Giá thị trường đã nhích theo điện, xăng
Sau mấy ngày “án binh” do độ trễ nhất định, giá hàng hóa bắt đầu có xu hướng điều chỉnh theo chiều tăng. Khảo sát của PV Báo Lao Động ngày 11/5 cho thấy, tiểu thương chợ đầu mối phía Nam Hà Nội cho biết, chi phí vận chuyển tăng đã tác động làm cho giá các mặt hàng thực phẩm nhích nhẹ.
Chị Nguyễn Thị Hương, thương lái đổ buôn thịt lợn tại đây, cho biết: “Thịt lợn hôm nay tăng vài giá so với trước tháng 5. Các thương lái đều điều chỉnh giá để bù vào chi phí tiền xăng. Giá thịt lợn hiện nay duy trì ở mức khoảng 85.000-100.000đồng/kg”.
Giá thực phẩm trên thị trường đã tăng sau đợt tăng giá xăng, điện. |
Các mặt hàng thịt gà và thịt bò, theo các tiểu thương tại chợ, cũng sẽ điều chỉnh nhẹ khoảng vài nghìn một kg. Lương thực, thực phẩm khác như gia vị, đường, bột ngọt, đồ giải khát, mì ăn liền,… cũng trong xu hướng điều chỉnh giá.
Cụ thể, giá đường kính xuất khẩu tăng 1.000 đồng, lên 16.000đồng/kg, một số loại dầu ăn điều chỉnh nhẹ 1.000-3.000đồng mỗi chai (1-5 lít). Do việc điều chỉnh giá bán nhẹ, nên ít gây chú ý cho người tiêu dùng. Nhiều mặt hàng còn bỏ khuyến mãi để giảm chi phí và hạn chế mức tăng giá cao khiến người tiêu dùng “sốc”.
Giá trong siêu thị vẫn được kiểm soát
Theo ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, giá điện, xăng tăng sẽ tác động đến giá cả, nhưng siêu thị sẽ kiểm soát hợp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đến thời điểm này, hàng hóa bán tại các siêu thị Co.opmart vẫn chưa tăng giá bất kỳ mặt hàng nào theo giá xăng. Đồng thời, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op vẫn đang duy trì một lượng hàng bình ổn lớn để điều tiết thị trường.
Mặt khác, chương trình bình ổn giá các mặt hàng tại TP HCM vẫn đang được triển khai, với lượng hàng và nhóm hàng tăng hơn so với các năm trước. Đây sẽ là nhóm hàng giúp bình ổn giá các hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu, sữa bột, dụng cụ học tập, thuốc chữa bệnh cho người tiêu dùng.
Do giá xăng và điện tăng, nhiều mặt hàng sẽ khó giữ giá dù Bộ Tài chính yêu cầu. |
Được biết, một số siêu thị như Big C, Lotte Mart cũng đang giữ giá các mặt hàng. Theo Ban Vật giá Sở Tài chính TP HCM, hiện nay hàng hóa trên địa bàn vẫn ổn định về giá cả, chưa có sự biến động nào do tác động từ việc điện, xăng tăng giá.
Theo Sở Công thương TP.Đà Nẵng, đơn vị đã nhận được chỉ thị của UBND TP về việc tăng cường kiểm tra, không để xảy ra hiện tượng tăng giá các mặt hàng thiết yếu một cách vô lý trên thị trường. Trong thực tế, ngành quản lý thị trường Đà Nẵng cũng đã giữ vững mật độ kiểm tra giá cả các mặt hàng thiết yếu từ các chợ trung tâm, đầu mối sau Tết đến nay. Báo cáo kiểm soát giá của Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, chưa thấy hiện tượng tăng giá các mặt hàng thiết yếu như gạo, rau thịt...
Tuy nhiên, một tiểu thương chợ Hàn (Đà Nẵng) cho biết: “Tương lai không tăng ít cũng tăng nhiều, chứ khó giữ giá hoài như thế này, vì điện nước cùng tăng một lúc. Có thể các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt rau củ… sẽ không tăng ngay, vì thóc lúa, nông sản nông dân vừa mới thu hoạch nên lượng hàng hoá dồi dào”.
Sẽ tăng cường kiểm soát thị trường
Trước áp lực tăng giá từ thị trường, Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí đối với những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, trước hết là đối với các mặt hàng như giá cước vận tải, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá thuốc phòng và chữa bệnh cho người, xi măng, thép xây dựng, thức ăn chăn nuôi, khí dầu mỏ hóa lỏng. Theo đó sẽ giám sát, rà soát chặt chẽ kê khai giá của DN đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá.
Quá trình kiểm tra mức giá kê khai sẽ rà soát chặt chẽ mức giá và yếu tố hình thành giá của kỳ kê khai liền kề trước và mặt bằng giá cả thị trường để hướng dẫn và yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực hiện kê khai giá phù hợp. Kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường.
Về phía DN, theo ông Võ Hoàng Anh, từ đầu năm đến nay giá xăng có 2 lần tăng với tổng cộng gần 3.600 đồng/lít, nên hàng hóa phải tăng giá là điều khó tránh. “Vấn đề là tăng bao nhiêu và tăng vào thời điểm nào sẽ tùy thuộc vào chiến lược và năng lực của từng DN. Nhưng do sức mua không cao nên buộc DN vẫn phải cùng nhau gồng mình giữ giá”, ông Võ Hoàng Anh nhìn nhận.
Đội trưởng Đội chống hàng giả và nhái TP.Hà Nội ông Hoàng Đại Nghĩa khẳng định: “Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh… để ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý, đầu cơ ép giá. Nếu phát hiện vi phạm lực lượng quản lý thị trường sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật”.