Những cuộc gọi mới nhất tới một trạm cứu hỏa tại Bangkok không phải để báo cháy nổ. Người gọi cầu cứu sự trợ giúp vì một vấn nạn đang ám ảnh người dân thủ đô Thái Lan bấy lâu nay. Đó là những con rắn.
Phinyo Pukphinyo cùng đội của mình được gửi tới hiện trường, một garage ôtô. Tại đây, con rắn dài tới 2 m đang đung đưa, nửa thân nằm trên mái nhà, nửa còn lại buông thõng xuống gần mặt đất. Đội cứu hỏa mất chưa tới một phút để xử lý tình huống và trả lại yên bình cho chủ nhân garage.
Người dân thủ đô Bangkok đang chứng kiến ngôi nhà của mình bị xâm chiếm bởi loài rắn. Nguyên nhân, một phần, đến từ sự phát triển nóng của đô thị 10 triệu dân này.
Lính cứu hỏa bắt một con rắn tại Bangkok. Ảnh: AP. |
Bắt rắn nhiều hơn cứu hỏa
Thái Lan là vương quốc của hơn 300 loài rắn, 10% trong số đó là các loài rắn độc, bao gồm rắn hổ mang chúa, rắn cạp và rắn lục. Việc đối phó với những sinh vật luôn là nỗi sợ hãi của người dân thành thị.
Tara Buakamsri, giám đốc chương trình Greenspace Đông Nam Á tại Thái Lan, cho biết Bangkok vốn là vùng đồng bằng ngập nước với hệ sinh thái đất ẩm, nơi sinh sống của các loài lưỡng cư, trong đó có rắn.
Với việc các khu dân cư ngày càng mở rộng những năm gần đây, môi trường sống của các loài sinh vật khác như rắn ngày càng bị thu hẹp. Vì vậy, chúng tìm đến nơi ở của con người.
Con rắn dài 2 m mà đội của Phinyo xử lý không phải trường hợp đầu tiên, cũng không phải vụ việc cuối cùng trong ngày. Vài giờ sau, một cư dân gọi tới trạm cứu hỏa, báo cáo về một con rắn xanh đang ẩn nấp trong phòng tắm của người này.
"Tôi sống ở Bangkok đã 20 năm. Tôi hiếm khi nhìn thấy rắn trước đây, nhưng năm nay, dường như mỗi tháng tôi lại thấy chúng một vài lần", Chanun Chisa, chủ nhân ngôi nhà, nói với SCMP. Đây đã là lần thứ 3 trong năm 2017 Chisa cầu viện tới lực lượng cứu hỏa vì rắn.
Một con rắn bò trên trần một ngôi nhà ở thủ đô Bangkok. Ảnh: AP. |
Phinyo cho biết những ngày vừa qua, trạm cứu hỏa của anh nhận được nhiều cuộc gọi nhờ bắt rắn hơn là xử lý cháy nổ.
"Có lẽ người dân đã nhận ra rằng họ có thể gọi nhà chức trách để nhờ xử lý rắn. Trước đây, họ thường tự đối phó bằng gậy hay cách nào đó.", Phinyo nói với SCMP.
Sau vô số lần đối mặt với loài bò sát này, Phinyo giờ tự tin khẳng định có thể phân biệt nhiều loài rắn. Người lính cứu hỏa nay đã trở thành "gia sư" chỉ dạy các đồng đội những biện pháp bắt rắn an toàn.
Rác rưởi, ô nhiễm và rắn
Piya Saereerak, chuyên gia thú y tại cục Sinh vật hoang dã và Vườn quốc gia, cho biết sự bùng nổ của rắn tại Bangkok do thành phố đang thải ra quá nhiều rác. Rác rưởi thu hút chuột và chim chóc, thức ăn khoái khẩu của loài rắn.
Thủ đô của Thái Lan thải ra ngày càng nhiều rác hơn qua mỗi năm và chưa có dấu hiệu sớm khắc phục tình trạng này. Năm 2016, người dân Bangkok thải ra 10.454 tấn rác mỗi ngày, tức đã tăng thêm 1.500 tấn so với năm 2011.
Penchom Saetang, giám đốc quỹ Cảnh báo và phục hồi sinh thái Thái Lan, cho biết Bangkok đang phát triển quá nhanh mà không có hệ thống xử lý rác thải phù hợp.
Cơ quan chức năng Thái Lan đưa rắn lên xe tải trước khi thả về thiên nhiên. Ảnh: AP. |
"Trong thiên nhiên, đại bàng và các loài chim lớn sẽ ăn thịt rắn và mang lại cân bằng tự nhiên. Nhưng ở Bangkok thì không có các loài chim lớn như thế, vậy là rắn thoải mái phát triển", ông Piya nói.
Piya dẫn đầu một phòng khám y tế hoang dã tiếp nhận khoảng 300 - 400 con rắn mỗi tháng từ các nhóm cứu hỏa ở Bangkok. Mỗi tuần, nhóm của ông lại thả những con rắn này về lại với rừng rậm.
Vị chuyên gia thú y khuyến cáo người dân Bangkok nên cố gắng giữ nhà cửa sạch sẽ để tránh sự chú ý của loài rắn. Piya cho biết hầu hết rắn được phát hiện trong nhà ở của người dân đều là loài không độc.
"Tuy nhiên, nếu phát hiện rắn độc, hãy gọi lực lượng cứu hỏa và họ sẽ lập tức có mặt để xử lý", Piya nói.