Theo AFP, cháy rừng Australia đang là chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông xã hội trong thời gian qua. Nhưng cũng giống như nhiều sự kiện khác, có rất nhiều thông tin sai lệch được tạo ra để thu hút sự chú ý của người dùng.
Hầu hết là các bức ảnh và video có nguồn gốc từ lâu, nhưng được gán ghép những lời dẫn với sự kiện đang diễn ra.
Một trong số đó, có nội dung ghi lại cảnh con hổ bị ngọn lửa nuốt chửng, đã được chia sẻ hàng chục nghìn lần trên Facebook khi nói về việc có hàng triệu động vật ở Australia chết do cháy rừng.
Tuy nhiên bức ảnh này đã có từ năm 2012, được chụp trong sự kiện chính quyền Indonesia tiêu hủy các tiêu bản hổ trong chiến dịch truy quét buôn lậu động vật hoang dã.
Trong khi đó trên Instagram, bức ảnh một bé gái đeo mặt nạ phòng độc, ôm con gấu túi đứng dưới hồ nước với ngọn lửa và đám khói cuồn cuộn ở phía sau cũng được chia sẻ hàng chục nghìn lần.
Nhưng thực tế thì bức ảnh này không có thật và nó là một sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ Thuie.
Bức ảnh này được chia sẻ rất nhiều trong những ngày qua trên Instagram để nói về những gì đang diễn ra ở Australia, nhưng thực tế nó được chụp vào vụ cháy năm 2013 ở Tasmania. Ảnh: AFP. |
Một số video lan truyền nhiều ngày qua cũng có nội dung dễ gây nhầm lẫn. Trong số này có hai video cho thấy những người phụ nữ đang ôm những con chuột túi với lời dẫn rằng chúng vừa được cứu khỏi các đám cháy rừng và đang ôm hai người phụ nữ này để bày tỏ lòng biết ơn.
Nhưng thật sự thì đoạn băng được quay ở khu bảo tồn kangaroo ở phía bắc Australia, nơi hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi những đám cháy rừng.
Một video nổi bật khác trong những ngày vừa qua được tờ báo Anh The Sun đăng trên Twitter vào ngày 6/1, trong đó ghi lại cảnh những người lính cứu hỏa Australia ăn mừng khi trời đổ mưa.
Đoạn băng nhanh chóng được chia sẻ trên Facebook, với nhiều ngôn ngữ khác nhau, với những lời bình về sự kiện hiện tại. Nhưng trên thực tế, đoạn băng đã được quay từ tháng 11/2019, theo đơn vị cứu hỏa tạo ra đoạn băng này.
Và cuối cùng là một bức ảnh được chia sẻ rất nhiều lần trên cả ba mạng xã hội lớn là Facebook, Twitter và Instagram, trong đó ghi lại cảnh một phụ nữ và 5 trẻ nhỏ đang ngâm mình dưới hồ nước, với nền trời đỏ quạch ở phía sau.
Những tài khoản đăng hoặc chia sẻ bức ảnh này đều tuyên bố "điều này đang diễn ra ở Australia", nhưng trên thực tế bức ảnh đã được chụp từ năm 2013, trong đợt cháy rừng ở Tasmania.