Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Hội Diên Hồng’ lần 2 có gì khác?

Khác với lần trước, Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam lần 2 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3 tới sẽ tập trung giải quyết kiến nghị ở từng cấp, tránh dồn các kiến nghị lên Thủ tướng.

Gỡ bỏ các rào cản, giải phóng sức sản xuất, thống nhất ý chí phát triển đất nước... là những điểm chính toát lên từ hội nghị Chính phủ với địa phương lần thứ nhất được tổ chức vào ngày 29/4/2016 (được cho là "hội Diên Hồng").

Sau thành công của hội nghị, một trong những hoạt động đáng chú ý đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ kể từ khi nhậm chức, Chính phủ đang ráo riết chuẩn bị cho hội nghị lần thứ 2.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, cho biết Hội nghị lần thứ 2 dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 3 tới tại Hà Nội.

Đây là một trong 4 hội nghị quan trọng của Chính phủ trong năm 2017. Trước đó còn có hội nghị phát triển ngành tôm được tổ chức tại tỉnh Cà Mau; sau đó sẽ là hội nghị toàn quốc về phát triển ngành dược liệu và hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012.

Hoi nghi doanh nghiep Viet Nam lan 2 anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp vào tháng 4/2016. Ảnh: VGP. 

Ông cho hay năm nay tinh thần thực hiện phát triển doanh nghiệp không phải là “hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn” nữa mà phải là tạo thuận lợi thương mại cho đầu tư, kinh doanh, phù hợp với mong muốn chi phí sản xuất thấp, ít rủi ro về pháp lý của cộng đồng doanh nghiệp.

“Tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp là để xử lý các kiến nghị của họ ở từng cấp, tránh để dồn tất cả kiến nghị lên Thủ tướng”, ông nhấn mạnh.

Tại cuộc họp để chuẩn bị cho Hội nghị này vào sáng 9/2 vừa qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ ngành thảo luận, đánh giá kỹ hơn sự phát triển về số lượng, đặc biệt là chất lượng sản xuất, kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp.

Ông yêu cầu làm rõ xem có bao nhiêu doanh nghiệp đang hoạt động và đăng ký mã số thuế, bao nhiêu doanh nghiệp phát sinh thuế, làm ăn có lãi so với năm 2016, lợi nhuận họ tạo ra hàng năm cùng với tiền lương, thu nhập của người lao động để nhận diện rõ được sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp.

“Phải xem Nghị quyết 35 của Chính phủ cần tập trung thêm vấn đề gì hay tiếp tục chỉ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh? Nền kinh tế bao gồm 5 loại thị trường là vốn, hàng hóa- dịch vụ (bao gồm trong nước và xuất khẩu, biên mậu), bất động sản, khoa học công nghệ, lao động và việc Chính phủ khơi thông 5 loại thị trường là rất quan trọng.

Nếu không khơi thông được 5 loại thị trường này thì doanh nghiệp có ra đời cũng khó phát triển nên cần phải xem các nút thắt thị trường ở đâu để gỡ bỏ ngay”, Phó thủ tướng phát biểu.

Hoi nghi doanh nghiep Viet Nam lan 2 anh 2
Một trong những thông điệp về kinh doanh, đầu tư của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 4/2016. Minh hoạ: Phượng Nguyễn.

Nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong năm qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá tinh thần hừng hực trong Chính phủ, một số bộ, ngành nhưng xuống địa phương thì một số nơi làm chưa tốt và nhiều nơi còn “lạnh lẽo”.

“Tinh thần cải cách chưa chuyển được xuống cấp cơ sở, các cán bộ công chức làm việc hàng ngày với người dân và doanh nghiệp. Tình trạng Nghị quyết 35 đang là nóng trên lạnh dưới”, ông Lộc nói.

Thừa nhận thực tế trên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự đoán tới năm 2020, cả nước sẽ đạt và vượt mốc hơn 1 triệu doanh nghiệp hoạt động theo mục tiêu Nghị quyết 35 đặt ra.

Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Phạm Viết Thanh cho rằng tại hội nghị sắp tới, Chính phủ cần thông báo rõ cho cộng động doanh nghiệp biết là một số nhiệm vụ của Nghị quyết 35 không thể làm ngay hay đang tiến hành để họ yên tâm.

Nói về doanh nghiệp Nhà nước, ông Thanh đánh giá đôi lúc doanh nghiệp lợi dụng nhiệm vụ chính trị nên báo lỗ, doanh thu, lợi nhuận kém... Do đó theo ông phải tách bạch rõ ràng, không thể vin vào cớ này để giải thích chuyện doanh nghiệp làm ăn kém.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn mong muốn từng năm một, Chính phủ lựa chọn các giải pháp ưu tiên, có tính lan tỏa để thực hiện triệt để.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho rằng hiện chưa giảm được số lượng các lần thanh, kiểm tra doanh nghiệp trong 1 năm nên đề nghị phải sớm có giải pháp nếu không “sẽ gay go”.

Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương Phan Đăng Tuất đề nghị áp dụng chính sách tự nguyện, tự động đóng thuế đối với doanh nghiệp hoạt động tới khi nào có lãi trong lĩnh vực sản xuất và trong khu vực nông nghiệp.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh cho rằng các bộ, ngành và địa phương ban hành, quản lý các thủ tục hành chính là phải theo hướng cung cấp dịch vụ công chứ không phải cắt giảm thủ tục hành chính thì gọi là hỗ trợ doanh nghiệp. “Còn lẫn lộn thì doanh nghiệp còn bị phiền hà”, ông nhấn mạnh.

Liên quan tới tinh thần “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”, ông Trần Văn Sơn, Phó vụ trưởng Vụ 1 Văn phòng Chính phủ cho rằng Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, VKSND Tối cao nên xây dựng thông tư liên lịch quy định các hành vi vi phạm để không xảy ra các trường hợp hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đặt ra nhiều câu hỏi để các bộ, ngành thảo luận, xây dựng chương trình Hội nghị như:

1. Kết quả hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp (DN) chung của cả nước đã có báo cáo nhưng từng địa phương, bộ ngành như thế nào thì chưa công bố được? Phải họp báo công bố công khai chứ bộ, ngành, địa phương nào cũng nghĩ thành tích thành lập mới DN của mình cả còn giải thể phá sản DN không ở chỗ mình.

2. Bao nhiêu bộ ngành thực hiện cam kết và có chương trình hành động Nghị quyết 35, ai không làm, ai làm chậm phải có địa chỉ cụ thể. Giờ mới có 40 tỉnh có số liệu đăng ký DN với 1,2 triệu DN tới năm 2020 nhưng gần 30 tỉnh khác thì như thế nào, không rõ được?

3. Thực trạng bức tranh "sức khỏe" cụ thể của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI như thế nào?

4. Các chuyên gia nói luôn luôn có rủi ro về 2 nền kinh tế trong một quốc gia là khối doanh nghiệp FDI và phần còn lại của nền kinh tế. Để khắc phục, kết nối hai khối này  thì ta phải làm gì?

5. Thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như thế nào cho tốt khi hiện nay mới có 1% số lượng DN toàn quốc đầu tư vào lĩnh vực này?

6. Việc phát triển khởi nghiệp và sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đang như thế nào và cần tiếp tục như thế nào?

Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức vào ngày 29/4 năm ngoái kéo dài hơn 5 tiếng (từ 8h đến 13h30) với sự tham dự của gần 1.000 người và trực tuyến ở 63 tỉnh. 4 Phó thủ tướng, hơn 10 bộ trưởng, Chủ tịch UBND các thành phố lớn và rất nhiều doanh nhân tên tuổi đại diện cho các doanh nghiệp đã tham dự sự kiện này.

7 phát ngôn ấn tượng của doanh nghiệp ở hội 'Diên Hồng'

Lãnh đạo Vinamilk, Vietjet Air, BIDV, Trường Hải đã có những kiến nghị, đề xuất khá ấn tượng, trong cuộc gặp của Thủ tướng với giới doanh nghiệp mới diễn ra.



Kiều Vui

Bạn có thể quan tâm