HLV Miura chưa bao giờ tuyên bố về một chiến thuật kiểu “xe bus 2 tầng”. Khi mới bắt tay vào công việc ở Việt Nam, nhà cầm quân người Nhật phát biểu ông hướng đến lối chơi tấn công. Sau này, ông nhấn mạnh đội bóng cần cân bằng giữa công và thủ.
Nhưng thực tế qua 3 tập thể do HLV Miura dẫn dắt từ năm 2014, phòng ngự luôn là ưu tiên hàng đầu. Trận đấu giữa Olympic Việt Nam với Olympic Nhật Bản có thể được xem là ví dụ điển hình cho triết lý bóng đá của chiến lược gia sinh năm 1963.
HLV Miura đã bố trí một hàng phòng ngự dày đặc trong trận đấu với Olympic Nhật Bản. Ảnh: Tuấn Mark |
Theo dõi trận đấu nêu trên, HLV Lê Thụy Hải nhận xét trên tờ Thể Thao 24h: “Lần đầu tiên tôi thấy HLV Miura để lại dấu ấn rõ ràng về mặt chiến thuật. Cầu thủ Olympic Việt Nam đứng kín với số đông trên phần sân nhà để phòng ngự khu vực, không mải mê lao vào những cuộc đua sức và “phá” trận đấu một cách hợp lý. Không thua đậm và thua dễ, không cho đối thủ thoải mái bắn phá cầu môn là thành công với mục tiêu đề ra”.
Những trận đấu hay nhất của bóng đá Việt Nam dưới thời nhà cầm quân người Nhật cũng là sản phẩm của lối chơi phòng ngự - phản công. Chiến thắng không tưởng 4-1 trước Olympic Iran tại Asian Games 17 diễn ra trong tình thế đối thủ cầm bóng nhiều hơn nhưng cuối cùng trả giá vì những đòn “hồi mã thương” của các học trò HLV Miura. Còn tỷ số 2-1 trước Malaysia ở trận bán kết lượt đi AFF Cup 2014 là kết quả của chiến thuật “mang xe bus” tới Shah Alam.
Một ví dụ nữa củng cố thêm triết lý bóng đá của chiến lược gia sinh năm 1963 là những tiền vệ tấn công cừ như Tấn Tài hay Tuấn Anh không được trọng dụng trong sơ đồ “2 số 6” yêu thích của ông. Với HLV Miura, tiền vệ tấn công hay là chưa đủ mà còn cần phải biết tham gia phòng ngự.
Tận dụng những tình huống cố định cũng là giải pháp chiến thuật được nhà cầm quân người Nhật đặc biệt lưu tâm. Hai trong số 3 tình huống đá phạt hàng rào của Mạnh Hùng ở trận gặp Olympic Malaysia đều suýt biến thành bàn thắng. Còn pha đánh đầu hiểm của tiền vệ nhỏ con Huỳnh Tấn Tài từ quả đá phạt trong trận gặp Olympic Nhật Bản cho thấy, đó là miếng đánh có ý đồ của Olympic Việt Nam khi thất thế hoàn toàn về quyền kiểm soát trận đấu.
Sự máu lửa và mạnh mẽ trong lối chơi là những phẩm chất được HLV Miura đánh giá cao. Ảnh: Nguyễn Đăng |
Theo chiều ngược lại, những đội bóng của HLV Miura không thật sự ấn tượng khi được đặt vào thế cửa trên và đá tấn công. Minh chứng rõ ràng của điều đó là thất bại 2-4 trước Malaysia ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2014. Trận thua này có thể được xem là bài học đối với chiến lược gia sinh năm 1963 khi từ bỏ lối chơi chắc chắn sở trường để nhập cuộc bằng những pha lên bóng ào ạt đánh phủ đầu đối thủ.
Gần một năm làm việc ở Việt Nam, bản phác thảo về HLV Miura đã tương đối hoàn thiện. Còn ở Nhật Bản quê hương ông, triết lý bóng đá đề cao sự an toàn của cựu HLV Consadole Sapporo đã trở nên quen thuộc.
Ông Takashi Morimoto, cựu phóng viên thể thao Nhật Bản và giờ chuyển sang nghề môi giới cầu thủ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 12/2014 với tờ Thể Thao Văn Hóa: “Ở Nhật, HLV Miura thường bị các cổ động viên “kết tội” vì lối chơi thiên về phòng ngự, nhưng ông ấy không bao giờ thay đổi triết lý của mình”.
Takashi Morimoto (trái) chụp hình lưu niệm cùng huyền thoại Michael Laudrup. Ảnh: NVCC |
Lối chơi phòng ngự từng mang đến thành công cho HLV Miura song cũng không ít lần khiến ông trả giá. Takashi Morimoto chia sẻ thêm: “Với lối chơi đó, ông Miura đã đưa CLB Omiya Ardija lên hạng J.League, nhưng thất bại cùng Ventlforet Kofu và Vissel Kobe".
Kết luận chung về HLV Miura ở Nhật là ông phù hợp với những đội bóng nhỏ, nằm cửa dưới. Chiến lược gia sinh năm 1963 cũng được đánh giá khá mát tay trong việc phát hiện và nâng tầm những cầu thủ trẻ hoặc vô danh. Điều đó trùng hợp hoàn toàn với những gì ông đang thể hiện trong công việc ở Việt Nam.