Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp than phiền về thuế, Thủ tướng xin lỗi

Trong buổi gặp doanh nghiệp sáng 28/4, doanh nghiệp than phiền với Thủ tướng về thủ tục hành chính phiền hà phát sinh với ngành thuế, hải quan.

Làm thế nào để được hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn hay tăng sức cạnh tranh… là những vấn đề được hàng trăm nghìn doanh nghiệp (DN) gửi gắm, chờ đợi ở người đứng đầu Chính phủ trong Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 28/4.

Khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp vươn lên, song, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh ngay rằng, tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất kinh doanh là việc của DN. Theo đó, các DN phải nỗ lực để hoạt động hiệu quả hơn, tăng sức cạnh tranh của chính mình.

Để làm được điều đó, người đứng đầu Chính phủ dẫn ra hai yếu tố, một là áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, hai là tăng cường năng lực quản trị.

Ttg
Thủ tướng dành tới hơn một giờ để giải đáp, chia sẻ với những khúc mắc của DN tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc - VGP.

“Tôi từng có lần nói rất nghiêm túc là phân công làm Thủ tướng thì tôi chấp hành chứ phân công làm doanh nghiệp thì tôi từ chối, không làm được đâu”, Thủ tướng chia sẻ.

Dẫn câu chuyện của tập đoàn Viettel đầu tư ở Haiti, đưa Haiti trở thành một trong những quốc gia có nền viễn thông hiện đại nhất khu vực Caribê, người đứng đầu Chính phủ cho rằng đây là điển hình của doanh nghiệp thành công trong điều kiện cạnh tranh quốc tế.

“Năm qua, Viettel lãi 45 triệu USD ở thị trường này. Đó hoàn toàn năng lực quản trị của doanh nghiệp quyết định, không ai làm thay được hết”, chia sẻ của Thủ tướng nhận được những cái gật đầu và rất nhiều tiếng vỗ tay từ hàng trăm chủ doanh nghiệp dự hội nghị.

Đề cập tới những yếu tố vĩ mô trong năm 2014, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, có nhiều cơ sở để cộng đồng doanh nghiệp lạc quan. Đó là mức lạm phát ổn định ở mức 6% hoặc thấp hơn (so với 6,04% của 2013), GDP phấn đấu 5,8% và hơn 6% cho 2014 và 2015. Tỷ giá sẽ được giữ ổn định, chỉ điều chỉnh tối đa 1-1,5% trong năm 2014...

Đây cũng chính là giải đáp của Thủ tướng đối với băn khoăn về “niềm tin đối với sự ấm dần của nền kinh tế” của Chủ tịch CT Group Trần Kim Chung. Doanh nhân này đề nghị, Nhà nước, với trách nhiệm của mình cần cải cách thủ tục hành chính, chính sách phải nhất quán hơn nữa.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), bà Phạm Thị Hồng Thái thì đề cập tới Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNVVN được Thủ tướng ký từ 2011 song các địa phương vẫn chưa thực hiện. Bên cạnh đó là nghịch cảnh DN nhà nước nợ DN tư nhân trong khi DN tư nhân lại phải vay vốn ngân hàng lãi suất cao để nộp thuế DN…

“Lãi suất mấy năm vừa rồi giảm phải nói là kỳ tích. Nhưng đề nghị Chính phủ và ngân hàng giảm lãi suất hơn nữa cho DN vì mức hiện tại vẫn cao hơn thế giới rất nhiều. Chúng ta vì thế thua DN nước ngoài ngay trên sân nhà”, bà Thái nói.

Kêu gọi khách hàng đến với SeaBank với lãi suất cho vay tối đa 8-10% song bà Nguyễn Thị Nga, nữ chủ tịch của ngân hàng thương mại này cũng nhấn mạnh, không thể nới lỏng các điều kiện tín dụng.

“Ngân hàng phải có lãi để trả tiền lãi cho người gửi. DN phải chứng minh được dự án hiệu quả, ngân hàng không thể cho vay các dự án không hiệu quả hoặc có nhiều rủi ro”, bà Nga nói.

Chia sẻ với bà Nga, Thủ tướng nhìn nhận, DN Việt Nam chủ yếu là nhỏ và yếu, không có vốn nên phải vay từ ngân hàng. Vì thế nên phải tạo mọi điều kiện tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn. “DN-NH gắn với nhau, DN trả không được thì cùng khó. Nợ xấu nhiều thì NH phải trích lập dự phòng rủi ro. Cái gì thuận lợi thì phải giúp DN nhưng cũng không thể tay không bắt giặc được”, Thủ tướng nói.

Anh
Bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc Quốc gia (Ngân hàng Thế giới - WB) tại Việt Nam, chia sẻ với các lãnh đạo DN tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Để tháo gỡ khó khăn về vốn, Chính phủ sẽ tìm mọi cách cùng các ngân hàng thương mại cơ cấu lại số đã vay lãi suất cao trong thời gian trước. Số DN đang hoạt động tìm giải pháp, từ lãi cao xuống lãi thấp theo mặt bằng hiện nay để có điều kiện vượt qua khó khăn.

“Đề nghị anh Ninh (Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh) xem Quỹ tín dụng cho DNVVN có quyết định rồi thì bảo lãnh nhanh cho DN”, Thủ tướng nói

Nhắc lại chặng đường dài của việc phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, với con số thực hoạt động hiện chưa tới 500.000, Thủ tướng cho rằng, số lượng này so với thế giới là quá ít. Trong khi quy mô lại DN vừa và nhỏ chiếm 97-98%. Môi trường kinh doanh những năm qua dù đã cải thiện song còn quá nhiều nhiều hạn chế, vướng mắc cần tiếp thục cải thiện.

Vì thế, Thủ tướng đề nghị sắp tới tất cả cộng đồng doanh nghiệp cũng như Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần phải chung sức tập trung cải thiện môi trường đầu tư quốc gia bởi đây là việc có ý nghĩa hết sức quyết định.  Cũng theo Thủ tướng, tới đây, Chính phủ sẽ báo cáo trước Hội nghị Trung ương về kiến nghị không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Trước những than phiền về những cản trở của thủ tục hành chính, Thủ tướng nhìn nhận, đúng là trong thực tế nhiều thủ tục phát sinh quá nhiều. Thuế, hải quan cũng là những vấn đề lớn gây khó khăn, cản trở.

 “Đồng chí Cúc (bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế) đã từng ở ngành thuế nói DN khó khăn quá khiến tôi rất xót ruột. Là người đứng đầu Chính phủ tôi cũng xin lỗi DN, người dân. Bây giờ chúng ta nói ở trên quyết tâm hăng hái, nhưng càng đi xuống dưới càng giảm, tới các cán bộ nhân viên coi như không có chuyện gì xảy ra thì không được”, Thủ tướng chia sẻ.

Báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra những xu hướng đáng lo ngại. Hết quý 1/2014 cả nước có trên 3.000 DN nhà nước, gần 9.000 DN FDI và 789.000 DN dân doanh đăng ký thành lập. Tuy nhiên, số còn đang tồn tại và hoạt động trong nền kinh tế chỉ còn 493.000 DN. Tỷ lệ DN thua lỗ gia tăng đáng kể, tăng từ hơn 25% 2010 lên gần 66% vào hết 9/2013.

“Quy mô doanh nghiệp ngày càng suy giảm, tỷ trọng DN siêu nhỏ trong nền kinh tế ngày càng tăng, trong khi tỷ trọng DN có quy mô lớn chỉ chiếm khoảng 2,25%”, báo cáo viết.

Cũng theo báo cáo, số DN gặp khó khăn rút lui khỏi thị trường ngày càng nhiều cho thấy thách thức của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn vừa qua và đang dần loại bỏ khỏi thị trường các DN yếu kém, không đủ sức tồn tại hoặc không thay đổi để thích nghi với điều kiện mới. 

Nguyễn Hưng

Bạn có thể quan tâm