"Những thành viên của Hội đồng Bảo an (HĐBA) nhấn mạnh việc duy trì ủng hộ đối với quá trình chuyển tiếp dân chủ ở Myanmar", tuyên bố được đồng thuận của 15 thành viên hội đồng cho biết.
Theo Reuters, HĐBA cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc quân đội Myanmar áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia ở đất nước này.
Reuters cho biết tuyên bố thể hiện quan điểm của cả hội đồng được phía Anh soạn thảo. Nó được điều chỉnh để làm giảm nhẹ sắc thái, nên mới đạt được sự đồng thuận từ Nga và Trung Quốc.
Trong tuyên bố, HĐBA kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh sử dụng bạo luật, tôn trọng nhân quyền, các quyền tự do cơ bản, và pháp quyền. Hội đồng "khuyến khích theo đuổi đối thoại, hòa giải, phù hợp với ý chí và lợi ích của nhân dân Myanmar".
Quân lính Myanmar tuần tra gần khu vực tòa nhà quốc hội tại thủ đô Naypyitaw vào ngày 2/2. Ảnh: Reuters. |
Người phát ngôn của phái bộ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc nói Bắc Kinh hy vọng những thông điệp quan trọng từ tuyên bố của HĐBA "sẽ được tất cả các bên lắng nghe, và dẫn đến một kết quả tích cực".
Ngày 3/2, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cam kết huy động sức ép quốc tế để gây áp lực với quân đội Myanmar.
Hai ngày trước, Christine Schraner Burgener, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar, đã kịch liệt lên án vụ binh biến ở Myanmar.
Bà cho rằng HĐBA cần "cùng gửi rõ thông điệp ủng hộ dân chủ tại Myanmar" và đảm bảo quốc gia này không rơi vào tình cảnh bị cô lập như trước đây, theo AP.
Cuộc họp ngày 2/2 của HĐBA chưa thể đưa ra tuyên bố về tình hình Myanmar do không có đủ sự ủng hộ của 15 thành viên.
Ở thời điểm đó, phái bộ ngoại giao của Trung Quốc và Nga cũng từ chối thông qua tuyên bố này, lấy lý do cần gửi dự thảo về chính phủ đánh giá trước. Trong 2 ngày qua, Trung Quốc liên tục nhấn mạnh thông điệp đảm bảo "ổn định chính trị và xã hội" tại Myanmar.
Quân đội Myanmar ngày 1/2 bắt giữ hàng loạt lãnh đạo dân cử và thành viên đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), trong đó có cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.
Cả nước được đặt trong tình trạng khẩn cấp, kéo dài 1 năm. Toàn bộ quyền lực của các nhánh lập pháp, tư pháp và chính phủ được trao cho Tổng tư lệnh quân đội là Thống tướng Min Aung Hlaing.
Phía quân đội cáo buộc cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020 xảy ra gian lận nghiêm trọng. Họ quyết định giành kiểm soát để bảo vệ hiến pháp năm 2008, vì Ủy ban Bầu cử Liên bang không chấp nhận xử lý cáo buộc gian lận.
Kỳ họp của quốc hội mới cũng được tạm hoãn. Đài truyền hình thân quân đội cho biết Myanmar có thể tổ chức bầu cử lại vào năm 2022.