Tuần rồi, một nhóm nhà nghiên cứu công bố phát hiện của họ trên bản tin Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên và Khoa học New Mexico. Theo đó, hoa thạch cá mập “Godzilla" 300 triệu năm tuổi khai quật ở New Mexico, Mỹ vào năm 2013 là một loài riêng biệt. Nó được đặt tên là Dracopristis hoffmanorum, AP đưa tin ngày 17/4.
Qua nghiên cứu hàm răng của con cá mập, nhà cổ sinh vật học John Paul Hodnett - thuộc Công viên Khủng long thuộc Ủy ban Quy hoạch và Công viên Thủ đô Quốc gia Maryland - và các đồng nghiệp xác định nó thuộc nhánh cá mập Ctenacanth đã tuyệt chủng vào khoảng 330 triệu năm trước. Ctenacanth là họ hàng với những con cá mập và cá đuối hiện đại.
Các nhà khoa học đã sử dụng một kỹ thuật chiếu đèn đặc biệt để quan sát 12 hàng răng hàm dưới của con cá mập vốn bị che bởi các lớp trầm tích sau khi khai quật.
Anh Hodnett - người khai quật những hoá thạch đầu tiên của con cá mập vào năm 2013 - mô tả: "Hàm răng của con cá mập cổ đại này trông giống như hàng ngọn giáo vuông vắn, ngắn và sắc nhọn. Hàm răng của nó rất thích hợp để cắn và nghiền nát con mồi thay vì đâm xuyên qua nó”.
Một cái răng hàm dưới của con cá mập rồng Hoffman 300 triệu năm tuổi, được khai quật vào năm 2013 tại New Mexico, Mỹ. Ảnh: AP. |
Các nhà khoa học đã đặt tên cho con quái vật dài 2 m này là Dracopristis hoffmanorum (nghĩa là "con cá mập rồng của Hoffman"), thay vì cá mập “Godzilla” như trước đây. Cái tên này cũng nhằm vinh danh gia đình Hoffman - chủ vùng đất nơi tìm thấy các mẫu hóa thạch.
Trước đây, khu vực phía đông New Mexico được bao phủ bởi biển kéo dài đến tận Bắc Mỹ. Anh Hodnett và các đồng nhiệp tin rằng cá mập rồng Hoffman thường sống ở khu vực nước nông, dọc theo bờ biển này. Thức ăn của chúng là các loài giáp xác, cá và thậm chí các loài cá mập khác.
Vùng sa mạc cao nguyên ở New Mexico cũng được cho là khu vực có thể tìm thấy nhiều hóa thạch các loài khủng long bạo chúa, nơi từng là một khu rừng nhiệt đới cách đây hàng triệu năm.