Giới quan sát lo ngại khủng hoảng nợ của China Evergrande - tập đoàn bất động sản thứ 2 Trung Quốc - là "khoảnh khắc Lehman Brothers" của Trung Quốc.
Vụ đổ vỡ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers (Mỹ) do khủng hoảng nợ dưới chuẩn đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Nhưng theo nhà báo Shuli Ren của Bloomberg, 2 sự sụp đổ không hề giống nhau. "Lehman là một ngân hàng đầu tư hàng đầu nhưng yếu kém đi trong cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn năm 2007. Còn China Evergrande luôn tệ hại", bà viết.
Tỷ phú Hứa Gia Ấn - nhà sáng lập China Evergrande, tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Nhiều nghi ngại
Trong gần một thập kỷ, các nhà phê bình đã đặt câu hỏi về chất lượng những căn hộ chưa bán được của China Evergrande và phàn nàn vấn đề kiểm toán của tập đoàn. Tuy nhiên, các lời cảnh báo luôn bị phớt lờ. Gã khổng lồ địa ốc hết lần này đến lần khác thoát khỏi tình thế nguy hiểm.
Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, hôm 23/9, Bắc Kinh đã yêu cầu các chính quyền địa phương chuẩn bị cho sự sụp đổ tiềm tàng của China Evergrande. Câu hỏi đặt ra là vì sao giới chức Trung Quốc để vấn đề kéo dài lâu đến thế.
Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng thanh khoản của China Evergrande là tất cả vốn lưu động đều gắn với hàng tồn kho, phần lớn là 202 tỷ USD trong các dự án nhà ở còn dở dang.
Khi các nhà cung cấp và nhân viên đòi thanh toán, China Evergrande chỉ có thể trả bằng những căn hộ chưa bán được, mặt tiền cửa hàng và chỗ để xe trống. Một số bất động sản được chào bán cho các chủ nợ với mức chiết khấu lên 52%.
Các nhà đầu tư cá nhân, khách mua nhà và nhà cung cấp của China Evergrande biểu tình tại văn phòng của tập đoàn trên toàn quốc. Ảnh: Reuters. |
"Có lẽ các nhà đầu tư đã chọn nhìn vào mặt tươi sáng, bởi giới chức đã đứng về phía China Evergrande", nhà báo Shuli Ren viết. Vào năm 2016, Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai của Hong Kong (SFC) tuyên bố Citron Research (có trụ sở tại Mỹ) và nhà sáng lập Andrew Left "bị kết tội vì hành vi sai trái trên thị trường", bởi những đánh giá tiêu cực của họ về China Evergrande.
"Left đã sử dụng ngôn từ giật gân trong báo cáo của mình rằng Evergrande đã vỡ nợ và tham gia vào gian lận kế toán", ủy ban cho biết. Evergrande là một trong những cổ phiếu bị bán khống nhiều nhất trên thị trường chứng khoán Hong Kong.
Quyết định của SFC đã khuyến khích China Evergrande. Tỷ phú Hứa Gia Ấn - nhà sáng lập tập đoàn - cũng nhận được sự giúp đỡ của những người bạn quyền lực tại Hong Kong. Họ giúp China Evergrande huy động hàng tỷ USD vốn, thậm chí củng cố quyền lực ở một ngân hàng Trung Quốc trong khu vực.
Tất cả những gì SFC làm là đưa ra tuyên bố về "tính tập trung cổ phần cao" tại đơn vị y tế của China Evergrande - tiền thân của China Evergrande New Energy Vehicle Group Ltd. Cơ quan này cảnh báo rằng cổ phiếu đang được nắm giữ bởi một nhóm nhỏ nhà đầu tư.
Tính đến đầu tháng 8/2020, 94,8% cổ phần của China Evergrande New Energy Vehicle Group Ltd. được nắm giữ bởi 18 cổ đông, bao gồm những người bạn của ông Hứa. Giá cổ phiếu của China Evergrande NEV thậm chí còn biến động nhiều hơn giá Bitcoin.
Được lòng giới chức Trung Quốc
China Evergrande trở thành nhà phát hành trái phiếu bằng đồng USD rủi ro cao lớn nhất châu Á. Tính đến năm ngoái, tập đoàn nợ 128 ngân hàng.
Vào năm 2017, Bắc Kinh đã tuyên bố bắt đầu cắt giảm đòn bẩy doanh nghiệp. Chính trong giai đoạn này, bom nợ của China Evergrande phình to.
Tuy nhiên, vào năm 2017, các nhà chức trách Bắc Kinh tập trung vào các tập đoàn như Anbang Insurance Group, HNA Group Co. và một nhà phát triển bất động sản khác là Dalian Wanda Group Co.
Đó là những tập đoàn đang đẩy mạnh hoạt động ở nước ngoài, vốn bị coi là một cách rút tiền khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, Evergrande tích cực mở rộng trong nước. Tập đoàn cũng tập trung xây dựng các dự án ở những thành phố cấp thấp hơn.
Từ năm 2016 đến năm 2020, nợ phải trả của China Evergrande tăng gần gấp đôi lên 300 tỷ USD. Vốn lưu động của tập đoàn chịu sức ép lớn.
Lehman là một ngân hàng đầu tư hàng đầu nhưng yếu kém đi trong cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn năm 2007. Còn China Evergrande luôn tệ hại
- Nhà báo Shuli Ren của Bloomberg
Các hóa đơn mua hàng của China Evergrande tăng lên khoảng 30% tổng nợ phải trả. 5 năm trước đó, tỷ lệ chỉ là 20%.
Do các dự án của China Evergrande đa phần nằm ở những thành phố cấp thấp hơn, hàng tồn kho của các dự án chưa hoàn thành rất khó di chuyển. Theo bà Shuli Ren, đó là những "tài sản chết" rất khó sử dụng.
Năm 2018, ông Hứa đã nói về sự "thịnh vượng chung". Năm 2020, với khoản quyên góp 3 tỷ NDT (465 triệu USD), ông là nhà từ thiện lớn nhất của Trung Quốc. Đó là năm thứ 4 liên tiếp nhà sáng lập China Evergrande đạt danh hiệu này.
Ông cũng rất tích cực trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Một ngày sau khi Vũ Hán - tâm chấn Covid-19 vào những ngày đầu của đại dịch - bị phong tỏa, ông Hứa đã trao tiền mặt và quyên góp hàng triệu USD cho nghiên cứu y tế.
Theo nhà báo Shuli Ren, ông Hứa được lòng các nhà chức trách Trung Quốc. Họ rất hoan nghênh những dự án và đề xuất phát triển của ông. "Khi đó, ông ấy là một người ưu tú, một nhà hảo tâm. Nhưng giờ, mọi thứ đã trở nên đáng ngại", cây bút của Bloomberg viết.