Thông điệp này được khẳng định lần nữa tại hội nghị về báo chí điều tra châu Á do Mạng lưới Báo chí điều tra toàn cầu (GIJN) và Hiệp hội báo chí Konrad-Adenauer-Stiftung tổ chức hồi tháng 10/2016 tại Kathmandu (Nepal).
Umar Cheema (trái) từ tờ The News của Pakistan giải thích việc anh phải thuyết phục chủ bút của mình chấp nhận đăng tên ông trên loạt bài điều tra về hồ sơ Panama. Ảnh: GIJN. |
Dấu mốc về hợp tác điều tra
Ở hội nghị, các nhà báo điều tra hàng đầu châu Á và thế giới đều đánh giá Hồ sơ Panama là bước phát triển lớn của báo chí điều tra, đặc biệt trên khía cạnh về hợp tác, về sử dụng các công nghệ thông tin cũng như là dùng dữ liệu trong báo chí điều tra.
Đây là bước tiếp nối lớn về nghiệp vụ điều tra sau những đỉnh cao của Watergate (cuộc điều tra về việc theo dõi phe Dân chủ hồi đầu 1970 khiến Tổng thống Mỹ Richard Nixon phải từ chức) hay Hồ sơ Lầu Năm Góc (về những lừa dối của chính phủ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam).
Dấu ấn lớn nhất của Hồ sơ Panama là việc 400-500 nhà báo từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tham gia vào cuộc điều tra. Việc giữ bí mật hơn nửa năm trời là rất khó khăn trong bối cảnh cơ quan tình báo Mỹ NSA theo dõi rất gắt gao báo giới sau các vụ Edward Snowden và vụ lộ điện ngoại giao Wikileaks cách đây vài năm của Washington.
Việc giữ bí mật giữa 400 nhà báo điều tra có thể coi là kỳ tích của nhóm thực hiện “hồ sơ Panama”.
“Chúng tôi cứ 30 phút sẽ thay đổi mật mã truy cập một lần”, Mar Cabra, một thành viên nhóm điều tra Hồ sơ Panama từ châu Âu nói tại hội thảo.
Walter "Robby" Robinson, nguyên trưởng nhóm điều tra Spotlight của tờ Boston Globe từng đoạt giải Pulitzer, chia sẻ các kinh nghiệm về làm báo điều tra. Ảnh: GIJN. |
30 năm mới đọc hết tài liệu
Hồ sơ Panama là những tài liệu lấy được từ tập đoàn luật Mossack Fonseca có chi nhánh ở Panama nhưng cung cấp các dịch vụ tài khoản offshore trên toàn cầu. Website của công ty nói họ có khoảng 600 nhân viên ở 42 quốc gia trên toàn thế giới.
Mossack Fonseca chuyên hoạt động ở các thiên đường thuế như Thụy Sĩ, Cyprus, Virgin Islands thuộc Anh. Tập đoàn này đại diện cho khoảng hơn 300.000 công ty trên toàn cầu.
Các hồ sơ này ban đầu được cung cấp bởi một nguồn dấu tên cho tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung vào giữa năm 2015. Lượng thông tin rò rỉ từ Mossack Fonseca là khoảng 11,5 triệu tài liệu với dung lượng khoảng 2,6 terabyte được lấy từ kho dữ liệu nội bộ của Fonseca.
Tờ báo này sau khi thấy khối lượng đồ sộ của nguồn thông tin đã quyết định chia sẻ nó với Hiệp hội nhà báo điều tra thế giới (ICIJ). ICIJ tiếp đó chia sẻ với mạng lưới lớn các đối tác của mình, trong đó có các tờ báo lớn như Guardian, BBC hay South China Morning Post.
Khối lượng tài liệu này lớn hơn rất nhiều so với kho tài liệu mà Wikileaks từng rò rỉ hồi năm 2010 hay Edward Snowden hồi 2013. Với khối lượng tài liệu khổng lồ, nếu chỉ một nhà báo đọc tài liệu, ước tính sẽ cần khoảng 30 năm mới có thể đọc hết số tài liệu này.
Lượng dữ liệu của hồ sơ Panama lớn hơn rất nhiều so với dữ liệu các vụ rò rỉ thông tin khác. Ảnh: Guardian. |
Chủ bút có mặt trong hồ sơ Panama
Các nhà báo từ khoảng 110 cơ quan báo chí từ 80 nước đã cùng tham gia dự án này và đến ngày 3/4, loạt bài đầu tiên về các hồ sơ này chính thức được đăng tải.
Dự án là một dấu mốc quan trọng về việc sử dụng số liệu để làm báo cũng như là đỉnh cao về hợp tác của báo chí điều tra thế giới.
Tất cả các nhà báo tham gia đều được cập nhật vào kho tài liệu chung của hồ sơ. Các nhóm ở từng nước sẽ chia sẻ công việc điều tra với các thành viên còn lại trong nhóm của nước họ.
Thành viên Umar Cheema từ tờ The News của Pakistan kể câu chuyện khi tiếp cận hồ sơ Panama thì phát hiện ra chủ bút của chính tờ báo anh đang làm cũng có tên trong danh sách.
“Tôi phải thuyết phục chủ bút việc chấp nhận tên ông sẽ xuất hiện trong bài báo để có thể viết được về các chính khách của Pakistan dính líu về vụ việc,” anh Cheema giải thích. Thực tế thì chính Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif cũng có tên trong hồ sơ này.
Các tài liệu này là bằng chứng cho thấy vô số cách những quan chức, đại gia có thể lợi dụng các thiên đường về lập tài khoản offshore như Bahamas, Virgin Island thuộc Anh... để có thể trốn thuế hoặc tẩu tán tài sản.
Nhiều chính trị gia liên quan
Các tài liệu được khai thác cho thấy có khoảng 150 chính trị gia hàng đầu cùng người thân và những nhân vật thân tín đã dùng các tài khoản offshore này. Dấu vết của khoảng 2 tỷ USD được xác định có liên quan tới tổng thống Nga và một người bạn thân của ông.
Các lãnh đạo quốc gia có tài sản offshore là Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, cựu Thủ tướng Iraq Ayad Allawi, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Alaa Mubarak – con trai cựu Tổng thống Ehud Mubarak, Thủ tướng Iceland Sigmundur Davíð Gunnlaugsson – người buộc phải từ chức sau khi vụ việc lộ ra.
Một quỹ đầu tư offshore của cha cựu Thủ tướng Anh David Cameron cũng được phát hiện là dùng một loạt dân Bahamas để ký giấy tờ thay họ.
Việc có các tài khoản offshore ở nước ngoài như thế này không phải phạm luật hoàn toàn, nhưng các điều tra chỉ ra được các giao dịch bất thường trong các tài khoản này – biểu hiện của trốn thuế hoặc tham nhũng của các chính trị gia.
Các cuộc điều tra về Hồ sơ Panama hiện vẫn đang tiếp tục và loạt hồ sơ mới về Hồ sơ Bahamas cũng đang được các nhà báo của GIJN thực hiện.
“Sẽ rất khó để đạt được những đỉnh cao như Hồ sơ Panama nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục”, một thành viên của cuộc điều tra nói.