Trong bối cảnh đó, các nhóm hàng khác đang lăm le muốn nhân cơ hội này để tăng giá. Lập luận chung của doanh nghiệp kinh doanh trong các nhóm hàng này là phải tăng cho tương xứng với mức tăng của xăng dầu.
Không ai còn nhớ trước đó, tính hết cả các lần giảm do sức ép từ cơ quan quản lý và người tiêu dùng, tổng mức giảm của họ chưa bao giờ theo kịp mức giảm giá nhiên liệu.
Giá cước vận chuyển giảm không tương xứng so với những lần giảm giá xăng trước đây. Trong ảnh: Vận chuyển hàng nông sản tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP HCM). |
Lấy ví dụ với cước taxi. Theo giám đốc một doanh nghiệp taxi, doanh nghiệp của ông và các đơn vị khác trong Hiệp hội Taxi TP HCM hiện vẫn áp dụng mức cước cũ, song đang cân nhắc tăng tương ứng sau khi giá xăng tăng.
“Theo tôi biết, các hãng đã dự trù cho khả năng tăng giá, với mức tăng tầm 500 đồng/km hoặc nhiều hơn”, vị giám đốc doanh nghiệp này cho hay.
Hiện cước taxi tại TP HCM phổ biến ở mức 15.000 đồng/km với xe 4 chỗ, 16.000 đồng/km với xe 7 chỗ một dàn lạnh và 17.000 đồng/km với xe 7 chỗ hai dàn lạnh.
Nhưng chỉ vì xăng tăng 3.560 đồng/lít từ đầu năm tới nay mà tăng giá cước thêm hơn 500 đồng là chưa hợp lý, nếu nhìn lại mức giảm trước đây. Khi đó, sau ba đợt giảm, cước taxi của các hãng lớn đã hạ được 1.500 đồng/km. Cụ thể, cước taxi của Vinasun loại 4 chỗ từ 16.500 đồng cho kilômet đầu tiên đã xuống còn 15.000 đồng. Tổng mức giảm tương đương 9,09%.
Trong khi đó, từ đỉnh cao tháng 7/2014, xăng dầu trong nước đã giảm từ 25.640 đồng/lít xuống còn 15.670 đồng/lít vào cuối năm 2014, tương đương giảm 38,9%. Theo tính toán của giới trong ngành, xăng dầu chiếm khoảng 39% giá thành cước taxi, và giá thành cước taxi chưa tới 13.000 đồng/km. Tính theo cách này, xăng dầu chiếm 5.057 đồng cho mỗi kilômet xe chạy. Xăng đã giảm 39,27%, tính ra cước phải giảm ít nhất 1.986 đồng/km.
Như vậy, trong ba đợt giảm trước, các hãng taxi vẫn còn giữ lại được ít nhất 486 đồng/km nhờ xăng dầu hạ. Khoản tiền này là tiền hãng taxi đã nợ người tiêu dùng. Nay trước khi muốn tăng, họ phải trả khoản nợ đó đã. Nói cách khác, cước taxi sẽ phải giữ nguyên mới có thể coi là tạm công bằng với người tiêu dùng.
Tương tự đối với cước của các hãng vận tải hàng hóa. Trong các đợt xăng giảm giá trước đây, họ đều giảm khá miễn cưỡng. Khi đối tác làm dữ, đòi cắt hợp đồng, họ mới giảm ở mức tượng trưng rồi đổ cho các loại chi phí khác, đặc biệt là chi phí phát sinh do hạ tải theo yêu cầu từ Bộ Giao thông vận tải.
Dẫu vậy, mức giảm hầu hết vẫn thấp hơn so với mức giảm của xăng dầu. Chưa kể, rất nhiều khách hàng không để ý, không yêu cầu giảm cước vận tải, hoặc yêu cầu nhưng không được đáp ứng, đã phải trả cước vận tải tương đương thời xăng dầu còn ở đỉnh cao lúc tháng 7/2014 tới tận lúc này. Như vậy, phần lớn hãng vận tải hàng hóa cũng đang nợ người tiêu dùng.
Trong lúc này, các tiểu thương, thương lái cũng cho biết, đang cân nhắc chuyện giảm giá hoặc bớt chiết khấu để đón đầu việc chi phí vận chuyển, buôn bán tăng theo giá xăng. Cũng như taxi và các hãng vận tải hàng hóa, tiểu thương và thương lái cũng quên đi một điều, là họ chưa từng giảm giá bán hàng hóa cho tương xứng với mức giảm giá xăng dầu trước đây. Tất cả họ đều đang nợ người tiêu dùng một khoản tiền không nhỏ trong một quãng thời gian không hề ngắn.
Lẽ ra, người tiêu dùng phải được hưởng mặt bằng giá hiện hữu ít nhất là cho tới khi có biến động nào khác về giá xăng dầu. Các cơ quan quản lý sẽ là người giám sát để sự công bằng này được thực thi trong thời gian tới, thời điểm vô cùng nhạy cảm khi hết điện rồi tới xăng thi nhau tăng giá, gây sức ép lên đôi vai người dân.