Xăng tăng giá. Ngay lập tức, các doanh nghiệp vận tải đánh tiếng rằng đang tính toán, cân nhắc việc tăng giá. Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng khác cũng bày tỏ lo lắng giá cước vận chuyển hàng hóa cũng sẽ tăng lên.
Nhưng, có một thực tế mà các hãng vận tải muốn né tránh là giá bán lẻ của mặt hàng dầu diesel - nhiên liệu để xe tải, xe khách vận hành - đã giữ giá lâu nay.
Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho rằng dù đánh tiếng hay mới là tính toán, cân nhắc thì cũng đã vô lý và đúng kiểu “té nước theo mưa”. Ông nói rằng, ông nắm chắc một điều là hiện nay chỉ có các loại xe taxi dùng xăng, còn các loại xe khách, xe tải, xe container chở hàng, chở khách đường dài đều chạy bằng dầu.
Vì vậy, lần này, “có chăng chỉ có cước taxi tăng giá được, còn cước vận tải hàng hóa, hành khách đường dài thì không” vì đơn giản là dầu diesel không hề tăng giá.
Người tiêu dùng muốn được các doanh nghiệp sòng phẳng trong chuyện tăng - giảm giá cước vận tải. Ảnh: AQ. |
Còn nhớ trước đó, chỉ trong vòng 5 tháng cuối năm 2014, giá các mặt hàng xăng dầu bán lẻ trong nước đã liên tục lao dốc. Trong đó, xăng giảm liên tiếp 12 lần, còn dầu giảm liên tiếp 14 lần với tổng mức giảm trên dưới 30%.
Vậy nhưng, các doanh nghiệp vận tải (taxi, hàng hóa, hành khách đường dài) cứ trì hoãn việc giảm giả. Phải đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, thanh tra, kiểm tra và xử phạt thì mọi chuyện mới tạm chấp nhận được.
Và nhìn suốt thời gian dài nhiều năm qua đã có một mô tuýp quen thuộc giữa giá xăng và cước vận tải. Theo đó, hễ xăng tăng giá là doanh nghiệp vận tải ngay lập tức đánh tiếng rằng tính toán, cân nhắc tăng giá cước. Nhưng khi xăng, dầu giảm giá thì mãi chẳng có ai tính toán hay cân nhắc giảm giá cước. Vì thế mà người tiêu dùng cứ ấm ức, bức xúc.Nói chuyện bức xúc thì lần tăng giá xăng này cũng không tránh khỏi. Bởi lẽ, mức tăng lần này khá lớn, lên đến gần 2.000 đồng/lít xăng, tức hơn 11% so với mức giá cũ. Và mức tăng này đang tạo cơ hội để hàng loạt các doanh nghiệp kinh doah các mặt hàng khác lấy cớ tăng theo. Từ bà hàng rau ngoài chợ đến ông xe ôm đều nói phải tăng giá vì xăng đã tăng.
Thực ra, người tiêu dùng (biết sử dụng Internet, có thông tin) cũng hiểu lần này nếu các cơ quan điều hành không dùng công cụ như giảm thuế, cho tăng mức sử dụng quỹ bình ổn giá thì giá bán lẻ trong nước có thể tăng trên 3.300 đồng/lít. Cứ nhìn vào bảng giá thành phẩm tại Singapore đăng trên các trang tin về xăng dầu hay của Bộ Công Thương là hiểu. Giá các mặt hàng nhiên liệu tăng cả chục đô la Mỹ/thùng.
Vậy nhưng, mức tăng như vừa rồi lại hoàn toàn có thể thay đổi hay điều chỉnh được. Nói như vị phó tổng công ty xăng dầu kể trên thì thực tế có thể khác đi nếu cơ quan điều hành không quá tham vọng, muốn cùng lúc đạt được nhiều mục tiêu (giữ ổn định giá xăng dầu, kéo lạm phát xuống mức thấp, người dân ăn Tết Nguyên đán thoải mái, vui tươi) trong khi giá xăng dầu thì khó đoán định.
Ông cho rằng, nếu như ngay từ thời điểm trước Tết Nguyên đán vừa rồi, khi giá xăng dầu thành phẩm tăng trở lại sau nhiều tháng lao dốc, khi tâm lý người dân còn khá thoải mái với chuyện xăng cộ thì cơ quan điều hành hoàn toàn có thể cho tăng giá với mức tăng không quá lớn và người tiêu dùng có thể chấp nhận.
Tương tự, các lần sau đó, cũng nên sử dụng đồng thời các công cụ là vừa giảm thuế, cho sử dụng quỹ bình ổn giá cũng như tăng giá bán lẻ để giá tăng ở mức người tiêu dùng dễ chấp nhận, không gây sốc cho thị trường, tránh tình trạng tăng giá dây chuyền chứ không phải cứ "giữ nguyên giá bán lẻ" và dùng quỹ bình ổn giá để bù đắp như thời gian vừa qua.
Vì làm cách đó, cứ để giá “dồn ứ” nên giá cơ sở (hình thành bởi giá nhập khẩu, thuế, phí… ) tăng hơn 7% (chính xác là 19%) khiến quyền quyết định giá bán lẻ cuối cùng không nằm trong tay cơ quan điều hành trực tiếp (là Tổ liên hành điều hành giá bán lẻ xăng dầu thuộc liên bộ Công Thương – Tài chính) hay các doanh nghiệp đầu mối theo quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu mà phải có ý kiến của Thủ tướng.
Một nghị định vốn được kỳ vọng sẽ mang đến sự thay đổi cho thị trường xăng dầu như Nghị định 83 (giá trong nước sát với diễn tiến giá thế giới nhờ giá cơ sở lấy giá bình quân 15 ngày chứ không phải 30 ngày như trước đây) cuối cùng chỉ được vận hành phân nửa. Kết quả là, thị trường xăng dầu vẫn là “thị trường có sự quản lý của nhà nước”.
Và người tiêu dùng cứ bức xúc vì giá xăng tăng nhiều, giảm ít (vì họ chỉ nhớ những gì ấn tượng như kiểu xăng tăng 2.000 đồng/lít chứ ít khi nhớ những lần giữ giá xăng dầu, cho sử dụng quỹ bình ổn để bù lỗ)…
Việt Nam luôn mong muốn các nền kinh tế lớn trên thế giới công nhận mình là nền kinh tế thị trường. Muốn được vậy, xem ra, cần rất nhiều sự thay đổi trong tư duy lẫn hành động, của rất nhiều người. Có theo thị trường thực sự thì mới không để xảy ra chuyện hàng hóa "té nước" theo giá xăng, người dân cũng không khổ sở, bức xúc...