Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: 'Đừng có tử tế lúc cưới, lấy về thì hành hạ nhau'

Người đứng đầu Chính phủ đã dặn dò lãnh đạo tỉnh Lai Châu như vậy về cách đối xử với các nhà đầu tư.

Tại hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch Lai Châu lần thứ nhất mới diễn ra, ông Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu cho hay, một số đơn vị, cá nhân ở địa phương còn đứng ngoài cuộc, chưa coi xúc tiến đầu tư là nhiệm vụ của mình.

Ông Chử kêu gọi giới chức trung ương, địa phương chung sức, đồng lòng cải thiện môi trường đầu tư, sát cánh, đồng hành với các doanh nghiệp ở đây.

“Lai Châu sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư”, ông Chử khẳng định.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) – ông Trần Bắc Hà - cho biết, Lai Châu là một trong hai địa phương khó khăn nhất cả nước.

Chủ tịch BIDV dẫn chứng, mức sinh hoạt ở Lai Châu còn đắt đỏ hơn ở Hà Nội trong đó hàng may mặc, vật liệu xây dựng, giao thông và thiết bị đồ dùng gia đình là 4 nhóm hàng có mức giá cao hơn từ 1-8%.

Nguyên nhân theo ông Hà là Lai Châu là tỉnh vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, giao thương của địa phương.

Lai Châu có tỷ lệ hộ nghèo theo chỉ số cận nghèo đa chiều thuộc hàng cao nhất cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo theo cách tiếp cận này của Lai Châu khoảng 44% và khoảng 10% hộ cận nghèo, có nghĩa là 1/2 dân số Lai Châu đang trong diện nghèo.

Thừa nhận thực tế trên, ông Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, tỉnh có đất rộng, rừng nhiều, núi non hiểm trở, hùng vĩ, nhiều khu vực chưa được khai thác và đặc biệt một số loại đặc sản như trà ở độ cao 1.000 m trở lên… nên hoàn toàn có tiềm lực phát triển trong tương lai.

“Lai Châu không nghèo”

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, thành tựu mà Lai Châu đã đạt được trong những năm qua.

Thủ tướng cho rằng, với hơn 400 đại biểu là các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong, ngoài nước cùng tham dự sự kiện này chứng tỏ “nhà nghèo khó mới biết con cái hiếu thảo như thế nào”.

Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định: “Thực sự Lai Châu không phải nghèo bởi 10-15 năm về trước nơi đây không có gì cả, không nhà cửa, không điện nước… Nhưng giờ tỉnh đã có bước tiến dài với nguồn nước dồi dào, nhiều sản phẩm độc đáo đặc biệt loại trà đã được các 'thượng đế' khó tính như Nhật Bản chấp nhận, yêu thích”.

 Ông Nguyễn Xuân Phúc dẫn chứng thêm, nếu như trước đây, ở đây 100% là hộ nghèo thì giờ chỉ còn hơn 20%. Hơn nữa, Lai Châu còn nhiều tiềm lực phát triển như có đất hiếm…

Nói về lộ trình “thoát nghèo” cho tỉnh, Thủ tướng cho rằng tới đây, lãnh đạo tỉnh Lai Châu cần cải cách hành chính, tao môi trường thông thoáng, cởi mở cho các nhà đầu tư.

“Đừng có lúc hỏi cưới con gái người ta thì tử tế, lấy về rồi thì hành hạ hay như lời một đại biểu quốc hội 'đất lành chim đậu, chim chưa đậu đã nhậu hết cả chim'. Lai Châu cũng như các tỉnh thành khác phải đặc biệt quan tâm tới quyền lợi của các nhà đầu tư, coi lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích của tỉnh mình, đất nước mình và không để tình trạng như người ta nói là trên trải thảm đỏ nhưng dưới có đinh”, Thủ tướng phát biểu.

Với các nhà đầu tư, Thủ tướng lưu ý cần “nói và làm, đừng có tay không bắt giặc. Đừng tìm cách bán dự án cho người khác và khi hoạt động cũng cần giữ môi trường sống cho người dân địa phương”.

Trước khi khép lại bài phát biểu của mình, Thủ tướng nhấn mạnh: “Dù nghèo, nhưng hãy sống tốt”. 

Lai Châu lại xin xây sân bay 8.000 tỷ đồng

Trước đề xuất xây sân bay của Lai Châu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Quốc phòng có báo cáo về sự cần thiết của sân bay cho máy bay nhỏ ở tỉnh này.


Kiều Vui

Bạn có thể quan tâm