Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hố lầy xấu xí cuối cùng của Chiến tranh Lạnh

Chuyến thăm của Obama có thể đánh dấu kết thúc cuối cùng cho những ký ức xấu xí của Chiến tranh Lạnh, điều đã làm quan hệ Cuba - Mỹ căng thẳng suốt hơn 50 năm qua.

Ông Obama trên đường phố Cuba. Ảnh: White House

Đó là ngày lịch sử khi tổng thống Mỹ Barack Obama bước trên những con đường nhỏ của khu phố cổ Havana dưới cơn mưa nhẹ – ông là tổng thống Mỹ đầu tiên trong suốt 88 năm qua đặt chân tới Cuba. Dọc con phố ông đi hôm 20/3, những tiếng hô vang “USA!” và “Obama!” vang vọng từ những dân thường cách xa vài con phố (vì lý do an ninh).

Chuyên cơ Air Force One của tổng thống Mỹ cũng làm nên lịch sử khi lần đầu hạ cánh xuống sân bay Jose Marti. Lần cuối cùng tổng thống Mỹ Calvin Coolidge tới Cuba năm 1928, ông đi trên tàu chiến để dự một hội nghị quốc tế.

Ảnh chụp của Nhà Trắng cho thấy hình tổng thống Mỹ và các quan chức cao cấp tò mò nhìn qua cửa sổ khi chuyên cơ Air Force One hạ cánh dần xuống Havana. Có rất ít quan chức Mỹ được tận mắt nhìn hình ảnh của hòn đảo xinh đẹp ở vùng biển Caribe này trong hơn 50 năm qua.

Cũng chính đường băng của sân bay Jose Marti này, CIA từng ném bom trong những năm 1960, những chiếc máy bay đã hỏng của Nga và sân bay cũ kỹ ở đây là minh chứng của 50 năm Mỹ cấm vận cùng cô lập ngoại giao như một phần của Chiến tranh Lạnh.

quan he My Cuba anh 1
Các bộ trưởng nóng lòng nhìn ngắm Cuba từ trên phi cơ. 

Ảnh: White House

Kể từ sau khi tuyên bố lịch sử tháng 12/2014 về phục hồi quan hệ ngoại giao, Mỹ và Cuba đã có một loạt các bước nhằm cải thiện quan hệ đóng băng của nhiều thập kỷ. Chuyến đi ba ngày của tổng thống Mỹ tập trung vào thúc đẩy quan hệ thương mại vốn bị bỏ ngỏ từ lâu.

Trước chuyến đi, Nhà Trắng thông báo hàng loạt thay đổi thông qua sắc lệnh tổng thống nhằm nới lỏng quyền đi lại tới Cuba và cho phép người Cuba được tiếp cận nhiều hơn với hệ thống ngân hàng Mỹ.

Tổng thống Mỹ đi với đoàn tuỳ tùng rất lớn khiến đoàn cần tới vài máy bay khác nhau để chở hết. 11 CEO và 39 thành viên quốc hội Mỹ cùng đi trên chuyến bay lịch sử này. Bộ ngoại giao Cuba thông báo, 974 phóng viên từ 202 tờ báo và hãng thông tấn của 50 nước có mặt ở Havana để đưa tin về chuyến đi của tổng thống Mỹ.

Ở Cuba, thông điệp lịch sử cũng được nhấn mạnh. Google lần đầu tiên thông báo sẽ mở rộng dịch vụ tới quốc đảo này. Tập đoàn khách sạn của Mỹ giờ cũng được phép quản lý hệ thống khách sạn quốc doanh của Cuba. Cuba cũng gỡ bỏ chi phí 10% cho mỗi lần đổi USD.

Nhưng những thay đổi này cũng chỉ là một phần, thách thức tiếp theo vẫn là gỡ bỏ cấm vận hoàn toàn, điều mà hiện nay quốc hội chia rẽ ở Washington DC vẫn đang chống đối.

Hai bên vẫn có những khác biệt quan trọng, đặc biệt là về vấn đề nhân quyền. Tổng thống Mỹ đã nêu vấn đề này ra trong cuộc gặp với ông Raul Castro hôm 21/3 và trong bài phát biểu của mình. Cuba cũng muốn Mỹ trả lại căn cứ hải quân ở Guantanamo – nơi có nhà tù nổi tiếng giam giữ các tù nhân khủng bố. Hiện phía Mỹ vẫn đang phản đối điều này.

Cảm xúc chia rẽ về chuyến đi thì vẫn còn đó. Những người Cuba ở bờ bên kia của Miami ở Florida vẫn còn căm giận.

“Tôi thấy người Cuba ở Mỹ đang nói xấu Obama vì ông đứng đây với hình ảnh của Che Guevara ở phía sau,” Alfredo Calderon, một nhạc công 83 tuổi nói với Reuters. “Tôi thì không nghĩ chuyện đó là tệ. Nhưng tôi phải thú thật là tôi đã 83 tuổi và đã chứng kiến rất nhiều rồi. Tôi chưa từng nghĩ là một ngày sẽ chứng kiến điều này (Obama đứng bên cạnh biểu tượng của Che).”

quan he My Cuba anh 2
Tổng thống Mỹ Obama gặp gỡ Chủ tịch Cuba Raul Castro tại Havana ngày 21/3. Ảnh: Reuters

Một người không có tên trong lịch trình chuyến đi nhưng ảnh hưởng của ông bao trùm tất cả. Trong Chiến tranh Lạnh, Fidel Castro là một người hùng, là biểu tượng cho sự bất khuất, tinh thần cách mạng. Ông đã đi qua cả thảy 10 đời tổng thống Mỹ với những Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon..., vượt qua cuộc chiến Vịnh Con Lợn, khủng hoảng tên lửa, những lần ám sát hụt của CIA và vô số khó khăn của cuộc cấm vận suốt hơn 50 năm qua của Mỹ. Fidel vẫn luôn là biểu tượng của sự quật cường và tinh thần cách mạng.

Trong chuyến thăm lịch sử 3 ngày của Obama, chương trình của ông không có lịch gặp Fidel (cả hai đều nói không kế hoạch việc này). Trong cuộc phỏng vấn với ABC News hôm 21/3, tổng thống Obama nói ông sẽ “vui” nếu lúc nào đó được gặp Fidel. “Nếu ông đủ khoẻ, tôi sẽ rất vui được gặp như là biểu tượng kết thúc chương Chiến tranh lạnh trong lịch sử hai nước,” ông Obama nói.

Không có cuộc gặp Fidel - Obama, nhưng cả Washington và Havana đều đang sẵn sàng thay đổi: nước Mỹ của Obama muốn từ bỏ chính sách thù địch, Cuba của Fidel đã sẵn sàng mở cửa, cải cách kinh tế để hòn ngọc của vùng biển Caribe này có thể thật sự toả sáng. Hai bờ biển rất gần của Đại Tây Dương đã sẵn sàng để vượt qua hố lầy xấu xí cuối cùng của Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Mỹ: Cấm vận Cuba sẽ chấm dứt

Ngày 21/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Cuba Raul Castro tuyên bố sẽ gạt những khác biệt giữa hai nước để theo đuổi một “ngày mới” trong quan hệ hai bên.

Obama cuối cùng cũng xứng đáng với giải Nobel Hòa bình

Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Cuba không chỉ mở ra một thời đại mới giữa hai nước, mà còn cho thấy giải Nobel Hòa bình 2009 đã được trao đúng người.




Thanh Tuấn

Bạn có thể quan tâm