Nghiên cứu của báo Guardian tập trung vào nhu cầu sử dụng nước sạch và chi phí xử lý nước thải tại 12 thành phố lớn của Mỹ. Theo đó, hoá đơn tiền nước tăng trung bình 80% trong giai đoạn 2010-2018 trong khi 2/5 cư dân thành thị phải chi tiêu tiền nước quá mức cho phép.
Nghiên cứu còn chỉ ra tác động của cuộc khủng hoảng nước sạch trong bối cảnh già hoá dân số, giá dầu tăng nhanh, thay đổi khí hậu và nhân khẩu học tại Mỹ. Ngoài ra, tầm quan trọng của nước cũng được nhấn mạnh giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Nước sạch chỉ dành cho người giàu?
Bản báo cáo dài 88 trang của nhà phân tích chuyên về vấn đề nước sạch, Roger Colton, mới được công bố vào ngày 24/6. Đây là thành quả chung của tờ The Guardian, tổ chức Báo cáo Tiêu dùng và nhiều đối tác liên quan.
Tiền nước tại thành phố Austin của bang Texas ghi nhận mức tăng cao nhất. Ảnh: Getty. |
“Nhiều người dân đang gặp rắc rối lớn, nhất là những người nghèo khổ”, Roger Colton cho biết. “Dữ liệu cho thấy nhiều hộ gia đình không có khả năng chi trả tiền nước. Đây là một vấn đề chưa từng xuất hiện trong quá khứ”.
Cụ thể, nghiên cứu trong giai đoạn 2010-2018 cho thấy hoá đơn tiền nước có mức tăng ít nhất là 27%. Mức tăng nhiều nhất, 154%, được ghi nhận tại thành phố Austin của bang Texas, nơi có tiền nước trung bình năm tăng từ 566 USD lên 1.435 USD trong 8 năm.
Nguồn viện trợ liên bang cho các công trình cấp nước sạch cũng bị cắt giảm mạnh trong khi hiểm hoạ về môi trường, khí hậu và các chi phí khác liên tục tăng.
“Cuộc khủng hoảng nước sạch sẽ đe doạ mọi mặt của cuộc sống. Nước không phải là một mặt hàng xa xỉ dành riêng cho người giàu”, nhà vận động Mary Grant của tổ chức Food and Water Watch bình luận về kết quả nghiên cứu.
Mất nhà vì không đóng tiền nước
Tại Washington DC, 90 thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đang thúc đẩy cải cách toàn diện nhằm đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân.
Song nghiên cứu trên nhận định tình trạng khan hiếm nước đang trở nên nghiêm trọng hơn, khiến người dân không thể cầm cự dù có thêm nhiều dự luật.
Vào năm 2030 tại thành phố Austin của bang Texas, khoảng 4/5 cư dân có thu nhập thấp sẽ không thể chi trả nếu tiền nước tiếp tục tăng như hiện tại.
Tại bang Arizona, Tucson cũng là một thành phố chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của nạn hạn hán. Trong giai đoạn 2010-2018, số cư dân không trả được tiền nước tăng gấp đôi, đạt mức 46%. Cũng trong khoảng thời gian này, hoá đơn nước tăng 119%, đạt mức trung bình 869 USD.
Jarome Montgomery, 48 tuổi, là một tài xế lái xe tải ở Cleveland. Ảnh: The Guardian. |
New Orleans, Santa Fe và Cleveland ghi nhận tình trạng chi phí không tương xứng với thu nhập của người dân. Cụ thể, khoảng 3/4 người dân có thu nhập thấp lại sống trong các khu dân cư có chi phí sinh hoạt cao.
Trong bối cảnh phí sinh hoạt tăng nhanh và đồng USD mất giá, nhiều người chọn cách thế chấp nhà cửa, dẫn đến nguy cơ bị tịch thu nhà vĩnh viễn.
Jarome Montgomery, 48 tuổi, là một tài xế lái xe tải ở Cleveland. Không muốn nhà riêng bị tịch thu, ông Montgomery phải vay mượn khắp nơi để trả tiền nước.
Kể từ năm 2013, hoá đơn nước của ông Montgomery đã lên đến 30.000 USD, chưa kể 5.000 USD tiền lãi và phí xử lý nước thải.
“Tôi đã hoàn thành 2 giai đoạn thanh toán mà vẫn bị tịch thu nhà. Dường như họ cố tình đuổi tôi ra ngoài đường”, ông Montgomery chia sẻ. “Tôi không hề dùng hết 30.000 USD tiền nước nhưng tôi đã lâm vào thế khó. Tôi không muốn mất nhà nên phải cố trả hết thôi”.
Nước sạch là vấn đề của người nghèo?
Cũng theo nghiên cứu này, trung bình cứ 20 hộ gia đình thì có 1 hộ bị cắt nước vì không chi trả sinh hoạt phí. Điều này đồng nghĩa với việc hàng triệu người Mỹ phải sống trong điều kiện thiếu thốn các nhu cầu cơ bản.
"Người ta thường nghĩ khan hiếm nước là vấn đề của người nghèo", nữ nghị sĩ Brenda Lawrance. Ảnh: AP. |
Tại Freightpring thuộc bang Tennessee, vợ chồng Bobby và Deborah O’Barr sống thiếu nước sạch từ năm 2013. “Chúng tôi không đủ tiền để mua đồng hồ đo lưu lượng nước. Không ai quan tâm đến chúng tôi”, Deborah cho biết gia đình bà thường dùng nước mưa để sinh hoạt.
Theo Greg Kail của Hiệp hội Công trình Nước sạch Mỹ (AWWA), các nhà cung cấp hiểu được gánh nặng của người dân trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành và chi phí sinh hoạt gia tăng.
Ông Kail cho biết AWWA “muốn tìm ra giải pháp để hỗ trợ người dân, đồng thời trở thành cấp quản lý hệ thống nước sạch có trách nhiệm”.
Bình luận về nghiên cứu của The Guardian, ông Kail nhận định tình trạng khan hiếm nước sạch chưa được giải quyết triệt để song các cơ quan “đã có nhiều nỗ lực”. Ông lấy ví dụ về việc nhiều doanh nghiệp cấp nước tăng mức hỗ trợ từ 60% lên 80% trong năm nay.
Brenda Lawrance, nữ nghị sĩ đảng Dân chủ đại diện cho bang Michigan, nhận định: “Quyền sử dụng nước sạch chưa từng được ưu tiên trong chính sách phát triển quốc gia. Người ta thường nghĩ khan hiếm nước là vấn đề của người nghèo. Chúng ta cần thay đổi suy nghĩ này và đảm bảo an ninh nước sạch cho người Mỹ”.