Nhìn lại trận đấu U23 Việt Nam - U23 Thái Lan, chuyên gia Trịnh Minh Huế chia sẻ: “Nói chúng ta giấu bài là cách nói cho vui. Vì U23 Việt Nam chưa đạt đến trình độ để thay đổi muôn hình vạn trạng. Chúng ta cũng rất muốn giành kết quả tốt trước U23 Thái Lan, nhưng bất lực thì phải chấp nhận”.
Ông Trịnh Minh Huế từng là cầu thủ và HLV của Thể Công, tuyển Quân đội, đội tuyển Olympic. Ảnh: NVCC |
Ấn tượng lớn nhất để lại trong suy nghĩ của cựu HLV Thể Công là việc HLV Miura đã sắp xếp cầu thủ thi đấu trái với sở trường của họ. Hậu vệ phải Thanh Hiền đá biên trái, trong khi tiền vệ Đức Huy đá hậu vệ phải, còn Phi Sơn được đặt vào vị trí tiền vệ phải…
“Bóng đá cũng như cuộc sống, đôi khi tài lẻ của anh lấn át những kỹ năng sở trường. Nhưng không phải lúc nào điều này cũng thu lại hiệu quả như mong muốn”, ông Huế tâm sự.
Ở trận đấu gặp U23 Lào, Thanh Hiền đã bất ngờ tỏa sáng bằng pha lập công duy nhất, khi được bố trí đá hậu vệ trái. Nhưng điều đó chỉ có ý nghĩa tình huống và thời điểm, chứ không phải một dạng kỹ năng sở trường của cầu thủ người Đồng Tháp.
Chuyên gia Trịnh Minh Huế bày tỏ cảm giác khó hiểu: “Khi đã bước vào sâu trong giải, bất kỳ đội bóng nào cũng coi trọng sự ổn định. U23 Thái Lan chính là ví dụ của điều này. Con người ở từng vị trí cụ thể có thể thay đổi, nhưng họ vẫn đá theo một lối chơi, chiến thuật nhất quán. Trong khi đó, U23 Việt Nam lại liên tục xáo trộn”.
Ngoài sự xáo trộn trong cách sắp xếp nhân sự, đội bóng của HLV Miura đã chuyển từ sơ đồ 4-4-2 suốt từ đầu giải sang sơ đồ 5-4-1 trong cuộc đọ sức U23 Thái Lan. Sau đó, sự lúng túng của cả tuyến phòng thủ lẫn hàng tấn công đã khiến nhà cầm quân người Nhật chuyển về sơ đồ 4 hậu vệ trong những phút cuối trận đấu.
Hàng phòng ngự U23 Việt Nam lúng túng trước các chân sút U23 Thái Lan. Ảnh: Hoàng Hà |
Theo ông Huế, hệ quả của những sự thay đổi liên tiếp là U23 Việt Nam chưa cho thấy sự ổn định cần phải có. Cứ sau một trận đấu thăng hoa, đội bóng của HLV Miura lại thể hiện diện mạo ít nhiều đáng thất vọng.
Bằng kinh nghiệm cầm quân của mình, cựu HLV Thể Công chia sẻ: “Cầu thủ nào cũng muốn được đá hợp với sở trường của anh ta. Vì như vậy sẽ giúp họ dễ tỏa sáng hơn. Đá trái với sở trường có thể diễn ra ở một vài thời điểm nào đó. Về lâu dài, điều này vừa khiến cầu thủ khó phát huy hết khả năng, vừa khiến họ bị ức chế”.
Ý nghĩa sở đoản còn được thể hiện trong lối chơi của U23 Việt Nam. Chuyên gia Trịnh Minh Huế không phải nhân vật đầu tiên phàn nàn về việc các cầu thủ vẫn có xu hướng lạm dụng khả năng tranh chấp và phất những đường chuyền dài. Trong khi đó, tâm trạng chung của đa phần người xem là chờ đợi những pha phối hợp rất hiếm khi diễn ra.
Tiền đạo Pakorn loại bỏ toàn bộ hàng phòng ngự U23 Việt Nam ghi bàn mở tỷ số. Ảnh: Hoàng Hà |
Ngay từ quá trình chuẩn bị của U23 Việt Nam, cựu HLV Thể Công từng chỉ ra nguy cơ chấn thương và thẻ phạt nếu các học trò của HLV Miura vẫn đá kiểu “quăng quật”. Với 4 cầu thủ dính chấn thương (một người chia tay) và 7 thẻ vàng đến trước trận đấu gặp U23 Thái Lan, U23 Việt Nam rõ ràng đã phải trả giá bởi chính lối chơi không phải sở trường của mình.
Theo ông Huế, nguy cơ tiếp theo sẽ nằm ở sự thiếu ổn định của U23 Việt Nam: “Nếu chúng ta vẫn đá kiểu loay hoay, mơ hồ và lúc tỏ lúc mờ như thế này, đó là cách tự làm khó chính mình”.
Chia sẻ với quan điểm của chuyên gia Trịnh Minh Huế, HLV Vương Tiến Dũng cũng nhận xét, U23 Việt Nam thường ăn bàn theo tình huống, chứ không phải theo thế trận. Nên khi gặp U23 Thái Lan ở một đẳng cấp cao hơn và không bộc lộ sơ hở, các học trò của HLV Miura đã thể hiện sự bế tắc toàn diện.
Trong khi đó, cựu trung vệ ĐTVN Nguyễn Mạnh Dũng bày tỏ: "Bóng đá Việt Nam chưa bao giờ đủ trình độ để áp đặt lối chơi trước Thái Lan. Một số sự điều chỉnh về nhân sự của HLV Miura không thể gọi là giấu bài. Thực tế, lối chơi của U23 Việt Nam cũng không có bài để giấu".