Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Hóa thân' - Một thế kỷ chinh phục thế giới

Xuất bản năm 1915, tác phẩm "Hóa thân" (tên gốc: Die Verwandlung) được xem là một trong những tuyệt tác đáng chú ý nhất của Franz Kafka.

Khắc họa một nỗi đau bi thiết

Hóa thân là câu chuyện xoay quanh một nhân vật có tên Gregor Samsa, một ngày kia bỗng bị “biến hình” trở thành một con bọ khổng lồ. Trước đó, Gregor Samsa dù không quá hạnh phúc nhưng vẫn là một con người mạnh khoẻ, có ích, là trụ cột của cả gia đình với bố, mẹ và cô em gái. Tuy nhiên, biến cố lớn kỳ quặc đó đã bỗng chốc làm đảo lộn mọi thứ trong cuộc sống của anh. Gregor Samsa đã phải chịu đựng một quãng thời gian dài sống trong bóng tối. sự hắt hủi, niềm ghê tởm và nỗi kinh ghét của những người xung quanh, kể cả người thân của mình.

Cuốn sách được xuất bản tại Việt Nam với tên gọi Hóa thân.

Điều đặc biệt ở Hóa thân là, dù mang trong mình một câu chuyện chứa đầy nỗi thống khổ, Franz Kafka vẫn giữ được cho tác phẩm một thứ văn phong giản dị, súc tích, gọn gàng, miêu tả cảm xúc một cách tinh tế.

Nhà văn không chọn cách "làm quá" cảm xúc mà luôn giữ cho nhân vật của mình một thái độ bình thản với những trường đoạn độc thoại nội tâm đầy chất triết lý. Và điểm đặc biệt là, dù lựa chọn một biến cố khá kỳ lạ và gây nhiều tò mò để làm nền tảng cho cả câu chuyện, nhưng Franz Kafka chưa bao giờ giải thích rõ ràng về sự hóa thân của nhân vật này. Có lẽ, ông biết rằng với một tác phẩm mang tính khái quát thời cuộc cao độ như Hóa thân thì những câu hỏi như tại sao, cái gì, làm thế nào… đôi khi không còn thực sự quan trọng nữa. Lý do và nguyên nhân rốt cuộc cũng chỉ là những thứ đã qua, và điều đáng chú ý nhất chính là những hậu quả nằm đằng sau nó.

Tranh cãi về dịch thuật

Trong Hóa thân, nhà văn Franz Kafka đã miêu tả nhân vật của mình biến thành một loài Ungeziefer. Từ này thường được nhiều dịch giả dịch là côn trùng, tuy nhiên, nghĩa chính xác lại không thực sự là vậy. Trong nhóm tiếng Đức, từ này phải được dịch chính xác là "con vật chưa thanh tẩy, không hợp để hiến tệ", và nên được hiểu là một con bọ, một nhóm sinh vật chung chung chứ không mang tính học thuật như côn trùng.

Có thể thấy, việc sử dụng từ Ungeziefer hoàn toàn là ý đồ của bản thân Kafka, vì ông không muốn gọi tên con vật ấy ra một cách cụ thể, ông chỉ muốn truyền tải một nỗi khiếp sợ một cách mơ hồ đến với độc giả thông qua màn hóa thân của nhân vật của mình.

Phiên bản Die Verwandlung phát hành năm 1916.

Và cũng nhờ phương pháp xây dựng câu chuyện bí ẩn đó mà Kafka đã nêu lên được rất nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội thời đó, nhưng vấn đề mà thậm chí khi đặt trong bối cảnh xã hội hiện đại vẫn hoàn toàn chính xác. Đó chính là sự chế ngự của đồng tiền, nghĩa vụ của gia đình, sự xa lạ của người thân, cảm giác tội lỗi, sự cầm tù và sự giải thoát và nỗi đau khi đánh mất nhân dạng...

Sống mãi với thời gian

Tính đến nay, Hóa thân đã có đúng 100 năm ra đời và chinh phục hàng triệu độc giả lẫn các nhà phê bình khó tính trên khắp thế giới. Nó được đưa vào chương trình giảng dạy, nghiên cứu ở rất nhiều các trường đại học ở phương Tây.  Đồng thời, Hóa thân còn là nguồn cảm hứng bất tận để nhiều nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực khác thể hiện sức sáng tạo của họ. Jan Nemec, Caroline Leaf, Jim Goddard, Steven Berkoff, Carlos Atanes, Fran Estevez... là những nhà làm phim từng chuyển thể một phần hoặc trọn vẹn tác phẩm này lên màn ảnh rộng.

Nhiều cây bút khác của văn đàn châu Âu hay Mỹ cũng thường mượn Hóa thân để dùng làm hình tượng phát triển nhân vật hay nội dung quyển sách của họ. Và dĩ nhiên, Hóa thân còn lên cả sân khấu opera với nhiều phiên bản của các năm như 1983, 2006, 2009... Và mỗi khi tác phẩm này "lên sóng", dù ở bất cứ lĩnh vực nào, nó đều thu hút đông đảo sự chú ý của nhiều khán giả hơn bất cứ tác phẩm nào khác.

Tác giả Franz Kafka (1883-1924)

Franz Kafka đã mất vào năm 1924, để lại gia tài văn chương vô cùng đặc sắc và độc đáo. Tuy nhiên, khi nhắc đến tên ông, người ta vẫn nhắc đến Hóa thân đầu tiên, bởi nó là biểu tượng của một dòng văn chương viết về nỗi đau kiệt xuất không gì có thể vượt qua.

Tuyết Tùng

Bạn có thể quan tâm