Từng ở vào tình cảnh tương tự đồng nghiệp CLB Quảng Ninh khi Kiên Giang giải thể hồi năm 2013, cựu cầu thủ Lưu Ngọc Hùng thấu hiểu hoàn cảnh của các đồng nghiệp. Anh khẳng định nếu để đội bóng giải thể thì không còn ai mà kiện, tiền cũng không biết đòi ai và cầu thủ sẽ mất trắng những khoản thu nhập.
"Đầu tiên, mình phải nói rằng đó là hoàn cảnh không ai mong muốn. Các ông bầu là bơm tiền nuôi đội bóng. Họ cũng không muốn như vậy. Nhưng bóng đá phải đi đôi với kinh tế. Nhìn tình hình bây giờ, tôi thấy thương anh em cầu thủ ở Quảng Ninh", anh nói với Zing.
Cựu cầu thủ kiêm HLV Lưu Ngọc Hùng, người từng ra điều kiện với CLB Kiên Giang để đòi quyền lợi cho cầu thủ. Sau đó, anh bị tước băng đội trưởng và phải xuống tập ở đội trẻ. Ảnh: NVCC. |
Chủ tịch CLB Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng đã 5 lần gửi thư xin trả đội bóng lại cho tỉnh Quảng Ninh nhưng chưa được chấp nhận. Vì vậy, lãnh đạo đội bóng tuyên bố sẽ giải thể CLB sau ngày 22/8. Trước thông tin này, các cầu thủ ở đây một lần nữa dọa kiện đội bóng.
Nhóm cầu thủ bị nợ lương, lót tay bắt đầu dọa từ tháng 4. Lần này, họ tuyên bố sẽ kiện lên AFC và thậm chí là FIFA (Liên đoàn Bóng đá Châu Á và thế giới). Nhưng có lẽ điều này sẽ trở nên vô nghĩa nếu CLB Quảng Ninh tuyên bố giải thể trong nay mai. Khi đội bóng chuẩn bị giải thể, các cầu thủ mới đang lo tìm luật sư.
HLV Ngọc Hùng nói: "CLB mà giải tán rồi kiện làm gì nữa? Cầu thủ Quảng Ninh quá tốt. Họ bị nợ từ năm 2019 mà vẫn đá với một tinh thần thi đấu quả cảm, phải nói là 'dã man'. Nhưng họ không nghĩ cho mình sớm hơn. Họ quá tin vào lời hứa của lãnh đạo".
Cựu cầu thủ sinh năm 1982 nhớ lại kỷ niệm năm 2013 khi anh làm đội trưởng đội Kienlongbank Kiên Giang. Họ bị nợ lương từ lượt đi V.League. Đến trước ngày lên máy bay đi thi đấu ở Thanh Hóa, cả đội bóng đình công. Ngọc Hùng thừa nhận anh là người cầm đầu vụ việc.
Anh kể khi có thông tin cầu thủ dọa bỏ giải, CLB bị ảnh hưởng và hình ảnh bóng đá Việt Nam cũng bị tác động. Trước sức ép bên ngoài từ báo chí và nội bộ bên trong, lãnh đạo CLB đã hứa thanh toán 2 tháng lương, 40% lót tay và tiền cơm trước ngày đi Thanh Hóa.
"Nếu tôi không đứng lên hô hào anh em thì giờ một đồng cũng không có. Tôi biết cái 'mùi' CLB hẹn đến cuối giải, sau đó tuyên bố giải thể là chúng tôi mất trắng. Mọi thứ sau đó đúng như vậy, chúng tôi mất phần còn lại. Không có ai chịu trách nhiệm trả khoản tiền còn thiếu đó cho chúng tôi", anh cay đắng nhớ lại.
Khả năng đòi lại tiền của các cầu thủ Quảng Ninh là rất thấp nếu đội bóng giải thể. Ảnh: Quang Thịnh. |
Tháng 11/2013, CLB Kiên Giang giải thể, cầu thủ thuê luật sư với mong muốn đòi tiếp số tiền còn thiếu nhưng đành bỏ cuộc. Kịch bản diễn ra giống hệt CLB Quảng Ninh ở thời điểm này.
Hồi tháng 4/2020, cầu thủ Quảng Ninh cũng đình công, lên khán đài ngồi chứ không tập. Sau đó, đội bóng thanh toán 10 tỷ đồng gồm tiền lương 7 tháng cho toàn đội. Tuy nhiên, số tiền lót tay, thưởng từ mùa giải 2019 đến nay là một con số khổng lồ lên đến gần 70 tỷ đồng.
Hàng trăm cầu thủ từ lứa trẻ đến đội 1 của Quảng Ninh lâm vào hoàn cảnh khốn khổ. Một số cầu thủ có tên tuổi may mắn đã tìm được bến đỗ từ mùa 2020 như thủ môn Huỳnh Tuấn Linh (HAGL), Nguyễn Văn Việt (HAGL)... Vài cầu thủ cố nán lại mùa giải 2021 cũng sắp đi.
Dù họ có chuyển sang CLB khác, số tiền lót tay, thưởng, lương vẫn chưa được thanh toán. Tuấn Linh hay Văn Việt vẫn thường xuyên "than thở" trên mạng xã hội để nhờ giúp đỡ. Đa số cầu thủ không muốn làm căng vì còn nặng tình.
HLV Lưu Ngọc Hùng nhận định: "Tâm lý cầu thủ của mình là ngại, không dám lên tiếng. Đội bóng phải có một người 'gấu' chút, phải có đầu tàu, dám lên tiếng chứ không là rất dễ bị chia rẽ. CLB chỉ cần hứa riêng với 1, 2 trụ cột là coi như êm thấm nội bộ".
Vụ việc ở Quảng Ninh vẫn chưa có thêm diễn biến mới. Trong thời gian V.League dừng lại, khả năng cầu thủ Quảng Ninh được thanh toán số tiền còn thiếu là rất thấp.