Ông Trần Đình Long cho biết Hòa Phát đã đầu tư 75.000 tỷ đồng vào dự án Dung Quất 2, chỉ tính riêng tài sản cố định. Ảnh: Việt Hùng. |
Sáng 30/3, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã tổ chức phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 để trình cổ đông thông qua các kết quả kinh doanh đã đạt được năm 2022 và kế hoạch kinh doanh trong năm 2023.
Tại phiên họp lần này, HĐQT Hòa Phát vẫn giữ nguyên kế hoạch kinh doanh đã được đưa ra hồi cuối tháng 2 với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 150.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn 8.000 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ biên lãi thuần 5,33%.
Dự báo năm suy giảm lợi nhuận thứ 2 liên tiếp
So với năm 2022, kế hoạch doanh thu của Hòa Phát năm nay vẫn tăng 6% nhưng kết quả lợi nhuận lại giảm 5%. Theo kế hoạch này, Hòa Phát sẽ đánh dấu năm suy giảm lợi nhuận thứ hai liên tiếp.
Năm ngoái, doanh nghiệp được mệnh danh là vua thép này ghi nhận 141.409 tỷ đồng doanh thu thuần và 8.444 tỷ đồng lãi sau thuế, thấp hơn nhiều so với kế hoạch 160.000 tỷ đồng doanh thu và 25.000-30.000 tỷ đồng lợi nhuận.
Cũng theo tài liệu họp cổ đông, HĐQT Hòa Phát đề xuất giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau trích quỹ để bổ sung vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng nghĩa với việc không trả cổ tức năm 2022. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long không chia cổ tức kể từ khi niêm yết. Trước đó, công ty này vẫn đều đặn trả cổ tức với tỷ lệ 20-50%/năm.
Tại phiên họp, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, cho biết năm 2022 ngành thép Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đã trải qua giai đoạn rất khó khăn, cũng là chu kỳ suy thoái chung của ngành thép. “Tại đại hội năm ngoái tôi đã dự báo những khó khăn này rồi nhưng cũng không ngờ tình hình còn xấu hơn cả mình dự báo”, ông Long chia sẻ.
Trong bối cảnh khó khăn chung toàn ngành, ông Long cho rằng cần nhìn nhận kết quả kinh doanh mà Hòa Phát đã đạt được là không tồi. Thậm chí, dưới một số góc độ thì kết quả này có thể đánh giá là tốt vì đã vững vàng vượt qua khó khăn và vẫn có lợi nhuận.
Ông Trần Đình Long cho biết kết quả kinh doanh của Hòa Phát trong tháng 1 và 2 vẫn ghi nhận thua lỗ. Ảnh: Quang Thắng. |
“Nhiều cổ đông ở đây cũng là cổ đông của các công ty thép khác và các ngành khác. Nếu cổ đông để ý thì lợi nhuận của Hòa Phát năm vừa qua có thể bằng hoặc hơn lợi nhuận của tất cả công ty thép khác trên sàn cộng lại”, ông Long nói thêm.
Đã đầu tư 75.000 tỷ đồng vào dự án Dung Quất 2
Lý giải về kế hoạch không chia cổ tức, tỷ phú Trần Đình Long cho biết HĐQT Hòa Phát đã cân nhắc rất kỹ khi đưa ra kế hoạch này. Nguyên nhân đến từ việc tập đoàn đang phải tập trung toàn bộ nguồn lực cho dự án Dung Quất 2 để tăng sản lượng lên 15 triệu tấn thép/năm.
Hiện tại, Hòa Phát đã hoàn thành toàn bộ công tác đàm phán, ký kết với các nhà thầu. Tính riêng giá trị tài sản cố định, Hòa Phát đã đầu tư 75.000 tỷ đồng vào dự án này, tương đương trên 3 tỷ USD. “Đây chỉ là tài sản cố định, khi dự án đi vào hoạt động thì cần 25.000-30.000 tỷ đồng vốn lưu động nữa. Như vậy tổng quy mô đầu tư cho dự án này vào khoảng trên 100.000 tỷ đồng”, tỷ phú Long nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Hòa Phát, không chỉ trong ngành thép, hiện toàn thị trường Việt Nam không có nhiều dự án mang quy mô hơn 3 tỷ USD, do đó tập đoàn phải tập trung cao độ cho dự án này. Đặc biệt là việc Hòa Phát đang tự làm dự án Dung Quất 2 mà không cần bất kỳ sự tham gia của nhà đầu tư ngoại nào.
Giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua, tương lai triển vọng là tốt, nhưng sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào cầu thị trường
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát
“Trên cơ sở đó, HĐQT, Ban điều hành đánh giá nhu cầu vốn năm 2023 và các năm sau là rất lớn. Do đó phải tập trung toàn lực cho dự án nên quyết định không chia cổ tức tiền mặt, thứ nhất là do không đúng định hướng, thứ hai là không có nguồn để chia”, ông Long chia sẻ.
Chủ tịch Hòa Phát cho biết thêm với quy mô doanh thu hiện tại của Hòa Phát vào khoảng 150.000 tỷ đồng. Đến cuối năm 2024 và đầu năm 2025 khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động có thể giúp doanh thu của tập đoàn tăng thêm 80.000-100.000 tỷ đồng nữa và đây là cơ hội rất lớn.
“Giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua, tương lai triển vọng là tốt, nhưng sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào cầu thị trường. Hiện tại thì cầu thị trường quá thấp, không chỉ ngành thép mà còn nhiều ngành khác”, ông Long nhấn mạnh.
Cập nhật về kết quả kinh doanh năm nay, Chủ tịch Hòa Phát cho biết do nhu cầu toàn thị trường thấp, nên kết quả kinh doanh tháng 1 và 2 của tập đoàn vẫn ghi nhận lỗ. Tuy vậy, mức lỗ này thấp hơn so với kế hoạch đã đề ra. Trong tháng 3, nhờ giá bán thép tăng nên kết quả đã cải thiện.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.