Sau SEA Games 28, một số ý kiến cho rằng, việc U23 Việt Nam không thể hiện được lối chơi phối hợp kỹ thuật xuất phát từ nguyên nhân HLV Miura không có sự phục vụ của những cầu thủ như Xuân Trường, Tuấn Anh... vì chấn thương.
Nhưng thực tế, tiền vệ Tuấn Anh đã không có chỗ đứng trong đội hình chính của U23 Việt Nam từ Vòng loại U23 châu Á. Ở giải đấu này, Tuấn Anh chỉ đá gần hết trận ra quân gặp U23 Malaysia. Sau đó, anh không xuất hiện thêm một phút nào, dù đối thủ chỉ khiêm tốn như U23 Macau.
Tuấn Anh từng rất vất vả để hòa nhập với lối chơi của U23 Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn |
Thế nên, đặt ra giả thiết không rút lui vì chấn thương, Tuấn Anh cũng khó cạnh tranh vị trí với những gương mặt được HLV Miura ưa thích hơn như Duy Mạnh, Hữu Dũng hay Huy Hùng. Nếu Hoàng Thịnh không bị gãy 2 xương sườn trước SEA Games 28, Tuấn Anh thậm chí còn đối diện nguy cơ bị loại.
Trường hợp của tiền vệ HAGL khá giống với người đàn anh Tấn Tài trong màu áo ĐTVN tại AFF Cup 2014. Khả năng kiểm soát bóng cũng như điều tiết trận đấu của Tấn Tài, theo đánh giá chung, tốt hơn so với Huy Hùng và Hoàng Thịnh. Nhưng bất lợi về thể hình cùng khả năng tranh chấp khiến cựu thủ quân ĐTVN không được HLV Miura đánh giá cao bằng 2 người đàn em.
Sau 4 giải đấu kể từ khi bắt tay vào công việc ở Việt Nam, một đặc điểm được rút ra từ các đội bóng của HLV Miura là đội hình 6-4 có sự phân chia khá rõ ràng giữa 2 nhiệm vụ phòng ngự và tấn công.
Với hàng tiền vệ, sơ đồ yêu thích của ông không phải “hình kim cương” với một cầu thủ đảm nhiệm chức năng thu hồi bóng, người còn lại kiến tạo cơ hội và sẵn sàng lao lên dứt điểm. Nhà cầm quân người Nhật thường xuyên lựa chọn sơ đồ “2 số 6” để mang đến sự an toàn tối đa bên phần sân nhà.
Đó là lý do ông trao cơ hội cho Duy Mạnh (từng bị loại khỏi U19 Việt Nam) hay Hữu Dũng tại SEA Games 28, những cầu thủ nổi trội ở khả năng tranh chấp và đeo bám song không phân phối bóng tốt.
Thể hình và thể lực của Thanh Hiền (trái) khiến anh nhận được sự tín nhiệm của HLV Miura. Ảnh: Tùng Lê |
Với hàng phòng ngự, tiêu chuẩn đầu tiên của HLV Miura là thể hình và thể lực. Từ Asian Games 17, AFF Cup 2014 đến SEA Games 28, không hậu vệ nào của các đội tuyển Việt Nam có chiều cao dưới 1,7 m. Lần duy nhất HLV Miura phải chấp nhận sử dụng những “chú lùn” là Vòng loại U23 châu Á, do giới hạn về độ tuổi của cầu thủ (sinh năm 1993 trở về).
Tất nhiên, thể hình có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là ở vị trí trung vệ. Còn ở 2 biên, điều này chỉ có ý nghĩa tương đối. Các nhà cầm quân ngoại trước thời HLV Miura cũng sử dụng những hậu vệ biên không quá cao to. Song với ông Miura, hàng loạt cầu thủ có kỹ thuật hoặc khả năng bám biên rất tốt như Âu Văn Hoàn, Hồng Duy hay Văn Sơn… đã bị bỏ qua.
Hệ quả là, ở các đội bóng của nhà cầm quân người Nhật, người ta hiếm thấy những pha leo biên hỗ trợ tấn công một cách hiệu quả của các hậu vệ cánh. Hình ảnh quen thuộc bị nhiều ý kiến chỉ trích là cách hàng phòng ngự thường xuyên sử dụng những pha phất bóng dài lên tuyến đầu, trong đó tỷ lệ chính xác rất thấp.
Hồng Duy có kỹ thuật tốt nhưng hạn chế về thể hình. Ảnh: Tùng Lê |
Bầu Đức từng phát biểu về việc Tuấn Anh không được trọng dụng dưới thời HLV Miura: “Cậu ta không được đào tạo để đá kiểu như vậy”.
Tiền vệ người Thái Bình được đánh giá là gương mặt xuất sắc của ĐT U19 Việt Nam cũng như lứa cầu thủ khóa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG. Nên không ngạc nhiên khi rất nhiều đồng đội của anh ở cả 2 địa chỉ nêu trên cũng không tìm được chỗ đứng tại các đội bóng của nhà cầm quân người Nhật. Vì phong cách thi đấu của họ hoàn toàn khác biệt với triết lý bóng đá của HLV Miura.
Chiến thuật được hình thành trên cơ sở con người. Sự lựa chọn nhân sự của HLV Miura có tính chủ động. Vì vậy, không thể coi lối chơi của U23 Việt Nam tại SEA Games 28 là phương án bị động từ tình huống chấn thương.