- Thưa ông, dù không muốn, chúng ta vẫn phải nhắc lại thất bại vừa rồi trước Thái Lan. Ông Miura bảo rằng lên đấu pháp là đúng, chỉ có cầu thủ Việt Nam quên chiến thuật.
- Tôi không muốn soi một câu nói, nhất là khi ông Miura thua trận. Nhưng thua thì phải vạch rõ ra là tại sao thua.
Tôi đọc báo và thấy Miura phàn nàn cầu thủ ta cứ đá dài, đá bổng. Đúng, như thế là không hợp lý. Nhưng nếu anh là người đã chơi đá bóng rồi thì anh mới hiểu, lúc bị vây, lúc bị áp sát, lúc bị gây sức ép, anh không đá dài, đá bổng thì đá đi đâu?
Huấn luyện viên Miura chịu nhiều sự chỉ trích sau khi tuyển Việt Nam thua 0-3 trước Thái Lan ngay trên sân Mỹ Đình. Ảnh: Lê Hiếu. |
Cái này chê cầu thủ thì dễ, nhưng thông cảm mới khó. Tôi thấy một điều thế này: ông Miura hình như chỉ ưu ái dùng một vài người thôi, những người còn lại ông ấy xoay tua, không ai biết liệu trận sau mình có còn được đá nữa hay không. Thế thì họ phải đá an toàn, có quả bóng mà bí thì phải đá kiểu… thoát thân, đá sao cho đừng có lỗi.
Chính sự không ổn định trong cách chọn nhân sự của ông Miura khiến các cầu thủ mất tự tin, sợ trách nhiệm. Tất nhiên, khi giới thiệu được gương mặt mới, ông ấy lại được tung hô, nên ông ấy càng hăng thử nghiệm. Chẳng có huấn luyện viên nào dù là giỏi đến mấy, mà trận nào cũng xáo trộn đội hình.
Còn ông ấy bảo cầu thủ ta quên chiến thuật, cái này thì chuẩn quá. Vì có được tập chiến thuật đâu mà quên? Chiến thuật là gì? Chiến thuật là cách chơi lâu dài, bền bỉ, hết buổi tập này sang buổi tập khác, hết trận này sang trận khác, hết người này sang người khác, sao cho cả đội hiểu nhau. Đội hình chính đã đành, khi lắp người dự bị vào, họ cũng đá được không 9, 10 thì cũng 7, 8 phần. Thế mới gọi là chiến thuật.
Có ai bảo chiến thuật là trận trước đá một kiểu, trận sau đá một kiểu đâu? Ông Miura tưởng đấy là chiến thuật, nhưng không phải. Trận hoà Iraq, ông ấy chơi thế là hợp lý, nhưng mà đùng một cái, gặp Thái, ông ấy cho đá 3-5-2, chả còn tận dụng được gì.
Xin thưa với các bạn là 3-5-2 nó lạc hậu quá rồi, thế giới người ta không còn dùng nữa. Đã thế, hai hậu vệ biên lại không được bó vào trong, thành thử trung tuyến có ai đâu?
Thêm nữa, cả đội chỉ có đúng 2 buổi tập để lắp ghép đội hình này. Hai buổi tập, đến phục hồi còn chưa xong, nói gì đến tập bài mới! Vậy thì cầu thủ đẳng cấp thế giới người ta cũng quên, chứ chẳng nói cầu thủ Việt Nam.
- Ở góc nhìn của mình, ông đánh giá thế nào về cái được và chưa được của ông Miura? Liệu ông ấy có phải mẫu HLV phù hợp cho bóng đá Việt Nam?
- Điều này, tôi nhớ là ngay từ những ngày đầu ông Miura đến, tôi đã nói rồi, ông Miura không phải người phù hợp để cầm các đội tuyển của chúng ta. Ông ấy có thể hơn tôi, hơn tất cả các huấn luyện viên nội về bằng cấp, về các khoá học bóng đá, nhưng về mặt triết lý bóng đá thì không ổn.
Đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Miura vẫn chưa thể đáp lại được sự kỳ vọng của người hâm mộ. Ảnh: Lê Hiếu. |
Khi ông Miura bắt tay vào việc, tôi đang ở Bình Dương. Tôi xem hầu như tất cả buổi tập của ông ấy, điều lạ lùng là các bài tập mỗi hôm một kiểu.
Tôi lấy ngay kinh nghiệm làm huấn luyện viên ra để phân tích như thế này. Tôi ở Bình Dương là lâu năm nhất, anh Phan Thanh Hùng ở HN T&T, anh Lê Huỳnh Đức ở Đà Nẵng cũng thế, đều phải xây dựng một lối chơi nhất quán chứ có dám mạnh dạn thay đổi liên tục đâu?
Ông Miura hình như luôn muốn tạo ra những điều bất ngờ. Đúng là ông ấy cũng có những trận làm được, làm tốt, như thắng Iran ở ASIAD hay hòa Iraq. Nhưng bất ngờ nhất thì chúng ta cũng đã thấy rồi: thua Malaysia ở AFF Cup đấy, hay thua Thái vừa xong đấy.
Tôi không nhìn vào các trận thua để nói ông Miura, vì đá bóng có thắng có thua, chuyện ấy rất bình thường. Nhưng anh là huấn luyện viên, anh phải làm thế nào để người ta nhìn vào đội bóng của anh người ta thấy có đường nét, có lối chơi.
Đằng này, ông Miura đến Việt Nam gần một năm rưỡi rồi, có phải là ít đâu, đá cũng đến hơn ba chục trận, nhưng tôi chưa thấy ai khen đội tuyển Việt Nam có tiến bộ gì, có đường nét gì. Cái này thì ông Miura không bằng được ông Calisto hay ông Riedl.
Người hâm mộ thất vọng vì kết quả, còn những người làm chuyên môn như chúng tôi thì thất vọng vì hình ảnh bóng đá Việt Nam ngày càng đi xuống. So sánh với Thái Lan thôi, đồng ý là họ hơn ta nhiều mặt, nhưng cứ hơn ta là họ thắng, mà thắng dễ, thế thì ta đầu tư mời huấn luyện viên ngoại để làm gì?
Ở châu Âu, tuyển Hà Lan mạnh như thế mà mất suất EURO rồi đấy. Là vì các đội yếu hơn, người ta cố gắng, người ta cướp được cái suất đấy chứ sao. Đằng này cứ thua Thái Lan xong lại đổ cho là yếu kém, như thế thì dễ quá.
- Liệu bóng đá Việt Nam có nên tiếp tục đồng hành với ông Miura?
Tôi thấy rất buồn cười một chi tiết, ông Miura bảo là Mạc Hồng Quân phải ra sân làm ĐT Việt Nam vỡ chiến thuật ở hiệp 2 trận Thái. Ai xem đá bóng đều hiểu vai trò của Hồng Quân chỉ ở mức độ nào thôi chứ, làm gì đến tầm quyết định trận đấu? Với lại có nhiều trận anh Quân có được xếp đá đâu, thế thì vỡ ở chỗ nào?
Nói như thế là bao biện. Nó thể hiện là ông Miura không phải người sẵn sàng tiếp thu ý kiến bên ngoài. Đồng ý, ông ấy là huấn luyện viên trưởng, có toàn quyền quyết định, nhưng thế không có nghĩa là ai nói gì mặc kệ.
Hoặc là ông ấy mặc kệ cũng được, nếu ĐT Việt Nam toàn đạt kết quả tốt. Đằng này, thua đau, lối chơi thì không định hình. Tôi lúc nào cũng canh cánh một điều là tại sao không có ai ở bên cạnh, hay ở bên trên ông Miura, để bảo cho ông ấy biết những điều ông ấy đang làm là sai, là không phù hợp với bóng đá nước mình.
Nói chung, bóng đá mình đã kém rồi, nên phải cố gắng chọn được huấn luyện viên tốt thì mới mong khởi sắc. Ông Miura cho đến thời điểm này là chưa tốt, nhưng nếu không kiếm được ai thay thế thì tiếp tục dùng cũng được, nhưng phải góp ý cho ông ấy thay đổi. Không thay đổi thì đến khi ông ấy đi, bóng đá Việt Nam còn lại được gì?