Đoạn video được quay tại Công viên Đá và Trang trại Cá sấu, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Pattaya. "Con hổ bị chọc hàng trăm lần trong suốt cả ngày và phải gầm lên cho khách du lịch chụp hình", Edwin Wiek, sáng lập tổ chức Wildlife Friends Foundation Thái Lan, người đã quay và đăng video lên mạng xã hội cho biết.
Đoạn video đã thu hút hơn một triệu lượt xem kể từ khi được đăng hôm 18/12 và một làn sóng chỉ trích đã nhằm vào hoạt động du lịch khai thác động vật nổi tiếng của Thái Lan.
Một phát ngôn viên của sở thú này nói với AFP rằng nhân viên trong video đã bị chuyển sang làm công việc khác theo lệnh chủ sở hữu, triệu phú Khun Suan. "Ông chủ yêu động vật và sẽ không cho phép nhân viên làm tổn thương động vật của mình", người phụ nữ này cho biết.
Du khách chụp hình bên con hổ bị xiềng và chọc gậy vào mặt. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, trong chương trình biểu diễn hàng ngày của sở thú khai trương vào năm 1992 vẫn có tiết mục một "người đàn ông chiến đấu với cá sấu trưởng thành bằng tay không".
Các nhóm hoạt động vì quyền động vật từ lâu đã chỉ trích sự tàn bạo, mà theo họ, là điều nổi bật trong ngành du lịch khai thác động vật hoang dã của Thái Lan. Ở đất nước Chùa Vàng, khách du lịch có thể trả tiền để được cưỡi voi, ôm khỉ và cho hổ ăn.
"Chúng tôi tin rằng việc chụp hình selfie với động vật hoang dã nên được ngừng lại hoàn toàn", Wiek nói, lưu ý thêm rằng các hoạt động này cũng gây rủi ro cho con người. "Mỗi năm có hàng trăm người bị cắn hoặc cào trong những tình huống này".
Hồi đầu tháng, tay đấm nổi tiếng Floyd Mayweather đã bị những người bảo vệ quyền động vật chỉ trích khi đăng một bức ảnh cưỡi voi lên Instagram trong chuyến nghỉ mát tại một điểm du lịch nổi tiếng của Phuket.
Trong tháng này, một báo cáo của Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới cho biết 2.200 con voi bị du lịch Thái Lan khai thác và ngược đãi nghiêm trọng.
Năm 2016, cảnh sát đã đóng cửa Đền Hổ nổi tiếng của Thái Lan sau khi tìm thấy 40 con hổ chết trong tủ đông ở điểm du lịch do các nhà sư điều hành.