Việc Công Phượng đá như một tiền vệ trung tâm trong khoảng nửa thời gian thi đấu trận bán kết không phải là lý do trực tiếp khiến U23 Việt Nam thua U23 Myanmar. Nhưng điều này là nguyên nhân khiến đội bóng của HLV Miura đánh mất sự cân bằng.
Khả năng tranh chấp chưa bao giờ là điểm mạnh của Công Phượng. Ảnh: Anh Tuấn |
Ngay sau trận đấu, chuyên gia Phan Anh Tú từng bày tỏ quan điểm: “Việc tung Phi Sơn vào sân đầu hiệp 2 và kéo Công Phượng đá thấp, trám vào vị trí của Duy Mạnh, đã phá vỡ một kết cấu vận hành khá trơn tru trong hiệp một”.
Theo Tổng thư ký LĐBĐ Hà Nội, tuy chưa có bàn gỡ hòa sau khi bị U23 Myanmar dẫn trước 1-0, với Hồng Quân, Công Phượng trên tuyến đầu, U23 Việt Nam vẫn duy trì thế trận áp đảo đối thủ. Nếu kiên nhẫn hơn và chỉnh lại "thước ngắm", các chân sút của HLV Miura đủ khả năng tìm kiếm bàn gỡ.
Còn kể từ thời điểm Duy Mạnh rời sân, khả năng đánh chặn và bao quát trận đấu từ tuyến 2 của U23 Việt Nam đã bị suy giảm đáng kể. Lý do của điều này xuất phát từ việc Công Phượng bị đặt vào vị trí không phải sở trường. Trong khi đó, sự sắc sảo trong các đợt tấn công của U23 Việt Nam không còn nguyên vẹn như những phút đầu trận. Đây có thể xem là nguyên nhân gián tiếp giúp U23 Myanmar vùng lên có bàn ấn định tỷ số 2-1.
Nhận xét của ông Phan Anh Tú cũng được một cựu trợ lý của HLV Miura ở đội tuyển Việt Nam chia sẻ. Trước trận tranh HCĐ, vị cựu trợ lý này đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Đừng bắt Công Phượng đá tiền vệ trung tâm nữa. Mất 7 năm ăn tập để trở thành một tiền đạo như bây giờ mà sau vài buổi tập đã có ngay một tiền vệ trung tâm giỏi, không lẽ HAGL phải xem lại mô hình đào tạo”.
Xuyên suốt quá trình diễn ra SEA Games 28, không dưới 4 lần HLV Miura sử dụng Công Phượng ở vị trí tiền vệ. Ngoài trận bán kết nêu trên là các trận gặp U23 Brunei, U23 Lào và U23 Thái Lan ở vòng bảng.
Tiền đạo của HAGL chỉ thực sự thành công với vai trò mới ở trận ra quân gặp U23 Brunei khiêm tốn về mọi mặt. Các trận sau đó, Công Phượng khá mờ nhạt khi đá tiền vệ.
Bàn thắng của Thanh Hiền ở trận gặp U23 Lào khó được tính là nhờ công kiến tạo của Công Phượng. Vì đó là tình huống trái bóng bật ra, sau pha đột phá bất thành của tiền đạo HAGL bởi sự truy cản của đối phương.
Ngay từ trận đấu gặp U23 Lào, Công Phượng đã không còn nổi bật với vai trò mới. Ảnh: Hoàng Hà |
Tất nhiên, Công Phượng cũng không chơi quá tệ trong vai trò của một tiền vệ. Bởi nếu thế, HLV Miura đã không dùng anh tới 4 lần ở khu vực giữa sân.
Phẩm chất kỹ thuật của Công Phượng, theo đánh giá chung, vượt trội so với nhiều đồng đội ở U23 Việt Nam. Thế nên, dù không phải ở trung lộ, cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo HAGL Arsenal JMG vẫn có thể đá tốt nếu đặt ra tình huống phải di chuyển sang biên.
Nhưng vấn đề mấu chốt là khi đặt vào những vị trí đó, Công Phượng sẽ khó phát huy hết tố chất của một số 10 mà rất lâu bóng đá Việt Nam mới sản sinh ra.
Trong phát biểu mới nhất trên báo Thể thao & Văn hóa, HLV Lê Thụy Hải nhận xét: “Không cầu thủ Việt Nam nào đủ trình độ để đá nhiều vị trí như cách sử dụng nhân sự của HLV Miura ở đội tuyển U23”. Những gì diễn ra cho thấy, Công Phượng cũng không phải ngoại lệ.
Trước đó, chuyên gia Trịnh Minh Huế chia sẻ, việc sắp xếp cầu thủ đá trái sở trường chỉ có ý nghĩa thời điểm và tình huống. Về lâu dài, điều này khiến họ khó phát huy tối đa khả năng và rất dễ dẫn đến ức chế.
Ông Huế thậm chí còn phán đoán: “Tôi nghĩ, nhiều cầu thủ U23 Việt Nam không muốn đá trái sở trường. Nhưng họ sợ HLV, sợ mất vị trí nên không nói ra mà thôi”.
Hình ảnh bất lực của Công Phượng trong trận bán kết gặp U23 Myanmar. Ảnh: Tùng Lê |
Trường hợp của Công Phượng chỉ là một ví dụ ở đội bóng mà ngoài thủ môn, hầu hết cầu thủ đều đá ít nhất 2 vị trí với chính sách xoay tua lực lượng của HLV Miura.
Nhà cầm quân người Nhật cũng không muốn điều này. Ông từng phát biểu, với 20 cầu thủ cho 7 trận đấu, U23 Việt Nam bắt buộc phải quay vòng lực lượng để tránh nguy cơ chấn thương và thẻ phạt.
Nhưng xoay tua lực lượng không đồng nghĩa với việc đặt cầu thủ vào vị trí không phát huy được hết khả năng, nhất là trong thời điểm có ý nghĩa quyết định của cả giải đấu.