- Thưa HLV Lê Thụy Hải, SEA Games 28 đã qua và giờ là lúc chúng ta cùng điểm lại những gì U23 Việt Nam đã làm được. Ở góc quan sát của mình, ông nhận xét thế nào về HLV Miura?
- Chuyện nhận xét tất cả đều biết, nhiều người cũng nói rồi. U23 Việt Nam vào bán kết và đoạt HCĐ cũng tốt đấy chứ. Trước giải, HLV Miura đăng ký chỉ tiêu vào bán kết, bây giờ ông ấy hoàn thành trên cả chỉ tiêu thì việc ấy phải nên mừng.
- Nếu có sự nuối tiếc nào đó, ông nghĩ chúng ta liệu đủ sức vào chung kết?
- Cái gì qua rồi thì khó mà nói nó sẽ thành hiện thực, nhất là giờ này tôi và bạn đang ở đây nói về quá khứ. Nhưng tôi cho rằng HCĐ phù hợp với thực tế của U23 Việt Nam. Đơn giản là chúng ta đã có thành tích.
HLV Miura hoàn thành chỉ tiêu vào bán kết nhưng thực chất bóng đá Việt Nam đã 8 lần làm được điều này trong 10 giải gần đây. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Nhiều người cho rằng, HLV Miura đã nâng tầm bóng đá Việt Nam khi tìm ra nhiều nhân tố mới, phát hiện mới…
- Xin cắt lời bạn một chút. Vấn đề này cần phải thận trọng hơn nữa mới suy xét được. HLV Miura có thể mang đến một vài hiệu ứng tích cực cho đội tuyển, nhưng để nói ông ấy đã nâng tầm bóng đá Việt Nam thì lớn lao quá.
Tôi nghĩ, một HLV mà nâng cả nền bóng đá thì… tuyệt vời thật. Hơn nữa, tôi thấy các cầu thủ ở SEA Games đâu phải phát hiện của ông Miura? Các vị trí mà họ chơi đều đã được các HLV nội tìm ra và xây dựng ở V.League cả đấy chứ.
- Theo quan điểm của ông, U23 Việt Nam đã chơi như thế nào ở kỳ SEA Games vừa rồi và ông Miura đã làm công việc của mình ra sao?
- Phải công bằng nhìn nhận cho đúng đắn thế này: U23 Việt Nam gần như không có lối chơi nào ở SEA Games 28. Tôi lấy ví dụ rất giản đơn, một đội bóng cần có bộ khung ổn định và lối chơi sẽ được HLV xây dựng trên bộ khung ấy. Nhưng U23 Việt Nam có bộ khung nào đâu? Chúng ta có đến dăm, bảy đội hình cho cả giải thì lấy đâu ra lối chơi?
- Phải chăng việc thay đổi đội hình cũng là một trong những phương án “giấu bài” của HLV Miura?
- Tôi từng trả lời câu hỏi này 1-2 lần gì đó, tôi không nhớ chính xác. Nhưng một đội bóng giấu bài thì nghĩa là họ phải có lối chơi, rồi dựa vào đó để giấu gì thì giấu. Như Thái Lan chẳng hạn, họ xây dựng lối chơi ngắn nhỏ, tận dụng sức di chuyển nhanh, lên là băng biên, tạt thì tầm thấp, không đánh phía ngoài thì chuyển vào trung lộ. Họ đa dạng thế mới đủ trình độ để giấu bài. Còn U23 Việt Nam, tôi nghĩ là không có bài mà giấu. Chúng ta chơi rất lộn xộn cả về con người lẫn nguyên tắc.
Theo nhận định của ông Lê Thụy Hải, việc kéo Công Phượng đá lùi chính là giúp đối phương được "uống tăng lực". Ảnh: Anh Tuấn |
- Theo ý ông thì đấy chính là hạn chế của đội bóng và nên được coi là nguyên nhân bất ổn?
- Đây không phải là hạn chế của đội bóng, mà nhiệm vụ của HLV Miura chưa được hoàn thành. Tôi không có ý chê trách gì ông ấy, nhưng quả thực, chúng ta phải nêu ý kiến phản biện thật rành mạch để xây dựng vì cái chung. Tôi cho rằng, đấy cũng là trách nhiệm của người xem bóng đá và từng hoạt động trong lĩnh vực này.
Tôi thấy chuyện ông ấy đưa Minh Tùng ra biên, chọn Thanh Hiền làm nền tảng cho hàng thủ là hiếm rồi. Cầu thủ như Phi Sơn hợp với chạy cánh thì được đẩy vào đá hộ công, còn Công Phượng được cho đá lùi để kiến tạo là chưa chuẩn.
Nhiều trận chúng ta rất bế tắc vì đối phương bu kín cầu môn, Phượng là cầu thủ gần như duy nhất có khả năng đột phá trung lộ. Chúng ta cần cậu ấy để tìm kiếm quả phạt hoặc tạo ra đột biến từ đột phá. Nhưng cậu ấy phải đá xa khung thành đến 30 mét thì đối phương coi như được “uống tăng lực” rồi.
- Nhiều ý kiến cho rằng, HLV Miura đã giúp U23 Việt Nam cải thiện thể lực, các cầu thủ khỏe lên trông thấy. Ông nhận xét gì về điều này?
- Nếu các cầu thủ khỏe thì họ đã thắng Myanmar ở bán kết và không thua Thái Lan ở trận cuối cùng vòng bảng. Cả hai trận, khoảng 15 phút cuối chúng ta không còn linh hoạt nữa, nhiều cầu thủ chuột rút nhưng cố đá, trong khi đối thủ thì lấn lướt. Dưới góc quan sát của tôi, họ không khỏe lên mà chỉ quyết tâm nhiều hơn ở tinh thần. Cái này phần lớn do ý chí vươn lên của nhiều bạn trẻ. Rất đáng khen.
- Trong quyết định mới nhất của VFF, HLV Miura vẫn được tin tưởng. Một số thông tin cho rằng, việc này liên quan đến tài trợ và tiền lương của ông ấy được phía Nhật trả. Hơn nữa, VFF nói rằng, họ sẽ bảo lưu quan điểm không thay tướng giữa dòng…. Quan điểm của ông?
- Tôi không bàn đến quyết định của VFF, vì họ là người có quyền quyết định. Tôi chỉ đưa ra ý kiến thế này, nếu chỉ vì không phải trả tiền lương cho HLV Miura mà giữ ông ấy thì nên nghĩ lại. Sự xáo trộn mà HLV Miura tạo ra ở đội tuyển vừa rồi có thể lặp lại vì đấy là phong cách huấn luyện của ông ấy. Điều này không có lợi, thậm chí, nó đủ sức phá hỏng cả một thế hệ cầu thủ.
Chúng ta đã mất công, mất tiền, mất của để mời chuyên gia thì chúng ta phải được học từ họ những cái hay, cái mới. Thế mới xứng đáng. HLV Miura - theo tôi - chưa đạt tầm lão luyện như thế.
Chỉ khi được đặt đúng chỗ, Công Phượng mới phát huy hết khả năng. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Có lần ông đã chia sẻ điều này khi còn làm việc ở Bình Dương?
- Đúng vậy. Khi tôi đưa quân đi đá AFC Champions League trên đất Nhật, đích thân người Nhật nói với tôi rằng, Bình Dương thua Kashima có 1 quả là tốt lắm rồi. Ý họ nói là trình độ chêch lệch thế mà chỉ thua sát nút thì nỗ lực quá, cố gắng quá sức tưởng tượng. Họ khẳng định với tôi là “Việt Nam các ông dùng Miura làm HLV đội tuyển còn được cơ mà. Ở nước tôi, không ai thuê ông ấy cả”.
Tôi nói điều này không có ý gì khác ngoài việc nhấn mạnh một điều: Nếu chúng ta thuê chuyên gia, thì đấy phải là chuyên gia chất lượng. Vì mục đích của chúng ta là tiến lên, là học hỏi cơ mà.
- HLV Miura cũng cầm quân ở Consadole Sapporo một thời gian, thưa ông?
- Sapporo là đội bóng hạng hai, tức là không phải đội thi đấu ở giải hàng đầu. Mà không phải giải hàng đầu có nghĩa trình độ chưa phải… chuyên gia. Nếu chúng ta chỉ cần những người làm đội bóng hạng hai thì khó thay đổi được.
- Ông có cho rằng quyết định của VFF là đúng khi tiếp tục tin tưởng HLV Miura?
- Tôi cho là không!
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!