không hài lòng đối với chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi".
Dù vậy, trước uy tín lớn của ông Tập trên chính trường, các "trưởng lão" đã gác lại bất đồng và chọn đoàn kết. Vượt qua kỳ họp Bắc Đới Hà một cách bình lặng, thần sắc của ông Tập thay đổi tích cực thấy rõ.
Vị thế của nhà lãnh đạo ngày càng được nâng cao kể từ mùa hè đó. Sau đại hội đảng toàn quốc năm 2017, ông thúc đẩy thành công điều chỉnh hiến pháp và xóa bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ 5 năm dành cho vị trí chủ tịch nước.
Thế nhưng, năm 2017 cũng là thời điểm những bất ổn mới trong nội bộ xuất hiện. Là con trai của cựu phó thủ tướng Tập Trọng Huân, ông Tập Cận Bình được ví von là "hạt giống đỏ thế hệ thứ hai" (hay còn được gới quan sát gọi là phe "thái tử" trong chính trị Trung Quốc).
Điều gây bất ngờ là ông Tập lại không cất nhắc những chính trị gia có thân thế giống mình vào vị trí then chốt khi hoạch định nhân sự năm 2017. Thay vào đó, ông chọn những nhân vật từng làm việc dưới quyền ở cấp địa phương. Quyết định này làm nhen nhóm bất mãn giữa ông và những chính trị gia khác cùng nhóm.
Các thách thức từ bên ngoài lẫn bất đồng từ bên trong cảnh báo một "kỳ nghỉ hè" đầy sóng gió đang chờ đón ông Tập tại Bắc Đới Hà.
Từng không thu hút nhiều sự quan tâm từ bên ngoài, hậu trường chính trị Trung Quốc giờ đây mang nhiều hệ lụy hơn ở quy mô toàn cầu và do vậy họp kín Bắc Đới Hà qua mỗi năm càng lúc càng đáng chú ý.