Bất chấp việc đột ngột từ bỏ cương vị HLV trưởng ĐTQG Hà Lan để tới Barca, Ronald Koeman không nhận phải sự thù ghét từ xứ sở hoa tulip. Những chuyên gia tại Hà Lan đều tin đây là "cơ hội không thể tốt hơn" (Telegraaf) để Koeman dẫn dắt Barca sau 2 lần từ chối.
Voetbalzone nhấn mạnh việc Koeman rời chức vụ ở đội tuyển Hà Lan không phải quyết định đơn phương của nhà cầm quân sinh năm 1963. Hợp đồng của ông với LĐBĐ Hà Lan (KNVB) có điều khoản cho phép tới Barca dẫn dắt, và Koeman đã sử dụng.
Đa phần CĐV Hà Lan cũng không nhìn nhận đây là động thái phản bội của Koeman với màu cờ sắc áo. Họ đều cho rằng đây là thời cơ tốt để Koeman thỏa giấc mơ dẫn dắt Barca và nhìn nhận Louis van Gaal, Guus Hiddink hoặc Peter Bosz sẽ ngồi vào ghế nóng để dẫn dắt Oranje tại EURO và World Cup.
Vấn đề giờ nằm ở chính Koeman. Liệu ông có phải lời giải cho những hỗn loạn tại Barca?
Koeman được Barca lựa chọn thay Quique Setien. Ảnh: Getty. |
Koeman hay cỡ nào?
Cá tính mạnh cùng tham vọng tái thiết là điểm nhấn trong cách huấn luyện của Koeman. Quãng thời gian thành công nhất của ông là khi dẫn dắt đội tuyển Hà Lan. Đó là một đống đổ nát theo đúng nghĩa đen khi ông tiếp quản.
Khi Koeman trở thành thuyền trưởng Oranje vào tháng 2/2018 để thay thế Dick Advocaat sau khi Hà Lan không thể giành vé dự World Cup trên đất Nga, Arjen Robben và Wesley Sneijder đều đã từ giã ĐTQG trước đó.
Koeman tiếp quản một tập thể với những cá nhân không quá nổi trội. Không ai trong số đó là ngôi sao đẳng cấp. Van Dijk khi ấy vẫn chịu nhiều hoài nghi khi trở thành hậu vệ đắt giá nhất lịch sử sau vụ chuyển nhượng từ Southampton tới Liverpool. Dù vậy, cầu thủ sinh năm 1991 được trao tấm băng đội trưởng.
Sự trưởng thành của De Ligt có công không nhỏ của Koeman. Ảnh: Getty. |
Matthijs de Ligt vẫn vô danh với người hâm mộ khi chưa tròn 19 tuổi. Memphis Depay cũng mới gượng dậy chút đỉnh trong màu áo Lyon sau khi bị MU thải loại.
Trận đấu đầu tiên của Koeman diễn ra vào tháng 3/2018. Hà Lan khi ấy thua Anh 0-1 với đội hình có Bad Dost là tiền đạo cắm, Zoet là thủ môn cùng bộ ba phòng ngự Van Dijk, De Ligt và De Vrij.
Những nỗ lực tái thiết của Koeman bắt đầu cho thấy thành quả. Hà Lan bất bại 4 trận liền sau đó, thắng Bồ Đào Nha 3-0, hòa Italy. Đội hình không cần phụ thuộc vào Robben hay Sneijder dần trở nên ăn ý với những quân bài ít tiếng tăm nhưng hiệu quả như De Roon, Van de Beek hay Hateboer.
Tháng 9/2018, Hà Lan bước vào "bảng tử thần" của UEFA Nations League với Đức và Pháp. Không ít người tin Hà Lan sẽ đứng bét bảng sau 4 lượt trận. Song Koeman và các học trò gây sốc khi quật ngã cả Đức lẫn Pháp ở những trận đấu then chốt để đứng đầu bảng.
Hà Lan của Koeman thậm chí vào tới chung kết UEFA Nations League vào tháng 6/2019, và chỉ chịu thua Bồ Đào Nha của Ronaldo.
Báo chí thế giới nhìn nhận Ajax đóng vai trò quan trọng việc đưa De Ligt, De Jong hay Van de Beek ra bầu trời bóng đá thế giới với chiến tích lọt vào bán kết Champions League.
Song Koeman với tham vọng tái thiết Hà Lan cũng cần được ghi nhận công lao khi chấp nhận đặt niềm tin vào nhóm cầu thủ trẻ trung này và gặt hái được thành quả.
Hai năm sau khi Koeman lên nhậm chức, những quân bài ông sử dụng cho Oranje giờ đều đạt thành tích cao trong màu áo CLB. Van Dijk vô địch Premier League, Champions League cùng Liverpool. De Ligt vô địch Serie A cùng Juventus sau mùa giải đại thành công cùng Ajax. De Jong vào top 10 cầu thủ đắt giá nhất thế giới. Depay vào bán kết Champions League.
Ngay cả những cầu thủ hạng hai như De Roon, Hateboer cũng bắt đầu thể hiện bản thân xuất sắc như thế nào trong màu áo Atalanta. Bergwijn giờ còn có chỗ trong đội hình toàn sao của Tottenham. De Vrij trở thành hậu vệ hay nhất mùa giải của Serie A. Nathan Ake được Man City chiêu mộ.
Khi Koeman rời đi, thứ ông để lại cho người kế nhiệm không còn là đống đổ nát. Hà Lan đang sở hữu thế hệ hùng mạnh, sẵn sàng đối đầu sòng phẳng với Pháp, Đức, Tây Ban Nha hay Anh tại kỳ EURO được tổ chức vào năm sau.
Phương án mạo hiểm
Khả năng tái thiết từ đống đổ nát, đặt niềm tin vào cầu thủ trẻ của Koeman đã được kiểm chứng. Song đây cũng sẽ chính là vấn đề khi Koeman trở thành thuyền trưởng đội chủ sân Camp Nou.
Barca giờ không phải đống đổ nát như Hà Lan khi Koeman tiếp quản. La Blaugrana giống một tòa cao ốc sắp sụp đổ sau những vết nứt liên tiếp ở nền móng CLB hơn.
Koeman sẽ phải đối mặt với những vấn đề nằm ngoài phạm vi chuyên môn. Đây là khúc mắc mà Gerardo Martino, Ernesto Valverde hay Quique Setien, những HLV không có gốc gác Catalonia đều hiểu rõ và bất lực.
Chuyện đi hay ở của Messi là câu hỏi không dễ có lời giải với HLV Ronald Koeman. Ảnh: Getty. |
Nhà cầm quân người Hà Lan sẽ phải tìm cách đương đầu với những trụ cột tại sân Camp Nou như Pique, Busquets và đặc biệt là Lionel Messi. Đây không phải sở trường của ông, nếu không muốn nói là sở đoản của chiến lược gia cá tính này.
Trước khi dẫn dắt Barca, Koeman từng thất bại thảm hại trong trải nghiệm duy nhất tại La Liga với Valencia vào mùa giải 2007/08. Nhà cầm quân người Hà Lan dẫn dắt "Bầy dơi" 34 trận nhưng thua tới 14. Dù giúp Valencia giành Copa del Rey nhưng vị trí thứ 15 trên BXH La Liga là quá đủ để Los Che tạm biệt Koeman khi mùa giải còn chưa kết thúc.
Điểm nhấn trong cách huấn luyện của Koeman ngày ấy là sự cứng rắn trong việc đối đầu với những công thần. Vào năm 2007, Valencia không còn là tập thể hùng mạnh từng vô địch La Liga như cách đó 3 năm. Dàn cầu thủ trụ cột của "Bầy dơi" như David Albelda, Angulo... đã đi tới cuối chu kỳ, và Koeman mạnh tay loại bỏ tất cả.
Song sự cứng rắn này của cựu thủ quân đội tuyển Hà Lan phản tác dụng. Ông vướng phải những mâu thuẫn không hồi kết trong phòng thay đồ với các học trò. Phong độ thảm họa của Valencia tới khi những xung đột đến từ chính cầu thủ với HLV.
Thất bại 1-5 trước Athletic Bilbao tại La Liga tháng 4/2008 là giọt nước tràn ly với Koeman. Ông bị sa thải và được xem là HLV tồi tệ nhất lịch sử đội chủ sân Mestalla.
Khi dẫn dắt Barca, điều gì đảm bảo việc Koeman sẽ không loại toàn bộ những trụ cột, vướng vào mớ bòng bong khác, đẩy đội chủ sân Camp Nou vào một thảm họa kinh hoàng trước khi bị sa thải?
Koeman thực chất không phải phương án A của BLĐ Barca. Xavi Hernandez, huyền thoại của CLB, người thấm nhuần tư tưởng của không chỉ Barca mà còn là cả xứ Catalonia là lựa chọn số 1 của đội chủ sân Camp Nou.
Xavi từ chối trở lại Barca khi chưa thấy đội bóng ổn định được thượng tầng. Ảnh: Getty. |
Barca từng công khai phỏng vấn Xavi hồi đầu năm về việc cựu tiền vệ này có chấp nhận về ngôi nhà xưa trong vai trò huấn luyện hay không. Đó là thời HLV Enersto Valverde vẫn còn đương nhiệm. Tuy nhiên, Xavi từ chối.
Những nguồn tin thân cận của Barca xác nhận Xavi chưa muốn quay lại sân Camp Nou bởi những vấn đề trong thượng tầng của Barca. Sự hỗn loạn mà Chủ tịch Joseph Bartomeu và Giám đốc Thể thao Eric Abidal tạo ra không thích hợp với môi trường thể thao. Và Xavi không muốn chui đầu vào hiểm địa.
Anh muốn chờ thêm thời gian để cuộc bầu cử chủ tịch diễn ra xong xuôi, rồi mới tính toán tới việc dẫn dắt Barca.
Với Koeman, chức vụ HLV Barca là ước mơ. Với Xavi, đây là thử thách cần khôn ngoan khi đối mặt. Cuối cùng, Koeman chấp nhận mạo hiểm.
Tương lai tại Barca sẽ có màu gì với Koeman? Thời gian sẽ trả lời. Tuy nhiên, nhà cầm quân người Hà Lan đang dấn thân vào canh bạc với sự nghiệp đang lên của mình.