Trong đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ 2015 diễn ra ngày 21/12 tại Mỹ, Hoa hậu Colombia Ariadna Gutierrez dã trải qua 2 thái cực của cảm xúc chỉ trong vòng 2 phút: hạnh phúc đến rơi nước mắt khi được tôn vinh là người phụ nữ đẹp nhất và ê chề khi bị tước vương miện trước sự chứng kiến của hàng chục triệu khán giả trên khắp thế giới vì MC công bố nhầm tên Hoa hậu.
Tuy nhiên, có lẽ những gì mà Ariadna Gutierrez phải trải qua vẫn chưa là gì so với Hoa hậu Iraq Shaima Qassem Abdulrahman.
Hoa hậu Iraq 2015 Shaima Qassem Abdulrahman. Ảnh: Reuters |
Đăng quang ngày 19/12, Abdulrahman là Hoa hậu đầu tiên của quốc gia Tây Á sau 43 năm gián đoạn.
Đó là một cuộc thi hoa hậu khác xa với hình dung của phần còn lại của thế giới. Ở đó, các thí sinh đều mặc trang phục "kín cổng cao tường", không có giày cao gót, không có phần thi bikini.
Trang NBC News cho biết, hơn 150 người đã đăng ký tham gia cuộc thi mà theo lời ban tổ chức là cơ hội "kiến tạo cuộc sống ở Iraq" và "hồi sinh đất nước của chúng tôi" sau hàng chục năm đổ máu và lục đục nội bộ. Dẫu vậy, theo Reuters, có 15 thí sinh đã phải bỏ thi và ít nhất 2 trong số đó bị dọa giết.
Và ngày hôm qua, 22/12, Abdulrahman đã nhận được một cuộc điện thoại với nội dung đe dọa cô nên gia nhập lực lượng Nhà nước hồi giáo tự xưng IS nếu không sẽ bị bắt cóc.
Tuy nhiên, Abdulrahman đã chứng tỏ cho mọi người thấy tại sao cô xứng đáng với chiếc vương miện ở thời điểm nhạy cảm như thế này.
"Tôi muốn chứng minh phụ nữ Iraq cũng có vị trí trong xã hội này và có đầy đủ quyền như đàn ông. Tôi không sợ gì vì tôi tin những gì mình làm không sai trái" - Abdulrahman trả lời trên NBC News.
Shaima Qassem Abdulrahman khẳng định không sợ bất kỳ sự đe dọa nào. Ảnh: Reuters |
Để đảm bảo an ninh, đêm chung kết của cuộc thi cũng đã được chuyển từ Barsa đến Baghdad. Ban tổ chức cho biết, cộng động người Hồi giáo Sunni của Iraq buộc tội họ cổ vũ cho chủ nghĩa phục quốc Do Thái.
Shaima Qassem Abdulrahman hiện là sinh viên kinh tế, đến từ thành phố Kirkuk. Cô gái 20 tuổi khẳng định Hoa hậu Iraq không đơn thuần là một cuộc thi sắc đẹp và cũng không phải là một buổi trình diễn thời trang mà là sự kiện phản ánh văn hóa Iraq.
Abdulrahman cho rằng Iraq thực sự cần những hoạt động văn hóa như cuộc thi hoa hậu sau tất cả những biến động mà đất nước đã phải trải qua.
Cũng như phần lớn người dân Iraq, Abdulrahman cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình trạng bạo lực mà IS gây ra. 2 người em họ của Abdulrahman đã phải bỏ mạng trong cuộc chiến chống lại phiến quân.
5 trong số các thí sinh hoa hậu buộc phải tìm nhà mới sau khi IS tàn phá thành phố Mosul.
Theo tạp chí Nina Iraq, quốc gia Tây Á này từng có lịch sử tổ chức các cuộc thi sắc đẹp. Thập niên 1930, phụ nữ tranh tài trong các sự kiện hàng tháng như Hoa hậu Baghdad hay Nữ hoàng nhan sắc của Baghdad.