Dù lần thứ 2 trả tiền điện theo mức giá mới, nhưng tháng 5 lại là tháng đầu tiên người tiêu dùng chi trả hoàn toàn cho hóa đơn điện tăng 7,5%, do giá mới áp dụng vào giữa tháng 3/2015.
Chị Hoài Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, tháng đầu tiên áp dụng hoàn toàn cách tính và giá mới, chị đã chuẩn bị tâm lý trả tiền điện cao hơn. Tuy nhiên, khi nhận hoá đơn tháng 5, chị phát hoảng với số tiền đóng gần 900.000 đồng, trong khi tháng trước gia đình chị chỉ trả gần 550.000 đồng.
"Tháng trước, tiền điện được tính theo một nửa giá mới, còn lại là giá cũ, mà đã tăng 15%. Đến tháng này, số tiền phải trả gần gấp đôi, khiến tôi thấy sợ mỗi khi dùng điện", chị Thanh nói.
Cũng như chị Thanh, anh Long, chủ quán giặt là khô kiêm giải khát ở chợ Mễ Trì Thượng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, tiền điện tháng này của cửa hàng phải đóng tăng hơn gấp rưỡi so với trước. Theo anh Long, những tháng trước khi tăng giá, anh chỉ đóng khoảng 1 triệu đồng. Riêng tháng này, anh phải trả thêm 600.000 đồng.
Nhiều người bất ngờ khi cầm hoá đơn tiền điện sau khi áp dụng hoàn toàn cách tính mới. |
Bắt đầu từ giữa tháng 3, giá điện tăng từ 1.508,85 đồng/KWh lên 1.622,01 đồng/kWh, vợ chồng anh Nguyễn Thế Duy ở Nam Từ Liêm cũng bày cách sử dụng tiết kiệm điện: nấu nướng sử dụng bếp ga, hẹn giờ máy giặt vào ban đêm, rút tất cả các thiết bị điện như tivi, đèn, quạt khi ra khỏi nhà... Tuy nhiên, khi nhận được hóa đơn tháng 5, anh chị không khỏi sốc.
Anh cho biết, gia đình có 2 vợ chồng và con nhỏ, chỉ sinh hoạt vào buổi tối. Nấu nướng sử dụng hoàn toàn bếp ga, chỉ có 1 chiếc tivi, sạc điện thoại, quạt và tủ lạnh. Các tháng trước, mức dùng điện trong gia đình không chênh nhiều. "Tuy nhiên tháng này, tiền điện tôi phải trả tăng lên gần 20% chứ không phải 7,5% như thông báo", anh Duy bức xúc.
Không chỉ các hộ gia đình mà người kinh doanh cũng "run tay" khi thanh toán tiền điện tháng này. Anh Trung, chủ quán cà phê và bán hàng tiêu dùng trên đường Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, giá điện các tháng trước là 1.900 đồng/kWh, mỗi tháng anh đóng khoảng 1 triệu đồng. Tháng này mức sử dụng tương đương, hoá đơn tăng lên gần 2 triệu đồng.
"Giá cà phê, hàng hoá không dám tăng, tiền thuê mặt bằng nửa năm tăng một lần, tiền điện lại phải trả cao gấp đôi. Kinh doanh khó khăn chồng khó khăn!", anh Trung kể khổ.
Chủ quán cà phê này cũng cho rằng, ngoài việc tăng giá thì cách tính mới là nguyên nhân khiến hoá đơn tiền điện của các hộ gia đình và kinh doanh tăng đột biến. Theo anh, hầu hết ở cơ quan Nhà nước hay kinh doanh tư đều có khung giờ làm việc giống nhau. Giờ cao điểm là thời gian sinh hoạt bắt buộc của mọi người. "Vì thế, cách tính tiền điện theo bậc và theo khung giờ như quy định của 'nhà đèn' là làm khó dân", anh Trung chia sẻ thêm.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra chiều 27/4, ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục điều tiết Điện lực cho rằng, có 2 nguyên nhân chính khiến hóa đơn tiền điện của người dân tăng đột biến. Ngoài việc tính toán theo giá mới thì thời điểm này, nhu cầu sử dụng của người dân gia tăng.
Khi được hỏi về câu chuyện hóa đơn tiền điện của người dân tăng cao, ông Vũ Quang Hùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội cho rằng, ông không có bất kỳ ý kiến gì về vấn đề này.