Người nhảy BASE Jump thành tội phạm trộm cắp
Marco Markovich, Andrew Rossig và James Brady (phía sau) trở thành tội phạm trộm cắp sau khi thực hiện cú nhảy mạo hiểm từ đỉnh tòa nhà Trung tâm Thương mại Một Thế giới. Ảnh: New York Daily News |
BASE Jump là một môn thể thao mạo hiểm. Người chơi nhảy dù từ các tòa nhà cao tầng, vách đá. Đương nhiên, đây không phải là một tội danh hình sự. Tháng 9/2013, Marco Markovich, Andrew Rossig và James Brady thực hiện một cú nhảy từ đỉnh của tòa nhà Trung tâm Thương mại Một Thế giới. Một trong 3 người mang theo camera, quay lại quá trình nhảy và đăng lên Youtube.
Tháng 3/2014, họ tiết lộ rằng họ đã bước vào tòa nhà thông qua một lỗ thủng trên hàng rào vành đai. Mặc dù 3 người đã thừa nhận hành động sai trái và cố làm giảm yếu tố phạm tội, cảnh sát vẫn buộc tội họ, New York Daily News đưa tin. Với một số người, chuyện này có vẻ vô lý vì tội trộm cắp thường gắn liền với hành vi ăn trộm. Nhưng luật pháp bang New York quy định tội trộm cắp là hành vi đột nhập bất hợp pháp vào một cơ sở với ý đồ ăn trộm. Đồng thời, năm 2008, thành phố New York thông qua một đạo luật, theo đó, nhảy BASE Jump là một tội danh.
Hình phạt đan áo len cho nạn nhân
Cụ bà 89 tuổi ở Đức phải đan áo len cho cho chủ nhân của những chiếc xe bị bà rạch lốp. Ảnh minh họa: blogspot.com |
Năm 2008, Heidi Kohl, một cụ bà 89 tuổi ở Đức, thấy bực mình vì hàng xóm thường đỗ xe trên tuyến phố trước cửa nhà bà. Vào một buổi tối, cụ rạch lốp xe của hàng chục chiếc ô tô đậu trước cửa nhà.
Một người hàng xóm đã chứng kiến hành vi của Kohl và báo cảnh sát. Heidi Kohl cho biết cụ quá mệt mỏi khi phải di chuyển xung quanh những chiếc xe để băng qua đường và thấy điều đó gây nguy hiểm cho cụ. Vì bị cáo không có tiền nộp phạt theo bản án ban đầu, tòa chuyển sang phạt cụ đan áo len cho chủ nhân những chiếc xe bị cụ rạch lốp, Croatiantimes cho hay. Sau đó, chính quyền đưa Heidi Kohl vào một cơ sở chăm sóc người cao tuổi.
Buộc tội phạm bạo lực kết hôn với nạn nhân
Một Thẩm phán ở Mỹ buộc bị cáo kết hôn với nạn nhân, Ảnh minh họa: blogspot.com |
Năm 1995, Scott Hancock, một thanh niên ở Mỹ, hầu tòa vì đánh bạn gái, Yvonne Sevier. Thẩm phán Albert Mestemaker buộc hắn kết hôn với nạn nhân trong vòng 9 tháng sau khi tòa tuyên án. Mestemaker cho biết ông đưa ra hình phạt nhằm bảo vệ “những giá trị truyền thống của Mỹ”, theo Los Angeles Times.
Sau đó, vị thẩm phán hủy bỏ bản án vì phản ứng phẫn nộ từ dân chúng. Vào thời điểm đó, Mestemaker biện bạch rằng ông chưa bao giờ đưa ra bản án như vậy và bổ sung rằng nó “không có hiệu lực”. Theo lệnh quản chế, Albert Mestemaker đã viết: “Bị đơn và nạn nhân sẽ thánh hóa mối quan hệ của họ bằng một đám cưới”.
Đây không phải là nỗ lực đầu tiên của Mestemaker để giải quyết vấn đề bạo lực gia đình. Trước đó, cũng trong năm 1995, ông đã yêu cầu một phụ nữ mang tội bạo lực kết hôn với cha của đứa con trai 3 tuổi của cô ta.
Người vi phạm luật giao thông phải đi thu hoạch bông
Những người vi phạm luật giao thông ở Uzbekistan phải đi thu hoạch bông. Ảnh: BBC |
Bông là cây trồng chính ở Uzbekistan. Vào mùa thu hoạch, nông dân khó để làm kịp. Chính phủ buộc phải cho phép lao động trẻ em làm việc trong mùa thu hoạch. Vì thế, Uzbekistan mất một số khách hàng phương Tây.
Để giải quyết vấn đề, chính phủ phát động chiến dịch toàn quốc nhằm khuyến khích người lao động trưởng thành tham gia vào công việc thu hoạch bông. Uzbekistan còn yêu cầu các cửa hàng và doanh nghiệp chỉ mở cửa sau 19h để ngăn người lao động rời khỏi nông trường quá sớm.
Đồng thời, cảnh sát buộc những người vi phạm luật giao thông vào lao động tại các cánh đồng bông. Theo một số nguồn tin ở châu Âu, chính phủ hướng dẫn các thanh tra giao thông thu hồi giấp phép lái xe của những người phạm luật, điều họ đến khu vực trồng bông “trong một tuần hoặc hơn” để tham gia vào công việc thu hoạch bông. Sau khi hoàn thành công việc theo yêu cầu, họ sẽ nhận lại giấy phép lái xe, BBC đưa tin.
Tống giam 46 người vì tiếng chuông điện thoại trong phòng xử án
Tháng 3/2005, Robert Restaino, một thẩm phán ở bang New York, Mỹ, yêu cầu những người phạm tội bạo lực gia đình đến tham dự phiên thẩm vấn hàng tuần. Trong quá trình tố tụng, tiếng chuông từ một chiếc điện thoại vang lên nhưng không ai nhận điện hay tắt chuông đi.
Một thẩm phán ở Mỹ mất chức sau khi tống giam 46 người trong phòng xử án vì tiếng chuông điện thoại. Ảnh: Oddee |
Restaino chỉ rõ quy định cấm sử dụng điện thoại trong phòng xử án. Ông cảm thấy thất vọng trước sơ suất của nhân viên tòa án. Cuối cùng, thẩm phán ra lệnh chủ nhân chiếc điện thoại nộp lại nó, nếu không ông sẽ tống giam tất cả những ai có mặt trong phòng xử án. Tuy nhiên, không ai chấp hành.
Robert Restaino ra lệnh giam 46 người vào những buồng giam chật chội (cảnh sát phải đưa 14 người trong số họ đến nhà tù khác vì hết phòng). Chiều hôm đó, ông phóng thích họ và cho biết ông gặp vấn đề về “căng thẳng cá nhân”. Cuối cùng, bang New York thu hồi chức vị của Restaino, Fox News cho hay.