Theo Hoàng tử Turki Al-Faisal, Iran đang đẩy mạnh tài trợ cho các nhóm vũ trang trên khắp khu vực Trung Đông, đồng thời chính quyền Tehran cũng phải chịu trách nhiệm cho hoàn cảnh bần cùng của những người dân trong nước.
Ông Al-Faisal là con trai vua Faisal, người cai trị Saudi Arabia trong giai đoạn 1964-1975. Hoàng tử Al-Faisal đi học ở Mỹ từ năm 14 tuổi tại Princeton và sau đó theo học ngành quan hệ quốc tế tại đại học Georgetown vào năm 1968, cùng niên khóa với cựu tổng thống Bill Clinton.
Hoàng tử Al-Faisal trở thành tổng giám đốc của cơ quan tình báo Saudi Arabia vào năm 1979 và giữ vị trí này trong 23 năm, cho đến ngày 1/9/2001, chỉ 10 ngày trước khi vụ khủng bố 11/9 nổ ra. Ông Al-Faisal cũng là đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ trong giai đoạn 2005-2006.
Hoàng tử Turki Al-Faisal. Ảnh: The National. |
Móng vuốt thép
"Tôi từng có một nhận định về Iran trong quá khứ, và tôi nghĩ điều đó vẫn đúng vào lúc này, Iran đang trở thành một con hổ giấy với những móng vuốt bằng thép", Hoàng tử Al-Faisal chia sẻ với CNBC.
"Những 'móng vuốt thép' chính là những nhóm vũ trang mà họ tổ chức và tài trợ trên khắp Trung Đông, dù cho đó là nhóm Hezbollah (ở Lebanon) hay những người Houthis (ở Yemen) và cả nhóm al-Abbas (nhóm dân quân Shia tại Syria), cùng với đó là rất nhiều những nhóm vũ trang khác đang hoạt động ở Iraq và Syria với mục đích chính là gia tăng tầm ảnh hưởng và sự thống trị của Iran ở khu vực".
Iran và Saudi Arabia là hai quốc gia tranh giành gay gắt tầm ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông, đối đầu với nhau cả về tôn giáo và chính trị. Mối quan hệ giữa hai nước đã chạm đáy trong thời gian gần đây và Syria, Iraq cũng như Yemen trở thành nơi diễn ra các cuộc "chiến tranh ủy nhiệm" (proxy war) giữa các lực lượng được Tehran và Riyadh hậu thuẫn.
Việc Iran hỗ trợ các nhóm như Hezbollah ở Lebanon và thậm chí là cả Taliban ở Afghanistan bằng việc cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cũng khiến nước này bị cộng đồng quốc tế chỉ trích.
Nền kinh tế khó khăn
Dưới áp lực đến từ các lệnh trừng phạt và cấm vận của Mỹ, nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu vào tháng trước và thừa nhận nước này đang trải qua tình trạng kinh tế tồi tệ nhất "trong vòng 40 năm". Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế của Iran giảm 1,5% trong năm 2018 và có thể giảm tiếp 3,6% trong năm 2019.
Hoàng tử Al-Faisal so sánh Iran với "con hổ giấy" vì cho rằng nghèo đói và sự bất bình đang gia tăng ở nước này, trong khi chính phủ thì trở nên "rối loạn chức năng". Ông Al-Faisal không cho rằng sẽ có sự thay đổi về mặt chính trị ở Iran, nhưng những lệnh cấm vận của Mỹ có thể ép chính quyền Tehran phải thay đổi hành vi của họ.
Người dân mua thuốc tại nhà thuốc bệnh viện Nikan ở Tehran. Ảnh: AFP. |
"Tôi nghĩ sẽ là quá sớm để dự đoán bất cứ điều gì, nhưng họ đang biến người dân của họ thành những kẻ bần cùng thay vì cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế và thực phẩm, thứ mà người dân mong đợi. Tôi hy vọng là với lệnh cấm vận của Tổng thống Trump, chúng ta có thể chứng kiến sự điều chỉnh trong các hành động của Iran. Người dân Iran chính là những nạn nhân đầu tiên dưới sự lãnh đạo này", ông Al-Faisal nhận định.
Một số quan chức diều hâu trong chính quyền Trump, đặc biệt là Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, từng ám chỉ mục đích của những lệnh cấm vận là dẫn tới một sự thay đổi chế độ ở Iran. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng những vấn đề trong nước sẽ rất khó có thể làm ảnh hưởng đến chính phủ, do lực lượng an ninh Iran rất quyền lực và luôn cực kỳ trung thành.
2019 kỷ niệm 40 năm ngày nổ ra cuộc Cách mạng Hồi giáo và các quan chức Tehran đã công khai khẳng định rằng những lệnh trừng phạt sẽ không thể cản trở quá trình phát triển của đất nước.
Trong khi đó hồi tháng 1, các nước châu Âu đã thiết lập một cơ chế để tạo điều kiện cho các giao dịch không dùng đồng USD với Iran, giúp cho các hoạt động kinh tế, đặc biệt là việc bán dầu của Iran có thể né tránh lệnh cấm vận của Washington.
Cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông
Iran từ lâu đã cho rằng Saudi Arabia gây mất ổn định khu vực, và hai nước cũng cáo buộc lẫn nhau vi phạm nhân quyền, mặc dù cả Tehran và Riyadh đều phải nhận những chỉ trích của cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc về vấn đề này.
Binh lính thuộc liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu tuần tra tại cảng Aden, Yemen. Yemen là một trong những chiến trường cho sự tranh giành ảnh hưởng khu vực giữa Tehran và Riyadh. Ảnh: AFP. |
Đã có những lo ngại về tình trạng thù địch giữa hai nước có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh quy mô lớn. Iran đã từng thử nhiều lần các tên lửa đạn đạo và những báo cáo mới đây cũng cho thấy Saudi Arabia sở hữu một trung tâm phát triển tên lửa ẩn sâu trong lòng sa mạc.
Thái tử Saudi Mohammed bin Salman từng phát biểu trước truyền thông, cho rằng "không còn nghi ngờ gì về việc Iran sẽ phát triển bom hạt nhân, chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ điều này".
"Tôi chưa thấy những bình luận của các quan chức về vấn đề này vì vậy tôi không thể xác nhận việc liệu có các tên lửa đang được phát triển hay không", ông Al-Faisal chia sẻ quan điểm về thông tin Saudi Arabia sở hữu trung tâm nghiên cứu tên lửa.