Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học giả Mỹ: Obama điều tàu đến Biển Đông là đúng

Nhiều học giả Mỹ cho rằng, việc chính quyền điều tàu áp sát đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép trên Biển Đông là cần thiết để ngăn chặn tham vọng phi lý của Bắc Kinh.

a
Tàu khu trục USS Lassen cùng với tàu chiến Hàn Quốc tại vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên trước khi nhận lệnh tiến vào Biển Đông. Ảnh: Reuters

Ngày 27/10, tàu khu trục mang tên lửa điều khiển USS Lassen (DDG-82) tiến vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép ở đá Vành Khăn và hướng đến đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu tập đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh để phản đối. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng lớn tiếng chỉ trích Mỹ và tuyên bố sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh. Bên cạnh đó, hải quân nước này điều tàu khu trục ra cảnh báo hoạt động của chiến hạm Mỹ.

Thách thức yêu sách phi lý của Bắc Kinh

Trong khi Bắc Kinh liên tục chỉ trích hành động của Washington, một số học giả ở Mỹ cho rằng, chính quyền Tổng thống Barack Obama hoàn toàn đúng khi đưa tàu áp sát đảo nhân tạo và hành động này đã được chờ đợi từ lâu.

Theo Washington Post, trong hai năm qua, Trung Quốc gia tăng các hoạt động bồi lấp trái phép trên Biển Đông. Bắc Kinh đã xây dựng đường băng dài 3 km trên đá Chữ Thập và tiếp tục xây dựng các đường băng khác ở đá Vành Khăn và đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những đảo nhân tạo này sẽ phục vụ như những tiền đồn trên biển, lấy đó làm cơ sở cho yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông.

a
Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang hoàn thành đường băng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS

Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện hàn lâm Nghiên cứu Đông Á, nhận xét Mỹ điều động một chiến hạm được trang bị vũ khí hạng nặng cho thấy họ muốn gửi thông điệp rất mạnh mẽ đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho rằng, Mỹ phải rất thận trọng trong các hoạt động để không làm phức tạp thêm tình hình.

Không chỉ dừng lại ở việc xây đảo, Trung Quốc còn đưa ra yêu sách về đường 9 đoạn bao trùm đến 80% diện tích Biển Đông. Hoạt động bồi lấp của Bắc Kinh đe dọa đến tự do hàng hải trên Biển Đông nơi có các tuyến đường biển thương mại quốc tế chiếm 30% thương mại hàng hải thế giới.

Một số nhà phân tích cho rằng, thời gian qua, Mỹ thiếu hành động cụ thể đối với hoạt động bồi lấp trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông. Đó là lý do Washington điều tàu chiến tuần tra để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.

“Chính quyền Obama nhận thấy rằng, thái độ hòa hoãn không đủ để Bắc Kinh hợp tác và Mỹ phải có hành động cụ thể. Việc tàu Mỹ áp sát các đảo nhân tạo sẽ là bước ngoặt lớn trong việc thay đổi chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc”, Edward Luttwak, nhà chiến lược quân sự Mỹ nhận xét.

Các quan chức Hải quân Mỹ nhấn mạnh, việc cử tàu tuần tra cần thiết để khẳng định lập trường của Mỹ rằng, các đảo nhân tạo không thể được xem là lãnh thổ có chủ quyền với vùng lãnh hải xung quanh.

Michael Mazza, nhà phân tích về chính sách ngoại giao và quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ trao đổi với Newsweek rằng, việc Washington đưa tàu chiến tới Biển Đông là bước đầu tiên nhằm chứng minh nước này sẽ thực hiện các quyền mà luật pháp quốc tế cho phép, đặc biệt là quyền tự do hàng hải theo UNCLOS.

Trước đó, khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông vào năm 2013, Mỹ đã điều hai máy bay ném bom chiến lược B-52 bay qua khu vực để thách thức. Ở thời điểm đó, Bắc Kinh không có hành động cụ thể nào.

Trong khi đó ở Biển Đông, Bắc Kinh lớn tiếng tuyên bố rằng, hành động của Mỹ đe dọa chủ quyền và an ninh quốc gia, nhưng tuyên bố của Trung Quốc hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, các đảo nhân tạo không có vùng lãnh hải 12 hải lý.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng nói, Mỹ sẽ đưa tàu chiến, máy bay đến bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Chiến hạm Mỹ hoạt động ở vùng 12 hải lý được sự bảo hộ của luật pháp quốc tế, do đó, Trung Quốc sẽ rất khó khăn trong việc đưa ra biện pháp đối phó.

Học giả TQ lớn tiếng sẽ đâm tàu nếu Mỹ tiếp tục tuần tra

Học giả Trung Quốc kiến nghị nước này nên gửi thêm nhiều tàu chiến, máy bay đến Biển Đông, thậm chí sẽ cho tàu đâm vào chiến hạm Mỹ nếu cần thiết.

4 câu hỏi khi Mỹ áp sát đảo Trung Quốc bồi lấp

Các chuyên gia của CSIS giải mã 4 vấn đề về chiến lược của Washington, phản ứng của Bắc Kinh cũng như các nước trong khu vực khi tàu Mỹ đi vào vùng Trung Quốc bồi lấp trái phép.

Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm