Khu trục hạm USS Lassen. Ảnh: QZ |
Sau nhiều tháng tranh luận trong nội bộ chính quyền Mỹ, Nhà Trắng hôm 27/10 cho phép tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen của hải quân vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng và bồi lấp trái phép ở Biển Đông.
USS Lassen được hộ tống bởi hai máy bay trinh sát hàng hải là Posedon P-8A và Orion P-3, nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải trên vùng biển nhộn nhịp bậc nhất thế giới.
Mục đích?
Theo các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), hoạt động tự do hàng hải nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền mà Mỹ coi là “quá đáng” theo luật pháp quốc tế. Kể từ năm 1979, quân đội Mỹ đã tuần tra thường xuyên mọi khu vực trên toàn thế giới.
Năm 2014, quân đội nước này thực hiện các hoạt động tự do hàng hải để thách thức các yêu sách phi lý của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông. Hoạt động đặc biệt này được thực hiện nhằm khẳng định Mỹ không công nhận vùng 12 hải lý hoặc bất kỳ quyền lãnh hải nào khác mà Trung Quốc tuyên bố trên các đảo nhân tạo vốn là rạn san hô chìm dưới nước.
Hoạt động này về cơ bản không nhằm răn đe quân sự hoặc gửi thông điệp ngoại giao. Về bản chất, nó là hoạt động hợp pháp nhằm củng cố tuyên bố của Mỹ về Biển Đông và làm sáng tỏ luật quốc tế về biển. Hoạt động tự do hàng hải cũng nhằm nói rõ rằng Hải quân Mỹ, lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu dân sự có quyền đi lại không hạn chế trên biển.
Trong trường hợp ở Biển Đông, Mỹ cần chứng minh cam kết của họ về tự do hàng hải trong bối cảnh các đồng minh và đối tác ở khu vực lo ngại về tốc độ bồi lấp đảo, xây cơ sở quân sự trái phép của Trung Quốc, gồm các đường băng ở Trường Sa.
Mỹ chia sẻ mối quan tâm của các quốc gia ở khu vực trước sự mập mờ có chủ đích trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Đó là nguồn cơn dẫn tới căng thẳng ở vùng biển nhộn nhịp này. Các quan chức Mỹ luôn kêu gọi các bên liên quan hành động theo luật pháp quốc tế.
Việc Washington điều tàu tuần tra quanh đá Xu Bi là một phần trong chiến lược tổng thể nhằm chứng minh Mỹ không công nhận các tuyên bố lãnh hải vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời gây áp lực cho giới lãnh đạo Trung Quốc khi họ phản đối hoạt động của Mỹ mà không có cơ sở pháp lý.
Phản ứng của Trung Quốc?
Tàu khu trục mang tên lửa Lan Châu của Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia |
Khi khu trục hạm USS Lassen đang tuần tra ở vùng biển quanh đá Xu Bi, hai tàu của quân đội Trung Quốc là Lan Châu (khu trục hạm mang tên lửa 052C) và Đài Châu (khu trục hạm Type-053) đã theo dõi và phát cảnh báo yêu cầu tàu Mỹ ra khỏi khu vực. Tuy nhiên, việc tuần tra của Washington đã hoàn tất “mà không gặp bất kỳ trở ngại nào”.
Trong vòng 6 tháng qua, khi truyền thông Mỹ thông báo chính quyền Obama đang cân nhắc kế hoạch điều tàu vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Bắc Kinh xây trái phép trên Biển Đông, Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho tình huống này dù không được phía Washington thông báo trước.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng lớn tiếng chỉ trích chuyến tuần tra của Washington trên Biển Đông. Ông Lục ngang ngược nói, tàu của Hải quân Mỹ đã “di chuyển bất hợp pháp” vào vùng biển gần đảo nhân tạo “mà không có sự cho phép của chính phủ Trung Quốc”, “đe dọa chủ quyền và lợi ích an ninh Trung Quốc” và “gây nguy hiểm cho an ninh và ổn định của khu vực”.
Phát biểu của đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy thực tế việc Bắc Kinh tự nhận chủ quyền vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà nước này xây trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Ngoài ra, ông Lục còn mạnh miệng khi nói Bắc Kinh sẽ “kiên quyết phán ứng trước mọi động thái khiêu khích có chủ ý từ bất cứ nước nào”. Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại đã triệu tập Đại sứ Mỹ Max Baucus để phản đối chuyến tuần tra của Washington.
Các nước trong khu vực phản ứng như thế nào?
Ảnh vệ tinh chụp bãi đá Xu Bi đang bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép. Ảnh: Guardian |
Đa số các quốc gia trong khu vực hoan nghênh việc Mỹ điều tàu tới vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông.
Các nước không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cùng các quốc gia ngoài khu vực, như Nhật Bản và Australia, ngày càng lo ngại việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông, hành vi cưỡng chế của nước này nhằm thay đổi hiện trạng khu vực và khả năng Bắc Kinh lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở vùng biển này như họ từng làm tại biển Hoa Đông.
Nhật Bản, Australia, Philippines tuyên bố ủng hộ hành động của Mỹ.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Các quan chức Mỹ khẳng định rõ chuyến tuần tra ngày 27/10 không phải là lần cuối cùng Washington điều tàu vào trong và xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép ở Trường Sa. Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến tuần tra tương tự ở Biển Đông nhằm đẩy mạnh thông điệp: hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải là đều đặn và thách thức những yêu sách chủ quyền quá đáng.
Các đợt tuần tra tương lai của Mỹ có thể gồm việc điều tàu di chuyển bên trong hoặc xung quanh đá Vành Khăn của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm đóng và đang cải tạo trái phép. Các tàu Mỹ có thể “đi qua vô hại” trong vùng 12 hải lý tại một số thực thể khác do Trung Quốc xây trái phép ở Trường Sa.
Tuy nhiên, các hoạt động sẽ được thu hẹp để đạt mục đích pháp lý và sẽ diễn ra đều đặn nhưng không quá thường xuyên.