Trong một cuộc họp hồi giữa tháng 8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc mang đến "của cải vừa phải" cho tất cả người dân, hay còn gọi là "thịnh vượng chung".
Ông Tập kêu gọi "điều chỉnh hợp lý đối với thu nhập quá mức, khuyến khích các nhóm và doanh nghiệp thu nhập cao đóng góp trở lại cho xã hội nhiều hơn", theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Những tháng qua, "thịnh vượng chung" đã trở thành một chủ đề thường gặp trong các cuộc thảo luận của giới chức Trung Quốc. Thuật ngữ này được hiểu là "sự giàu có vừa phải dành cho tất cả, thay vì chỉ một số ít người".
Nhưng theo Bloomberg, trước khi Chủ tịch Tập tìm cách thúc đẩy "thịnh vượng chung", một tỷ phú khác đã nói về nó. Đó là tỷ phú Hứa Gia Ấn - nhà sáng lập Evergrande, tập đoàn bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới và đang trên bờ vực sụp đổ.
Trong nhiều năm, tỷ phú sáng lập Evergrande là nhà từ thiện lớn nhất của Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Vay tiền từ khách mua nhà đến nhân viên
Ông Hứa đã sử dụng thuật ngữ "thịnh vượng chung" trong một bài phát biểu vào năm 2018. Năm 2020, với khoản quyên góp 3 tỷ NDT (465 triệu USD), ông là nhà từ thiện lớn nhất của Trung Quốc. Đó là năm thứ 4 liên tiếp nhà sáng lập Evergrande đạt danh hiệu này.
Ông cũng rất tích cực trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Một ngày sau khi Vũ Hán - tâm chấn Covid-19 vào những ngày đầu của đại dịch - bị phong tỏa, ông Hứa đã trao tiền mặt và quyên góp hàng triệu USD cho nghiên cứu y tế.
Theo nhà báo Shuli Ren của Bloomberg, ông Hứa được lòng các nhà chức trách Trung Quốc. Họ rất hoan nghênh những dự án và đề xuất phát triển của ông. "Khi đó, ông ấy là một người ưu tú, một nhà hảo tâm. Nhưng giờ, mọi thứ đã trở nên đáng ngại", cây bút của Bloomberg viết.
Khi khó vay tiền từ ngân hàng và các quỹ tín thác, Evergrande tìm cách bán khoản đầu tư lãi suất cao cho nhân viên và khách hàng.
Hàng trăm nhân viên của China Evergrande đã tập trung cùng các nhà đầu tư để biểu tình đòi lại tiền. Ảnh: Reuters. |
Evergrande thậm chí đưa ra một yêu cầu rõ ràng cho các nhân viên. Đó là tìm người mua những công cụ đầu tư lãi suất cao của tập đoàn. Nếu không, công việc của họ có thể gặp rủi ro.
Nhiều nhân viên đã làm theo. Không chỉ mua sản phẩm đầu tư cho mình, họ còn giới thiệu bạn bè, người thân tham gia.
Tập đoàn hứa hẹn lãi suất 5-10% cho các khoản đầu tư tối thiểu là 100.000 NDT (15.500 USD). Nhưng đến tháng 9, Evergrande không thể thanh toán cho nhà đầu tư. Hàng trăm nhân viên và nhà đầu tư đã tập trung ở văn phòng của tập đoàn để biểu tình đòi lại tiền.
Các nhà phát triển bất động sản thường vay tiền từ những công ty ủy thác đầu tư. Để nhà đầu tư đổ tiền vào các quỹ ủy thác này, quản lý quỹ sẽ phải chịu trách nhiệm cho những dự án xây dựng của các tập đoàn.
Mối đe dọa với "thịnh vượng chung"
Tính đến cuối năm 2019, Evergrande đã làm ăn với phần lớn trong số 68 công ty tín thác Trung Quốc, chiếm đến 41% tổng tài chính.
Chỉ 5 năm trước, những sản phẩm ủy thác đầu tư vào các dự án của Evergrande có thể mang lại lợi nhuận 30%/năm, theo truyền thông địa phương.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Bloomberg, khi Evergrande gặp rắc rối về tài chính, các quỹ tín thác đã trở nên thận trọng hơn. Nhiều công ty chỉ chấp nhận một trong số hàng chục đề xuất từ tập đoàn bất động sản. Họ cũng đầu tư chưa đến 50% trị giá dự án.
Gánh nặng huy động vốn bị dồn xuống các nhân viên. Những sản phẩm đầu tư lãi suất cao của tập đoàn thậm chí không liên quan đến dự án nhà ở mà các nhân viên đang làm việc.
"Evergrande vay tiền của tất cả, từ khách hàng, nhân viên đến nhà cung cấp. Sự thịnh vượng chung có thể chuyển thành nghèo chung rất nhanh".
Nhà báo Shuli Ren của Bloomberg
Điều đó có nghĩa là họ hoàn toàn không biết gì về chất lượng của khoản đầu tư mà mình đổ tiền vào.
Theo nhà báo Shuli Ren của Bloomberg, trong một cuộc tái cơ cấu nợ, một công ty vẫn có thể hoạt động bình thường. Nhân viên không bị ảnh hưởng nhiều, miễn là họ còn công việc và được trả lương.
Nhưng trong trường hợp của Evergrande, họ đã trở thành các chủ nợ. Họ hoang mang không biết mình ở đâu trong thứ tự ưu tiên trả nợ của tập đoàn. "Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người xuống đường biểu tình", cây bút của Bloomberg nhận định.
Theo chiến dịch "thịnh vượng chung" của Bắc Kinh, một doanh nghiệp cần phải chia sẻ lợi nhuận cho các nhân viên của mình. Tuy nhiên, theo bà Shuli Ren, các nhà hoạch định chính sách cũng cần lưu ý đến những doanh nghiệp nợ nần.
"Evergrande vay tiền của tất cả, từ khách hàng, nhân viên đến nhà cung cấp. Sự thịnh vượng chung có thể chuyển thành nghèo chung rất nhanh", cây bút của Bloomberg cảnh báo.