Trước một cửa tiệm trên đường phố ở Kabul - dường như là một tiệm đồ cưới - hàng loạt hình ảnh phụ nữ trang điểm đẹp, mặc trang phục rực rỡ được dán lên cửa và lên tường để quảng cáo.
Những hình ảnh này dường như cho đến trước ngày 15/8 vẫn còn rất đẹp đẽ. Thế mà giờ đây, trên mặt của phụ nữ trong các tấm áp phích này là chi chít vệt sơn đen. Có tấm bị bôi đen mắt và miệng, có tấm bị phun sơn nham nhở gần hết mặt, có tấm bị sơn đen kín hết cổ và đầu của người phụ nữ trong hình.
Đó là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi nhanh chóng của bộ mặt thủ đô Kabul chỉ sau vài ngày Taliban nắm quyền kiểm soát. Đó cũng dường như là báo hiệu về tương lai của phụ nữ dưới chế độ cai trị của các chiến binh Hồi giáo, bất chấp việc họ đã tuyên bố trước công chúng rằng Taliban giờ đây đã khác và họ tôn trọng nhân quyền.
Mặt phụ nữ trên hình quảng cáo ở các tiệm làm đẹp ở Kabul bị bôi đen. Ảnh: AFP. |
Quét vôi trắng che quảng cáo có phụ nữ
Các chiến binh Taliban đã giành quyền kiểm soát thủ đô vào ngày 15/8, sau một cuộc tấn công chớp nhoáng. Các thành phố, tỉnh lỵ của chính quyền cũ trên khắp đất nước liên tiếp sụp đổ, nhanh như những quân cờ domino, chỉ trong vài ngày, theo AFP.
Tại những khu vực mà Taliban chưa kiểm soát, nỗi lo lắng đang bao trùm. Người dân sợ hãi sẽ một lần nữa phải sống trong chế độ cai trị với luật lệ Hồi giáo hà khắc khét tiếng, đặc biệt là đối với phụ nữ, khi tổ chức này nắm quyền từ năm 1996 đến năm 2001.
Trong hai thập kỷ kể từ khi Mỹ đến giúp Afghanistan đẩy lùi Taliban và giành lại quyền kiểm soát đất nước về tay chính quyền vừa bị lật đổ vào năm 2001, hàng trăm cơ sở làm đẹp từng bị cấm trước đó đã mọc lên khắp Kabul.
Phụ nữ đến đây để được trang điểm và làm móng, điều dường như không thể xảy ra dưới chế độ Taliban. Theo luật lệ Hồi giáo mà tổ chức này áp dụng, phụ nữ buộc phải giấu kín từng centimet da thịt của họ trước người ngoài, dưới một lớp vải phủ kín từ đầu tới chân. Họ chỉ có thể nhìn qua một lớp vải thưa hơn ở phần mắt.
Phụ nữ Afghanistan dưới sự cai trị của Taliban thời kỳ 1996-2001 phải trùm burqa kín người. Ảnh: AFP. |
Khi lực lượng Taliban tiến vào thủ đô, ít nhất một trong số các cửa hàng này đã bắt đầu quét vôi trắng lên tường để che các quảng cáo có hình ảnh của những phụ nữ lộng lẫy, đang tươi cười trong bộ váy cưới.
Một tiệm làm đẹp khác đã đóng cửa. Đứng bên ngoài cửa tiệm với hình ảnh phụ nữ bị bôi đen nham nhở đó là một tay súng Taliban đang tuần tra đường phố, gác lên vai một khẩu súng trường.
Lời hứa có đáng tin?
Trong thời kỳ cầm quyền 1996-2001, Taliban khét tiếng với việc cấm trẻ em gái đi học, ngăn cấm phụ nữ tiếp xúc với đàn ông ngoài chồng mình, và công khai ném đá đến chết những phụ nữ bị buộc tội ngoại tình.
Kể từ khi trở lại nắm quyền vào ngày 15/8, nhóm đã cam kết tôn trọng quyền của phụ nữ.
Một phát ngôn viên của Taliban ở Qatar nói với Sky News rằng phụ nữ sẽ không bị bắt buộc phải mặc burqa (trang phục che kín người và mặt), nhưng không nói rõ trang phục nào sẽ được chấp nhận.
Suhail Shaheen cũng cho biết Taliban sẽ cho phép phụ nữ học đại học.
Một đại diện khác nói rằng tổ chức Hồi giáo này đã "cam kết cho phép phụ nữ làm việc phù hợp với các nguyên tắc của đạo Hồi", nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể.
Tuy nhiên, người dân Afghanistan và cộng đồng quốc tế hoài nghi về những lời hứa này.
Một tay súng Taliban đi tuần trên đường phố ở thủ đô Kabul, Afghanistan. Ảnh: AFP. |
Nhiều báo cáo đã được đưa ra về việc phụ nữ độc thân và góa phụ đã bị ép kết hôn với các chiến binh Taliban. Một phát ngôn viên của nhóm Hồi giáo này đã bác bỏ những báo cáo trên và nói rằng đó là “lời tuyên truyền bôi bẩn” họ.
Biểu tình nổ ra ở nhiều thành phố trên khắp thế giới để ủng hộ người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác đã đưa ra một tuyên bố chung, nói rằng họ "rất lo lắng về phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan", đồng thời kêu gọi chế độ mới đảm bảo an toàn cho những đối tượng này.
Một chủ tiệm làm đẹp ở Kabul nói với AFP vào tháng trước rằng cô có thể sẽ bị buộc phải đóng cửa hoạt động kinh doanh của mình nếu Taliban trở lại nắm quyền.
"Nếu họ quay lại, chúng tôi sẽ không bao giờ có được tự do như bây giờ. Họ không muốn phụ nữ làm việc", Farida (27 tuổi), nói.