Từ ngày 16/3, mức giá bán điện mới đã được áp dụng. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều sinh viên, người lao động thuê trọ, họ đang phải trả giá điện cao gấp 2-3 lần mức bình quân. Số tiền phải trả cho mỗi kWh cũng vượt xa thang giá cao nhất 2.587 đồng/kWh (áp dụng cho hộ sử dụng hơn 400 kWh/tháng).
"Từ đầu tuần trước, cả xóm trọ chỗ tôi đã nhận được thông báo của nhà chủ sẽ tăng giá đúng lịch, từ 4.000 đồng/kWh lên 4.500 đồng/kWh", anh Nguyễn Văn Hợp, ở trọ trên phố Trần Cung (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết. Mức giá anh Hợp phải chịu cao hơn giá bán điện bình quân 2.878 đồng/kWh và cao hơn thang giá cao nhất 1.913 đồng/kWh.
Điện tăng giá khiến sinh viên, người lao động đi thuê trọ đau đầu. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Trung bình, nhân viên chuyển phát này dùng hết khoảng 100 kWh mỗi tháng, tổng thanh toán theo giá cũ là 400.000-450.000 đồng. Nếu tính theo giá mới, anh sẽ phải trả thêm khoảng 50.000 đồng một tháng. Anh chia sẻ, vẫn biết mức giá đang trả cao hơn nhiều giá bán điện theo thang nhà nước nhưng vẫn chưa phải mức cao nhất "dân đi trọ" phải chịu.
Tại các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Từ Liêm, nhiều xóm trọ đã thông báo sẽ áp dụng mức giá bán điện mới lên tới 5.000-5.500 đồng/kWh. Điều này khiến cư dân không khỏi lo lắng. Một số hộ lao động nghèo, sinh viên đã tính tới phương án chuyển địa điểm thuê trọ ra ngoại thành để giảm bớt gánh nặng phí sinh hoạt.
Chị Nga, chủ một xóm trọ tại phố Xuân Thủy (Cầu Giấy) cho biết nhà chị đang tính giá điện là 5.000 đồng/kWh. Mức giá cao hơn nhiều so với bảng giá điện kinh doanh, theo chị, là do phải cộng dồn nhiều chi phí cơ sở hạ tầng, tổn thất, chiếu sáng chung, máy bơm... Chủ nhà trọ này cũng từ chối bình luận về quy định giá bán lẻ điện áp dụng cho người thuê trọ.
Cũng tường tận những thông tin trên từ lâu nhưng theo đa số sinh viên, người thuê trọ, chuyện "gửi đơn kiện" bị tính phá giá điện, nước sinh hoạt là việc "chưa từng nghĩ đến" hoặc "có nghĩ cũng không dám làm".
Anh Minh Hòa (Hoàng Cầu, quận Đống Đa) chia sẻ: "Thuê được chỗ trọ phù hợp để ở lâu dài không hề dễ, chưa tính đến các tiện ích cho gia đình và con cái xung quanh khu vực trọ. Do vậy, kể cả biết mười mươi là 'người ta' ép mình nhưng cũng đành chịu. Mà kêu thì cũng chẳng biết kêu ai".
Để cải thiện tình hình, anh Hòa và nhiều hộ thuê trọ khác trong khu đã vận động các thành viên cùng tiết giảm chi phí sinh hoạt. Những giải pháp được chọn là tiết kiệm điện, tránh dùng giờ cao điểm, chung con, đi xe bus thay vì xe máy,...
Trung tâm chăm sóc khách hàng (CSKH) điện lực Hà Nội cho hay, đơn vị này sẵn sàng hướng dẫn khách cách đăng ký sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý. Người được hướng dẫn là hộ gia đình, cá nhân đã ký hợp đồng thuê từ 6 tháng trở lên, bị áp giá điện cao hơn so với khung giá chung.
Ngược lại, cơ quan điện lực không thể can thiệp về giá trong trường hợp người sử dụng điện đã có thỏa thuận với chủ hộ cho thuê. Đại diện trung tâm cho biết thêm, người dùng điện "bị ép" mua với giá quá cao có thể làm đơn gửi tới trung tâm CSKH của EVN. Đơn vị này sẽ kết hợp với Sở Công Thương giải quyết.
Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) - Bộ Công Thương cũng cho biết, đơn vị này mới có đường dây nóng miễn phí để tiếp nhận khiếu nại, phản ánh của người dân. Bước đầu, tổng đài sẽ được vận hành ở Hà Nội sau đó mở rộng tới TP HCM trong quý II/2015.