Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

HLV người Italy: 'Futsal Việt Nam từng chỉ mơ dự giải châu Á'

Futsal Việt Nam có thể dự World Cup, HLV Sergio Gargelli đã nghĩ vậy hơn 10 năm trước, khi vừa ký hợp đồng ở một mảnh đất mà futsal lúc đó chẳng hơn gì bóng đá phong trào.

Sergio Gargelli anh 1

Nếu Bruno Garcia Formoso và Phạm Minh Giang là hai người đưa futsal Việt Nam tới World Cup thì Sergio Gargelli là người đặt nền móng đó. Dẫn dắt futsal Việt Nam trong giai đoạn "sơ khai" 2009-2012, HLV người Italy đã đặt nền móng cho sự tiến bộ rực rỡ của futsal Việt Nam sau này.

Trong 4 năm dẫn dắt đội tuyển futsal Việt Nam, ông thầy trẻ tuổi người Ý đã “tiêm” vào suy nghĩ của các học trò ý niệm về một ngày dự World Cup. Vài năm sau khi chia tay HLV Gargelli, những người học trò ấy đã biến điều đó thành hiện thực.

Chia sẻ với Zing từ Nhật Bản, HLV Sergio Gargelli nói về buổi đầu gian khó nhưng đầy hoài niệm của tuyển futsal Việt Nam, đội bóng 2 lần dự World Cup.

- Xin chào HLV Sergio Gargelli, tuyển Việt Nam vừa giành quyền dự World Cup lần thứ hai, ông có theo dõi chứ?

- Tất nhiên rồi. Xin chúc mừng các bạn. Chúc mừng bóng đá Việt Nam. Chúc mừng các cầu thủ và ban huấn luyện. Chúc mừng Antonio, Minh Giang, những người tôi từng làm việc cùng ở Việt Nam.

- Đó là một bước tiến lớn so với thời điểm 2009, khi ông đến Việt Nam làm việc.

- Đúng là thời điểm đó, Việt Nam chưa có tiếng tăm gì cả. Tôi cũng chẳng biết gì về đất nước Việt Nam. Tôi chỉ muốn tìm kiếm thử thách. Và Việt Nam khi ấy là một thách thức khó. Thời điểm ấy, futsal Việt Nam chỉ mơ được một lần vượt qua vòng loại giải châu Á.

Tôi rời Nhật Bản, nơi tôi được đề nghị hợp đồng dài hạn, để ký hợp đồng 2 tháng với VFF. Nhiệm vụ là đưa đội tuyển Việt Nam vượt qua vòng loại.

Cuối cùng chúng tôi làm được điều đó, một cách ấn tượng. Điều quan trọng là sau thành công đó, các cầu thủ đã tiến xa hơn ra đấu trường châu Á. Đó là một trong những trải nghiệm tuyệt nhất đời tôi.

Sergio Gargelli anh 2

Khi HLV Sergio đến Việt Nam, futsal trong nước không hơn gì nhiều bóng đá phong trào. Ảnh: HFF.

- Từ Nhật Bản đến Việt Nam hẳn phải là sự khác biệt rất lớn?

- Tôi đến từ Nhật Bản, nơi có điều kiện thi đấu tuyệt vời. Mọi thứ đều hiện đại. Tôi lại làm việc trong ban huấn luyện đội tuyển Nhật Bản nữa, nên đã quen với những điều kiện tốt nhất.

Ở Việt Nam thì khác. Khi tôi đến và tập trung đội tuyển lần đầu ở trung tâm Thành Long, điều kiện khi ấy thua xa bây giờ. Suy nghĩ đầu tiên của tôi lúc ấy là: “Trời, mình đang ở đâu thế này!”.

Nhưng, tôi thích nhìn vào mặt tích cực hơn. Tôi biết là nếu cứ nhìn vào mặt tiêu cực thì đâu cũng là vấn đề, mà tôi thì cần tìm giải pháp. Tôi chỉ có 2 tháng thôi, nếu mất thời gian để nghĩ về những thứ như là nhân sự không tốt, điều kiện không tốt, không như Nhật Bản, thì tôi ở Việt Nam làm gì nữa?

Vậy nên tôi tập trung vào mặt tích cực thôi và dồn hết năng lượng của mình vào việc tìm ra điểm mạnh của các cầu thủ futsal Việt Nam. Mới đầu, tôi chỉ tập trung làm sao cho họ thứ bóng đá đơn giản nhất, dựa vào điểm mạnh nhất là tốc độ.

Thế rồi futsal Việt Nam từng bước cải thiện điều kiện, môi trường thi đấu, mời các HLV giỏi. Đội tuyển của các bạn đã có những bước tiến và giờ đây môi trường futsal Việt Nam khác hoàn toàn so với khi tôi đến. Các bạn giành được những thành tựu đó là chuyện tất yếu.

Khi tôi đến đây, đội tuyển Việt Nam nằm đâu đó ngoài top 80 thế giới. Bây giờ nếu tôi nhớ không nhầm thì thứ hạng đã lên đến 30, 40 rồi.

- Khoảng thời gian 2 tháng đó, ông còn nhớ nó diễn ra thế nào không?

- Thời điểm ấy, tôi chỉ nghĩ đến việc làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ, đưa đội tuyển Việt Nam đến giải châu Á (2010). Mọi nỗ lực của tôi dồn vào việc tạo ra một đội bóng có đủ sức chiến đấu ở cấp độ này. Chúng tôi đã làm rất tốt, và có một chút may mắn nữa.

Trận gặp Malaysia (play-off giải châu Á 2010), tôi vẫn nhớ như in. Các cầu thủ đã vào trận với một tâm lý căng cứng, rất bồn chồn. 15 giây trước giờ nghỉ, chúng tôi vẫn bị dẫn 2-3. Nhưng rồi chúng tôi gỡ 3-3, bằng bàn thắng của Hoàng Giang trong một tình huống power play.

Cậu ấy khoe với tôi thế này: “Thầy ơi, em là người đầu tiên của đội tuyển futsal Việt Nam ghi bàn từ power-play đấy. Lúc trước, cứ khi nào đá 5 cầu thì đội lại thua thêm”. Bàn thắng đó đã làm tinh thần của cậu ấy và cả đội tăng lên rất nhiều. Tôi động viên cậu ấy rằng: “Đấy, bạn đã làm nên lịch sử rồi”. Sau đó trong hiệp phụ, đội tuyển Việt Nam ghi thêm 3 bàn nữa.

Năng lượng của tôi dồn hết vào việc làm thế nào để không bị đuổi sau 2 tháng (bật cười). Nhưng phải thú thực là để tạo ra một đội bóng như thế thì đúng là phép màu đấy. Sự quyết tâm của các cầu thủ, ban huấn luyện thật đáng kinh ngạc. Chúng tôi đã rất chăm chỉ trong 2 tháng đó. Nhắc lại buồn, một cầu thủ rất gần gũi với tôi, Bá Tuấn, vừa mất mấy tháng trước. Tôi sốc lắm. Các cầu thủ như em trai của tôi vậy.

Bây giờ nhìn Minh Giang làm HLV, dẫn dắt đội tuyển Việt Nam đến World Cup, tôi thấy mừng cho cậu ấy và cũng hãnh diện nữa. Tôi đã từng đánh giá cậu ấy là một trong những cầu thủ futsal thông minh nhất trong đội.

Cậu ấy đã chơi ở vòng loại và vòng chung kết giải châu Á ở một trình độ rất cao. Thế rồi cậu ấy nghỉ thi đấu luôn. Tôi nói đùa là cậu này hết hứng thú với việc tập luyện cường độ cao đây mà. Dẫu vậy thì tôi biết khi làm HLV, cậu ấy sẽ làm rất giỏi. Cậu ấy biết cách đọc trận đấu. Tôi mừng cho cậu ấy.

Sergio Gargelli anh 3

Ông Sergio từng là thầy của Phạm Minh Giang (giữa), HLV nội đầu tiên trong lịch sử futsal Việt Nam đưa đội tuyển quốc gia đi World Cup. Ảnh: HFF.

- Điều gì khiến ông đánh giá cao năng lực của Phạm Minh Giang đến vậy?

- Bạn biết ô tô có chế độ tiết kiệm xăng chứ? Minh Giang cũng thế đấy. Khi tập luyện, nhiều lúc cậu ta chẳng cố hết 100% sức lực đâu. Mấy lần tôi phải bảo cậu ta là: “Giang ơi, trận tới quan trọng lắm đấy, không tập thế được đâu”. Cậu ấy chỉ điều chỉnh một chút thôi, nhưng vào đến giải là chơi rất hay.

Minh Giang không phải cầu thủ nhanh nhất, khỏe nhất của đội tuyển Việt Nam. Điểm mạnh của cậu ấy nằm ở cái đầu. Cậu ấy đọc được trận đấu và rất giỏi việc đó. Tôi luôn nói Minh Giang là một trong những cầu thủ giỏi nhất mình từng huấn luyện ở Việt Nam. Chính việc đọc được trận đấu giúp cậu ấy có thể chơi bóng ở đẳng cấp cao.

Có lần, khi Minh Giang đã làm HLV đội trẻ, tôi nói với cậu ấy là bây giờ vai trò khác rồi, cậu phải làm sao cho các cầu thủ tập luyện với 100% sức lực đấy, để xem cậu làm thế nào đây. Tôi khích Minh Giang như thế.

Khi huấn luyện một cầu thủ bạn có thể nhìn ra tiềm năng của anh ta khi làm HLV đấy. Những cầu thủ thông minh, biết đọc trận đấu thường sẽ làm tốt vài trò huấn luyện thôi. Tôi nghĩ đó là lý do cậu ấy được làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam.

- Ông đã làm việc ở Việt Nam trong 4 năm. Ông đánh giá đó là thành công hay thất bại?

- Tôi đã đưa cả gia đình đến đây. Chúng tôi đã có một khoảng thời gian rất hạnh phúc. Gia đình tôi cũng thích Việt Nam và có những kỷ niệm đẹp.

Sau giải châu Á 2010, anh Trần Anh Tú nói chuyện với tôi về việc ký hợp đồng 3 năm. Khi ấy, Uzbekistan cũng liên hệ, mời tôi về để chuẩn bị kế hoạch hướng đến World Cup. Tôi nói lại với anh Tú, rằng gia đình tôi vẫn đang sống thoải mái ở Việt Nam và hỏi anh ấy trước xem có kế hoạch đưa đội tuyển Việt Nam lên cao nữa không, có cần đến tôi nữa không? Anh ấy bảo có. Vậy là tôi ở lại.

Tôi chỉ có một nỗi nuối tiếc duy nhất thôi, đấy là SEA Games 2013. Tôi tin là chúng tôi có cơ hội để đánh bại Thái Lan và giành huy chương vàng.

Thực lực Thái Lan mạnh hơn Việt Nam, nhưng thực sự lúc đó trình độ chênh lệch không lớn đâu. Có lẽ chúng tôi đã tiếp cận trận đấu với quá nhiều sức ép. Có thứ gì đó đè nặng lên suy nghĩ các cầu thủ và làm mất đi cơ hội của chúng tôi. Tôi cũng hiểu là việc đánh bại Thái Lan có ý nghĩa với các cầu thủ và cổ động viên Việt Nam thế nào.

Tôi chỉ có một nỗi tiếc nuối vậy thôi. Còn lại thì tôi có thể tự hào nói rằng mình là một trong những người đầu tiên góp sức xây dựng nên thệ thống tổ chức, cấu trúc đội bóng, ý tưởng đào tạo các tuyến trẻ và hình thành giải đấu cấp CLB.

- Nếu được làm lại, ông sẽ thay đổi điều gì ở trận chung kết SEA Games?

- Tôi vẫn tiếc trận đấu đó, trận đấu cuối cùng của tôi với đội tuyển Việt Nam. Chúng tôi thua từ trong tư tưởng. Có lẽ vì nhiều sức ép quá, hoặc là vì chúng tôi ở Myanmar quá lâu, mệt mỏi rồi, nên chúng tôi vào trận với tâm thế ở dưới họ một bậc. Nếu được quay lại, tôi sẽ cố gắng thay đổi một vài thứ trong quá trình chuẩn bị.

Chúng tôi đến SEA Games sau khi đánh bại Brazil (Giải quốc tế TP.HCM tháng 11/2013), mà làm điều đó ngay trước mắt các cầu thủ Thái Lan nữa. Có lẽ vì thế mà sự kỳ vọng được đẩy lên quá mức và tác động không tốt tới cầu thủ. Tôi và các trợ lý không xử lý được điều này.

Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ đó là thời cơ tốt nhất để futsal Việt Nam đánh bại Thái Lan. Lúc đó, tôi nhận thấy rõ rằng Thái Lan đã thực sự xem trọng đội tuyển Việt Nam. Đó đã là một bước tiến lớn rồi, nhưng tôi vẫn tiếc vì không thể có một kết quả tốt hơn.

Sergio Gargelli anh 4

Tuyển futsal Việt Nam lần thứ hai góp mặt ở sân chơi thế giới. Ảnh: VFF.

- Đội tuyển Việt Nam thời đó thua Thái Lan, nhưng thắng được Brazil. Đó hẳn phải là chiến tích đáng tự hào nhất của ông?

- Không thể tin được. Đấy là một giải đấu của những nhà vô địch. Thái Lan vô địch Đông Nam Á, Nhật Bản vô địch châu Á và Brazil là nhà vô địch thế giới. Hai trận đầu, chúng tôi đã chơi tuyệt hay dù thất bại. Đến trận cuối cùng gặp Brazil, tôi nói với các cầu thủ rằng hãy ra sân và tận hưởng đi, vì chúng ta sắp đấu với nhà vô địch thế giới, chỉ có vài cơ hội như thế thôi, nên hãy tận hưởng đi và đừng nghĩ đến kết quả.

Tôi dặn họ là nếu đấu với Brazil mà chỉ nghĩ đến việc phòng ngự với 5 cầu thủ che trước khung thành thì hỏng ngay, vì Brazil sút tốt lắm. Chúng tôi phải áp sát thật nhiều, chạy nhiều hơn họ, và tôi muốn các cầu thủ đừng ngại đi bóng qua người. Tôi đã cố gắng để dùng hết cả cầu thủ, vì ai cũng xứng đáng được ra sân trong một trận đấu như vậy. Trọng Luân, Văn Vũ chơi một trận đẳng cấp cao.

Có một vấn đề mà đội tuyển Việt Nam hay mắc phải lúc đó là không giữ được sự tập trung trong cả trận. Thỉnh thoảng chúng tôi như bị tắt điện ấy, rồi mắc sai lầm ngớ ngẩn. Nhưng trận này, các cầu thủ tập trung suốt 40 phút. Đó là chiến thắng lịch sử đấy, vì không có nhiều đội có thể thắng được Brazil trong 2 hiệp đâu.

- Ông có nhiều vinh quang với futsal Việt Nam, vậy còn nỗi buồn thì sao?

- Tôi nhớ lần đầu tiên thi đấu một giải quốc tế ở Hà Nội, có Qatar, Đài Bắc Trung Hoa và Thái Lan tham dự. Thế mà chỉ có khoảng 200 khán giả thôi. Tôi hơi thất vọng một chút. Tôi tự hỏi vì sao đội tuyển quốc gia thi đấu, vào cửa miễn phí mà ít khán giả thế. Tôi nghĩ là bất cứ môn thể thao nào, khi đội tuyển quốc gia thi đấu ở sân nhà thì nên có nhiều cổ động viên chứ.

Trận gặp Brazil, khán đài có hơn 3.000 người, mà họ mua vé không phải vì được xem đội tuyển Brazil.

Sau này, futsal ở Việt Nam đã được biết đến nhiều hơn. Mọi thứ đã tiến triển rất nhanh. Tôi rất mừng, vì tất cả mọi thứ chứ không phải mỗi kết quả.

- Sau SEA Games năm 2013, ông và đội tuyển Việt Nam chia tay nhau. Lý do là gì?

- Tôi nghĩ lý do là từ cả 2 phía, cả tôi, cả đội tuyển. Tôi cảm thấy sau 4 năm làm việc cật lực với cường độ rất cao, tôi cần một bầu không khí mới. Tôi cũng tin là đội tuyển cần một gương mặt mới. Đó là lựa chọn tốt cho cả 2 bên.

Tôi biết chắc chắn là lứa cầu thủ tài năng tiếp theo sắp ra lò, vì chúng tôi đã xây dựng lên những trung tâm đào tạo để có một thế hệ cầu thủ mới khác hoàn toàn lứa Bảo Quân, có điều kiện tốt hơn, chất lượng đều hơn.

Tôi nhớ lứa cầu thủ đầu tiên, khi tôi mới đến, điểm yếu của họ lộ ra mỗi khi bị đối thủ áp sát. Họ thiếu cả kỹ thuật lẫn tư duy chiến thuật để thoát ra, không giữ được bóng. Tôi đã dạy họ về chiến thuật, nhưng thế là chưa đủ. Thế hệ cầu thủ tiếp theo có điều kiện tốt hơn và nền tảng tốt hơn.

Tôi đã làm việc quá sức rồi. Để tạo ra sự tiến bộ nhanh như thế, để có một đội tuyển Việt Nam như thế là điều nằm ngoài sức tưởng tượng. Hai tháng trước khi tôi đến, đội tuyển Việt Nam hình như vừa thua Malaysia 3-8. Tôi rời Việt Nam sau khi đánh bại đối thủ này 4-0 hay 6-0 gì đó.

- Đội tuyển futsal Việt Nam sẽ dự World Cup vào tháng 9 tới. Ông có muốn gửi lời gì đến cậu học trò cũ Phạm Minh Giang không?

- Tôi muốn nhắn Giang rằng tôi rất vui khi chứng kiến thành công của cậu ấy. Tôi vẫn luôn coi cậu ấy như một người em trai vì chúng tôi không chênh nhau nhiều tuổi. Tôi cũng cảm thấy hãnh diện vì mình từng dạy cho cậu ấy những ý tưởng về futsal, về việc làm HLV và rồi cậu ấy tự phát triển sự nghiệp đến mức này. Tôi tin cậu ấy sẽ còn thành công hơn nữa.

Tôi đã từng nói với các cầu thủ, với Bảo Quân, Minh Giang, Hoàng Giang, Quốc Tuấn rằng các bạn chính là trụ cột của futsal Việt Nam sau này. Tôi chỉ ở đây tạm thời thôi, nhưng các bạn sẽ còn đóng góp nhiều hơn nữa. Vậy nên các bạn phải tạo ra tương lai cho mình và cho futsal Việt Nam.

Tôi rất vui vì nhiều người đã trở thành HLV và có được thành tích. Họ hiểu được nhưng thông điệp mà tôi gửi gắm khi đó, sau những năm tháng nỗ lực cật lực cùng tôi.

Tôi rất mừng vì futsal Việt Nam có thể tự đi trên đôi chân của mình. Bây giờ các bạn có thể không cần tới những HLV người nước ngoài như tôi nữa.

- Cảm ơn ông vì cuộc trao đổi.

Tuyển futsal Việt Nam mặc đồ bảo hộ khi về TP.HCM Sáng 27/5, tuyển futsal Việt Nam có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) sau chuyến bay từ Dubai (UAE) về Việt Nam. Ngay sau đó, toàn đội sẽ cách ly tập trung 21 ngày.

Thái Lan chúc mừng Việt Nam giành vé tới futsal World Cup

Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) gửi thư chúc mừng sau khi đội tuyển futsal Việt Nam giành vé dự World Cup tối 25/5.

'Futsal Việt Nam dự World Cup không phải ăn may'

Chuyên gia Ngô Lê Bằng khẳng định tuyển futsal Việt Nam có thể may mắn khi tránh được Thái Lan ở vòng play-off, nhưng chúng ta hoàn toàn xứng đáng với tấm vé dự World Cup.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm