Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Văn Toàn, Bùi Tiến Dũng, Phạm Đức Huy, Hồ Tuấn Tài cùng 2 thủ môn Phí Minh Long và Lê Văn Trường là 7 cầu thủ hiếm hoi của lứa U19 trụ lại đội U23 Việt Nam dưới thời HLV Miura. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Toàn có thể sớm chia tay SEA Games do chấn thương cổ chân chưa kịp hồi phục.
Tuấn Anh, cầu thủ xuất sắc nhất của lứa U19 Việt Nam, không thể hiện được mình khi lên khoác áo đội U23. Ảnh: Anh Tuấn. |
Thực tế, những nhân tố xuất sắc của lứa U19 thi đấu thành công năm 2014 đã rơi rụng gần hết. Quá trình từ đội U19 lên U23 giống như một cuộc thi “chuyển cấp” khắc nghiệt mà các cầu thủ đã không kịp thay đổi để thích ứng, hoặc dính chấn thương đáng tiếc, dẫn đến việc bị đào thải.
Dưới thời HLV Guillaume Graechen, U19 Việt Nam chủ trương chơi tấn công, thi đấu cống hiến, yếu tố kỹ thuật được đề cao. Còn triết lý của HLV Miura là sự thực dụng, chú trọng thể lực và tinh thần chiến đấu. Ở đội U23 Việt Nam, sự phù hợp với lối chơi mới là điều quan trọng nhất, tài năng là chưa đủ.
Đơn cử như trường hợp của Tuấn Anh, cầu thủ được đánh giá xuất sắc của lứa U19. HLV người Nhật Bản cho anh khá nhiều cơ hội trong quá trình chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á 2016, nhưng tiền vệ này không tận dụng được. Tuấn Anh tiết lộ nguyên nhân: “Ở CLB tôi quen kiểm soát bóng, điều tiết thế trận còn lên đội tuyển phải học cách chơi nhanh, ít chạm, tranh chấp mạnh mẽ”.
Ngoài Tuấn Anh, những cầu thủ lứa U19 khác như Lê Văn Sơn, Vũ Văn Thanh, Phan Văn Long, Quang Hải, Minh Vương, Văn Đức và Anh Thi cũng không hợp với tiêu chí chọn người của ông thầy người Nhật Bản. Trong khi đó, Xuân Trường, Hoàng Thanh Tùng, Nguyễn Phong Hồng Duy, Đông Triều chấn thương nên không có cơ hội thể hiện tài năng.
Công Phượng, cầu thủ tưởng chừng khó lọt vào mắt xanh của chiến lược gia người Nhật Bản bởi lối chơi rườm rà, cá nhân lại hòa nhập rất tốt. Anh tỏa sáng ở vòng loại U23 châu Á dù bị chỉ trích ở các trận giao hữu chuẩn bị cho giải đấu. Trước đó, HLV Miura đã khẳng định chắc chắn: “Công Phượng sẽ thích nghi với triết lý của tôi”.
Công Phượng đôi lúc lạm dụng kỹ thuật cá nhân, nhưng anh là cầu thủ không thể thiếu trong sơ đồ chiến thuật của HLV Miura ở đội U23 Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn. |
Cựu danh thủ ĐTVN Nguyễn Văn Sỹ cho biết: “Theo tôi có hai nguyên nhân chính khiến lứa U19 không trụ lại ở đội U23. Thứ nhất là khác biệt về độ tuổi, lứa U19 sẽ thi đấu tốt nếu khoác áo đội U20 trong năm nay, còn U23 trình độ tiến đến gần ĐTQG, có đòi hỏi rất cao nên việc các cầu thủ trẻ không thể theo về chuyên môn cũng là điều dễ hiểu.
Thứ hai, về thể lực, lứa U19 có nền tảng thể lực kém, không so được với U19 Myanmar chứ chưa nói đến U19 Nhật Bản hay U19 Hàn Quốc. Để cải thiện điều này cần một thời gian dài, ít nhất vài năm chơi ở V.League. Đây là điều mà các cầu thủ trẻ, điển hình như lứa của HAGL không có nên họ không thể đáp ứng được yêu cầu về thể lực của HLV Miura”.
Việc thiếu vắng nhiều cầu thủ của lứa U19 có thể khiến người hâm mộ chạnh lòng nhưng đó là kết quả tất yếu bởi sự khác biệt quá lớn trong phong cách chơi của hai đội. Đây cũng là bài học để nhiều cầu thủ nỗ lực thay đổi, hoàn thiện bản thân để có thể thích ứng với bất cứ lối chơi nào.
So với các đội bóng khác, U23 Việt Nam sử dụng nhiều cầu thủ từ lứa U19 hơn cả. U23 Indonesia chỉ đôn một vài cầu thủ, tiêu biểu là tiền vệ Evan Dimas, để dự SEA Games, còn U23 Thái Lan tin dùng tiền đạo Chendrop Samphaodi.