Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Muôn kiểu tự thú ngu ngốc nhất của kẻ sát nhân (kỳ 2)

Một tên sát nhân tự thú vì tưởng cảnh sát đã phát hiện vụ việc trong khi một kẻ khác ngông cuống đến mức gửi thư nặc danh cho cảnh sát để cung cấp manh mối.

Tự thú vì tưởng cảnh sát đã phát hiện vụ việc

Cảnh sát cho rằng động cơ gây án của Dosai Kumar là tranh giành bất động sản. Ảnh minh họa: Listverse
Cảnh sát cho rằng động cơ gây án của Dosai Kumar là tranh giành bất động sản. Ảnh minh họa: blogspot.com

Tháng 8/2014, cảnh sát Ấn Độ bắt Dosai Kumar, một thanh niên 31 tuổi, vì tội tham gia vào một cuộc ẩu đả tại quán bar ở thành phố Chennai. Song Kumar nhanh chóng thú nhận tội giết hai người vì tưởng đây là nguyên nhân họ bắt hắn, The Time of India đưa tin. 5 ngày trước đó, cảnh sát tìm thấy thi thể của một trong hai nạn nhân, D. Mani, ở hồ Sembarambakkam. Kumar cho biết thêm hắn đã bóp chết cha của nạn nhân, ông Devarjan Mani.

Cảnh sát tiếp tục điều tra và phát hiện gia đình Mani từng tuyên bố ông Mani chết vì bệnh tim. Vì thế, họ nghi ngờ gia đình Mani thuê Dosai Kumar gánh tội thay.  Kumar khai hắn giết cha con Mani để bảo vệ danh dự gia đình, vì cả hai nạn nhân đều là kẻ nghiện rượu đáng xấu hổ. Tuy nhiên, nhà chức trách cho rằng động cơ gây án thực sự là tranh giành bất động sản.

Kẻ sát nhân sa lưới vì ký tên lên biên lai

Ed Gein
Ed Gein. Ảnh: My Epsilon

Ed Gein là một tên giết người và trộm xác khét tiếng ở làng Plainfield, bang Wisconsin, Mỹ. Ngày 17/11/1957, Gein sát hại Bernice Worden, chủ một cửa hàng. Trước đó, hắn làm quen với Frank Worden, con trai nạn nhân, và biết thời gian anh ta đi săn. Vào ngày đó, kẻ sát nhân mua chất chống đông và một khẩu súng trường. Hắn đến cửa hàng, buộc Worden ký vào biên lai rồi bắn bà. Sau đó Gein rời khỏi cửa hàng và mang theo xác nạn nhân. Tuy nhiên, hắn để quên tờ biên lai có ký tên hắn và không dọn dẹp hiện trường.

Frank Worden, một cảnh sát, truy hỏi Ed Gein. Hắn tỏ ra vô tội nhưng lời khai của hắn đầy sơ hở. Vì thế, Worden bắt Gein. Khi lục soát nhà hắn, cảnh sát thấy hàng loạt bộ phận thi thể người, bao gồm xác của Bernice Worden.

Tại phiên xét xử ngày, 21/11/1957, tòa tuyên bố bị cáo mắc bệnh tâm thần. Nhờ đó, Gein thoát tội. Trong phiên tòa ngày 14/11/1968, tòa xử hắn tội giết người cấp độ một và buộc hắn sống hết phần đời còn lại trong bệnh viện tâm thần Crime Library cho biết.

Lộ âm mưu vì vô tình gọi điện tới nạn nhân

Larry Barnett. Ảnh: Huffingtonpost
Chỉ vì không muốn trả khoản nợ lương, Larry Barnett thuê sát thủ giết nhân viên cũ. Ảnh: Huffingtonpost

Larry Barnett là một ông chủ giàu ở thành phố Jonesboro, bang Arkansas, Mỹ. James Macom, một nhân viên cũ của Barnett, cho biết hắn còn nợ tiền lương anh ta. Vì thế, Larry Barnett quyết định thuê người giết Macom để không phải trả nợ.

Khi đang nói chuyên bằng điện thoại với tên sát thủ, Barnett rút chiếc điện thoại thứ hai ra để cung cấp cho hắn thông tin liên lạc của Macom. Sau đó, hắn cất điện thoại vào túi quần và vô tình ấn nút gọi vào số nạn nhân. James Macom đã nghe toàn bộ âm mưu, bao gồm câu nói của ông chủ cũ: “Tôi không quan tâm đến việc cậu phải đốt nhà hắn hay không”.

Cảnh sát bắt Larry Barnett trước khi tên sát thủ kịp giết Macom mặc dù hắn đột nhập thành công vào nhà anh và phá bếp lò nhằm dựng hiện trường giả của một vụ tai nạn, Time đưa tin.

Tên sát nhân gửi đầu mối tới cảnh sát

Dennis Rader. Ảnh: Historia
Dennis Rader. Ảnh: Historia

Dennis Rader là một người bắt chó, chủ tịch hội đồng nhà thờ, thủ lĩnh câu lạc bộ hướng đạo sinh và là nhân viên lắp đặt hệ thống an ninh ở thành phố Wichita, bang Kansas, Mỹ. Song hắn cũng là kẻ giết người hàng loạt với biệt danh Sát thủ BTK - từ viết tắt của Bind (trói), Tortune (tra tấn), Kill (giết). Từ năm 1974 đến năm 1991, BTK sát hại 10 người. Không chỉ giết người một cách dã man, tên sát nhân còn gửi thư nặc danh đến cảnh sát, trêu chọc họ không đủ khả năng bắt hắn, The Atlantic cho hay. Nhiều bức thư trở thành đầu mối cho các vụ án.

Sau khi không gây án mạng trong một khoảng thời gian, Dennis Rader bắt đầu gửi thư đến cảnh sát dưới dạng đĩa mềm. Trước đó, Rader lợi dụng một chương trình truyền hình để hỏi rằng liệu cảnh sát có thể theo dõi hắn qua đĩa mềm hay không. Cảnh sát gửi lại câu trả lời qua một tờ báo địa phương rằng họ không thể theo dõi hắn. Trên thực tế, các đĩa mềm là một công cụ để cảnh sát theo dõi tên sát nhân khi hắn sử dụng máy tính cá nhân ở nhà thờ. Ngày 28/2/2005, BTK sa lưới.

Sát thủ lộ mặt vì khoe về việc thừa kế tiền bảo hiểm của nạn nhân

Kwang Chol Joy và nạn nhân Maribel Ramos. Ảnh: Daily Mail
Kwang Chol Joy (trái) và nạn nhân Maribel Ramos. Ảnh: Fox 11

Ngày 3/5/2013, cô Maribel Ramos, một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Iraq, mất tích. Một thành viên trong gia đình cô đăng thông báo tìm người nhà trên trang mạng Yelp. Kwang Chol Joy, người sống chung với Ramos, bình luận dưới thông báo rằng hắn rất nhớ cô và họ từng là bạn bè thân thiết. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ vì Joy sử dụng thì quá khứ khi nói về tình bạn của hắn. Joy cố gắng biện bạch. Tuy nhiên, sau đó hắn lại nói những lời đáng ngờ hơn. Hắn kể với nhiều người trên mạng rằng hắn có một hợp đồng bảo hiểm đứng tên Maribel Ramos và sẽ nhận hàng trăm nghìn USD nếu cô chết.

Vài ngày sau, cảnh sát lục soát căn hộ của Kwang Chol Joy và bắt hắn. Một trong những bằng chứng chống lại Joy là lịch sử duyệt web trên máy tính của hắn. Hóa ra hắn lên mạng để tra cứu thông tin về thời gian mà thi thể sẽ phân hủy và tìm nơi chôn xác nạn nhân. Họ cũng phát hiện một cuộc gọi từ Ramos. Nội dung cuộc gọi cho thấy hai người từng tranh cãi về tiền thuê nhà. Tại phiên xử, luật sư biện hộ của Joy cho rằng hắn chỉ phạm tội che giấu thi thể chứ không giết người. Tòa phủ định lời bào chữa và xử Kwang Chol Joy 15 năm tù vì tội giết người cấp độ hai, New York Daily News đưa tin.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm