Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hoàng Diệu và Thanh niên Hà Nội - 'cái nôi' bóng đá Hà Thành

Từ năm 1954 đến ngày giải thể hồi cuối năm 1969, đội Hoàng Diệu và sau này là đội Thanh niên Hà Nội là nguồn cung cấp cầu thủ chủ yếu cho các đội bóng Thủ đô.

Bong da Ha Thanh anh 1

Đội Thanh niên Hà Nội năm 1962.

Từ năm 1906 đến 1907, bóng đá đã xuất hiện ở Bắc kỳ. Năm 1909 hai đội Lê dương Đáp Cầu (Legion Đáp Cầu) và Olympique Hải Phòng có những trận đối đầu nảy lửa, được báo chí đương thời truyền tụng.

Hà Nội mãi đến tháng 02/1912 mới thành lập CLB Bóng đá Hà Nội (Stade Hanoien). Tiếp theo sau là các đội Trung đoàn Bộ binh Thuộc địa, Ngôi sao xanh (Étoile Bleue), Chớp nhoáng (Éclair), Racing Clup, Lạc Long ngọn giáo (La Lance), Hỏa xa (Usaga), Trường Bưởi, Đại học (Université), Ngân hàng, Ôtô Han (Auto Hall)…

Nhiều khu phố cũng có đội bóng riêng. Quả bóng cao su được sơn màu trắng. Trận bóng đá diễn ra trên mọi bãi đất trống, ngã ba hoặc ngã tư khi đường vắng. Thậm chí có những đoạn phố như trước nhà thương Đồn Thủy (bệnh viện Hữu Nghị hiện nay), trước Trường Hàng Kèn (phố Quang Trung), đường Gambetta (phố Trần Hưng Đạo) còn bị các cầu thủ ngăn lại làm nơi đá bóng. Sân Nhà Dầu (gần kho xăng dầu của hãng Shell - nay là sân Long Biên), sân Mangin (sân Cột Cờ), sân Septo (sân Hàng Đẫy) luôn thu hút khán giả tới xem khi các đội Hà Nội thi đấu với các đội tỉnh bạn.

Hà Nội lúc đó có những ông bầu nuôi đội bóng, nhưng cũng có nhiều cầu thủ vừa tham gia đội chính thức, vừa rủ nhau đi đá khắp nơi như dạng bóng đá phủi ngày nay.

Tòa Đốc lý thấy thanh niên Hà Nội mê mải với trái bóng tròn nên thành lập đội bóng thuộc quyền quản lý của Sở cẩm (Ph. Commissariat de Police). Đội bóng khi đấy có các thủ môn Nghĩa, A Loóc, các cầu thủ Bùi Nghẽn, Lưu Đình Tòng, Nguyễn Huy Luyến, Nguyễn Thưởng, Nguyễn Văn Thìn A, Bùi Hợi, Vũ Hợi, Tuất, Phú Tí…

Năm 1954, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa tiếp quản thành phố Hà Nội. Các ông bầu có “máu mặt” và một số cầu thủ đã theo quân Pháp di cư vào Nam. Chính quyền thành phố khi đó chưa kịp lập các đội bóng thì những người đam mê bóng đá đã tự phát thành lập các đội bóng ở một vài khu phố.

Đội bóng Hoàng Diệu là đội mạnh nhất, quy tụ anh tài Hà Nội và gần như cả đội hình đội Cảnh binh hồi Pháp tạm chiếm.

Ông Huy Khôi cũng tham gia đội Hoàng Diệu, vừa làm cầu thủ vừa làm trọng tài. Đội Hoàng Diệu sau năm 1954 có thêm một số thanh niên Hà Nội tham gia như ông Phan Đức Âu, Nguyễn Mạnh Cường… (Khi giải nghệ, ông Phan Đức Âu liên tục phụ trách thể thao của Sở Công an Hà Nội đến ngày về hưu). Giai đoạn này do chính quyền còn bộn bề với việc tiếp quản Thủ đô, các ông bầu đã di cư vào Nam nên đội Hoàng Diệu chỉ tập chay hoặc đấu giao hữu với các đội bóng cùng thành phố như Trần Hưng Đạo, Ngọc Hà…

Năm 1956, thành lập đội bóng Công an Hà Nội, Chủ tịch Trần Duy Hưng bàn với Bộ Công an, đặc cách tuyển dụng những người đá bóng giỏi ở đội Cảnh binh thời Pháp, đang đá cho đội Hoàng Diệu.

Năm 1959, Bộ Nội vụ có công văn nhắc nhở Hà Nội trong công tác sử dụng viên chức lưu dung. Những cầu thủ từng ở đội bóng Cảnh binh thời Pháp nằm trong nhóm 6866 người thuộc loại chuyên môn kỹ thuật, được chiếu cố, nhưng rất nhiều người đã chủ động xin điều chuyển khỏi ngành công an.

Ông Tòng “cháy”, do được mệnh danh là Quái kiệt Bắc kỳ và là cầu thủ số một trong đợt bầu chọn đầu tiên tại Hà Nội nên Sở Công an Hà Nội tìm mọi cách thuyết phục để giữ lại. Số khác về công tác ở Sở Thể dục Thể thao Hà Nội. Một số giải nghệ, làm công chức nhà nước hoặc làm giáo viên thể dục trong các trường học.

Năm 1957, đội Hoàng Diệu chuyển nốt các cầu thủ như Vũ Trọng Bích tức Bảy, Vũ Quang Minh, Nguyễn Văn Quỳ, Thắng, Mùi… cho đội Tổng cục Đường sắt. Lứa trẻ hơn của đội Hoàng Diệu chuyển giao cho ông Nguyễn Huy Khôi và ông Lê Mai để thành lập đội Thanh niên Hà Nội.

Ban đầu thành lập đội, ông Huy Khôi mượn thêm quân từ đội Công an Hà Nội. Đội hình Thanh niên Hà Nội thế hệ đầu có ông Đăng Thịnh làm đội trưởng. Cầu thủ là các ông Sinh (TM), Tòng “cháy”, Âu, Trần Cát, Liệu, Thư, Thắng, Tiến, Đức, Thúy, Khánh “gỗ”, Long, Sơn “min”…

Tháng 5/1960, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Trần Duy Hưng lập Hội Bóng đá Hà Nội và sắp xếp cải tổ đội Thanh niên Hà Nội.

Ban huấn luyện của đội có 4 người là các ông: Nguyễn Huy Luyến, Nguyễn Thưởng, Trần Cát, Trịnh Quang Hiển.

Trụ sở ban đầu của đội ở Nhà thuyền Hồ Tây. Sau chuyển về bãi Nghĩa Dũng rồi về Quần Ngựa, nơi có trường Văn hóa - Thể thao Hà Nội do ông Huy Khôi làm Hiệu trưởng.

Những thành viên đội Thanh niên Hà Nội thế hệ 2 gồm có: Nguyễn Văn Thi “voi”, Trần Lê Quang, Ngô Văn Chi, Hồ Văn Đống (học sinh miền Nam tập kết), Trần Hùng (Hùng “xồm”), Nguyễn Huy Hinh, Đỗ Mạnh Hùng, Cao Quý Vinh, Phạm Hồng Linh, Lê Văn Thủy, Hạ Đức Trường, Nguyễn Duy Thìn, Hoàng Phúc Thắng, Vũ Khắc Bảo, Vũ Tự Chế, Ngô Tôn Kinh.

Tiếp sau là các ông Nguyễn Văn Hai (Hai “voi”), Nguyễn Ngọc Điệp, Đỗ Văn Chi, Lê Văn Đặng, Nguyễn Cường Học, Nguyễn Minh Quang, Đinh Văn Viết, Phạm Văn Hách, Nguyễn Quang Hùng, Nguyễn Ngọc Đỗng, Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn), Nguyễn Cao Cường, Bùi Ngọc Chi, Nguyễn Sỹ Hưng (nay là Trưởng ban liên lạc Hội cựu cầu thủ Thanh niên Hà Nội) và còn nhiều danh thủ khác.

Đội Thanh niên Hà Nội từng vượt qua các đội bóng sừng sỏ tại miền Bắc, đoạt Cúp vô địch Giải bóng đá Mùa Xuân hữu nghị 1962.

Liên tục từ năm 1954 đến ngày giải thể hồi cuối năm 1969, đội Hoàng Diệu và sau này là đội Thanh niên Hà Nội là nguồn cung cấp cầu thủ chủ yếu cho các đội bóng Thủ đô và toàn miền Bắc. Mô hình đào tạo này về sau tiếp tục được Sở Thể dục Thể thao và các ông Luyến, Thưởng duy trì ở đội Thiếu niên Hà Nội trên sân Long Biên. Có nhiều đội bóng do có “quan hệ tốt” đã được Sở Thể dục Thể thao Hà Nội chuyển giao cả lứa đào tạo.

Hàng năm ông Nguyễn Sỹ Hưng và đồng đội đều tổ chức gặp mặt các lão tướng Thanh niên Hà Nội. Những dịp gặp mặt đông vui này giống như gala của bóng đá Việt Nam. Từ “Bệ phóng” Hoàng Diệu và Thanh niên Hà Nội, những danh thủ như Tòng “cháy”, Hùng “xồm”, Hai “voi”, Ba Đẻn, Cao Cường, Điệp “lùn”, Đặng “cóc”… đã vụt sáng trở thành những huyền thoại của bóng đá Việt Nam.

Hồ Công Thiết / Tri thức trẻ Books - NXB Thông tin và Truyền thông

SÁCH HAY